Trăm năm cho cuộc thiên di

TUỆ LÂM 19/03/2022 15:36

Kế hoạch di dời hơn trăm hộ dân ở ốc đảo Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, Núi Thành) chưa biết đến khi nào mới thực hiện. Bởi, tất cả vẫn đang còn là… kế hoạch. Nhưng, trên ốc đảo này, nhiều người cứ thấp thỏm chờ đợi, như quãng thời gian dành cho một quyết định cuối cùng: Đi, hay ở.

Ốc đảo Long Thạnh Tây được bao quanh bởi sông Trường Giang, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài.Ảnh: TUỆ LÂM
Ốc đảo Long Thạnh Tây được bao quanh bởi sông Trường Giang, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài.Ảnh: TUỆ LÂM

Ốc đảo cuối sông đầu biển

Mất một hồi lâu cho kẻ không rành đường tìm ra được bến đò để đi qua phía bên kia ốc đảo. Nói dễ tìm, cũng phải. Mà khó tìm cũng chẳng sai. Long Thạnh Tây thông ra nhiều ngõ như: Tam Hải, Tam Hòa, Tam Giang… nhưng tất thảy đều phải đi đò qua sông. Mỗi người chỉ một hướng, hướng nào cũng đúng!

Giữa trưa, ghé quán nước ở bến đò An Hòa hỏi đường qua ốc đảo, ông Ba Cung gật đầu, đúng đường rồi. “Nhưng nếu muốn qua sớm, thì thuê ghe tui chở, cả đi về 100 nghìn đồng. Còn muốn chờ thuyền của thôn thì quá trưa, giá chỉ 6 - 7 nghìn đồng gì đó. Buồn buồn, ít khách lại không chạy” - ông già tóc bạc gần hết túc tắc.

Mất chừng 20 phút vượt sông Trường Giang để qua phía ốc đảo. Trong thời gian đó, ông Ba Cung kịp kể sơ bộ về những người bạn ở phía bên kia sông. Gần 20 năm đưa đò, từ đứa nhỏ giờ thành thanh niên trai tráng cho đến những bạn già đều đã nhẵn mặt với ông.

“Thường thì ngày 3 chuyến đò: sáng sớm, trưa muộn và xế chiều. Có việc đột xuất thì thuê ghe của bến chài mà đi. Mấy chục năm, vẫn rứa!” - ông kéo dây ga, vượt qua lợn cợn sóng. Sóng của sông, nhẹ và đều.

Cái doi đất được bao quanh bởi sông Trường Giang là nơi cư trú của hơn trăm hộ dân. Chỉ mất chừng mươi phút là có thể đi bộ từ đầu làng tới cuối làng. Những ngôi nhà nhỏ núp dưới tán dừa xanh mướt.

Làng bình yên. Lọt thỏm giữa những bộn bề sông nước. Hai vợ chồng ông Huỳnh Văn Cung (53 tuổi) thấy người lạ ghé nhà thì lấy ghế. “Đi coi ngó tình hình à? Ngồi chơi, tiện thể cho tui hóng hớt có chi mới không” - ông Cung cười.

“Để mà nói về những khó khăn của ốc đảo ni, thì có 3 cái: nước sạch, cách trở đò giang và không có cơ sở y tế. Nhưng cả chục, thậm chí cả trăm năm ni rồi dân ở đây vẫn sống.

Cha ông, con cháu rồi cũng lớn lên, chết đi trên cái doi đất này. Riết rồi quen, thành ra không thấy khó nữa. Chỉ tội mấy đứa nhỏ sinh ra sau này, thiệt thòi đủ thứ. Đến lúc nớ, ngồi ngó lại, thấy… khổ thiệt” - ông Cung nói.

Chị Mẹo vẫn mong được di dời đến nơi khác, không còn ngăn sông cách chợ. Nhưng lại bần thần nghĩ về nơi đã gắn bó với mình cả mấy chục năm nay.Ảnh: TUỆ LÂM
Chị Mẹo vẫn mong được di dời đến nơi khác, không còn ngăn sông cách chợ. Nhưng lại bần thần nghĩ về nơi đã gắn bó với mình cả mấy chục năm nay. Ảnh: TUỆ LÂM

Về làm dâu ở ốc đảo này hơn 20 năm, bà Mẹo (47 tuổi) không hề than khó. Nhưng rồi lần lượt 3 đứa con sinh ra, lớn lên bà mới thấy chuyện con cái thiệt thòi. “Tội nhất là mấy đứa mới đi học mẫu giáo, sáng sớm phải dậy từ 4h30, đi thuyền qua bên kia đi học.

Mùa hè còn đỡ, chứ cái cảnh mùa đông vừa mưa, vừa rét, cha con đùm đề nhau lên chiếc thuyền mà vượt sông, ướt từ đầu tới chân. Thương chi lạ. Mà không đi học không được. Lên lớp 1, con không biết mặt chữ lại bị cô la” - bà Mẹo nói, bàn tay thoăn thoắt tách vỏ hàu để kịp đi bán.

Hồi đó, đã từng có chiếc thuyền chở học sinh vượt sông đi học, gặp gió to, thuyền lật úp. Cả mười mấy đứa học trò lóp ngóp bơi. Sách vở nổi trắng mặt sông.

“May mà chúng nó từ nhỏ đã biết bơi chứ không thì... Cũng từ đó, huyện, xã cấp cho thôn một cái phà. Nhưng được mấy năm, phà hư. Mọi chuyện trở lại như cũ, toàn sử dụng ghe cá nhân hoặc tập trung đông đông thì đi chung 1 chuyến” - ông Cung nhớ lại.

Bao quanh ốc đảo này là sông Trường Giang nhưng lại là cửa biển. Vậy nên, nước sạch vẫn xa xỉ cho đến hiện tại. Cả làng có 3 cái giếng, một cái nước ngọt thì dùng để uống; hai giếng kia bị nhiễm mặn nên chỉ dùng để tắm rửa, giặt đồ. Mỗi nhà tự sắm cho mình một chiếc xe kéo, bên trên chất mấy phuy nhựa rồi ra giếng, lấy nước về trữ dùng dần.

“Mà không phải ưa khi nào lấy là lấy. Phải theo tuần tự. Mùa mưa hứng thêm nước trời mới đủ dùng. Còn mùa hè thì khỏi nói, nước nhiễm mặn, giếng khô khốc. Nhiều khi nấu canh không thèm bỏ muối vẫn mặn quắn lưỡi” - ông Đỗ Văn Đôn (63 tuổi) tếu táo.

Ở đây, xây một ngôi nhà là cả vấn đề. Giá cả vật liệu xây dựng bị đội lên gấp đôi do phải vận chuyển từ bên kia sông. “Nước dùng còn không có, huống chi nước để trộn vữa, xây nhà? Chú vô ngó cái tường nhà ấy, nước mặn nên nổ lốm đốm, vôi vữa chi cũng bục hết. Rồi cũng phải chấp nhận, cái thế mình nó vậy, biết răng chừ?” - ông Cung hất đầu, chỉ tay về nơi mảng tường bị bong tróc.

“Nhưng bù lại, như kiểu trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ, ở đây thu nhập của người dân rất ổn định. Phụ nữ đi kiếm hàu, đàn ông đi thả tay lưới, cất cái rớ cũng được mấy trăm nghìn đồng rồi” - ông cười.

Buồn vui chia nửa

Theo báo cáo của UBND xã Tam Hải, toàn thôn có 103 hộ thì chỉ có 3 hộ là thuộc hộ nghèo. Những hộ này là những hộ người già, mất sức lao động. Tổng diện tích của Long Thạnh Tây khoảng 121ha nhưng đất ở của người dân chỉ có 2,53ha.

Một góc thôn Long Thạnh Tây yên bình.
Một góc thôn Long Thạnh Tây yên bình.

Cái doi đất được phủ bọc bởi hàng dừa xanh, ở giữa là những đìa sông người ta nuôi hàu trên những cọc gỗ. UBND tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt danh mục dự án nghiên cứu đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh, đợt 2 năm 2022, trong đó có một dự án được nghiên cứu đề xuất đầu tư là Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Long Thạnh Tây. Quy mô nghiên cứu là toàn bộ diện tích ốc đảo này.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về việc di dời hơn trăm hộ dân ở thôn Long Thạnh Tây, nhường chỗ cho dự án nghỉ dưỡng, ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói: “Vẫn còn quá sớm để nói về việc này. Dự án đã có đấy, nhưng rồi còn các thủ tục liên quan. Hoàn thành tất cả, có chủ trương của tỉnh thì huyện mới lên phương án. Còn để nói người dân ở đây có ủng hộ hay không, thì chắc chắn là người có, người không”.

Đi, hay ở? Đó là câu hỏi được đặt ra, mặc dù dự án vẫn còn nằm trên giấy. Khi biết chúng tôi là phóng viên, ông Tuấn xẵng giọng: “Tui không biết chi, đừng hỏi”, rồi quày quả đi ra phía hàng rào… nghe ngóng.

Thấy vậy, bà Nguyễn Thị Thu (59 tuổi, vợ ông) kéo tay tôi nói nhỏ: “Mấy bữa nghe phong thanh chuyện di dời, ổng giận. Với ổng, sinh ra rồi lớn lên trên ốc đảo này, không phải nói đi là đi được. Cả tui cũng thế.

Khó thì khó thiệt, nhưng không có một nơi nào yên bình như ở đây. Chẳng xe chẳng cộ, thức ăn thì đi chợ ăn cả tuần. Với tay ra toàn là đồ hải sản tươi rói. Đôi khi, tách biệt lại là chuyện hay. Cả nước đang lo Cô vít thì ở đây bình chân như vại. Nhưng chỉ tội mấy đứa nhỏ” - bà Thu thỏ thẻ.

Theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải thì hầu hết thanh niên, trai tráng trong làng đều chọn cho mình ngành nghề, nơi sống ở phía bên kia. Người còn ở lại, đa số là người già và trẻ nhỏ.

“Quá nửa đời người, nói để bắt đầu một cuộc sống mới thì khó quá. Nhưng chủ trương của nhà nước, mình chấp hành. Thứ nữa, cũng mong con cái của mình sau này có điều kiện tốt hơn, chứ như hiện tại, cũng khổ” - ông Huỳnh Văn Cung nói.

Điều ông Cung trăn trở nhất, chính là sẽ làm gì để sống nếu dời vào đất liền. Suốt đời gắn bó với sông nước, ông hiểu rõ từng luồng lạch trên sông Trường Giang. Nơi nào có cá gì, mùa nào có tôm…

“Giờ chỉ mong tái định cư chỗ nào có sông nước. Để đỡ nhớ nơi mình đã sinh ra, cũng là giữ được cái nghề nuôi thân” - đôi mắt của người đàn ông như gợn sóng sông Trường.

Đó cũng là điều ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ban ngành liên quan đến dự án này cần lưu ý. “Để di dời cả trăm hộ dân, không lớn cũng chẳng nhỏ, nhưng đối với Long Thạnh Tây lại mang tính đặc thù.

Ở đó, là nơi họ sinh sống từ bao đời nay, đã thấm đậm văn hóa, phong tục, tập quán, ngành nghề. Để thay đổi không phải là chuyện dễ. Nhưng vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho hôm nay và mai sau, cả cho gia đình mình và cho quê hương thì cần phải thay đổi, đó vừa là xu thế tất yếu và cũng vừa là động lực mạnh mẽ.

Chính quyền cần tham khảo tâm tư nguyện vọng của bà con và đặc điểm của cộng đồng nơi đây để có phương án di dời, tái định cư, tạo công ăn việc làm phù hợp nhất” - ông Thanh nói.

Để di dời dân ốc đảo Long Thạnh Tây, vẫn là câu chuyện rất dài. Nhưng, cần phải chuẩn bị từ trước - một cách đầy đủ nhất - để chuyến thiên di thực sự là một cuộc đổi đời. Người dân ở đây có quyền mơ về cuộc sống khác. Trường Giang, sóng vẫn trập trùng, những chuyến đò chở trên mình nặng trĩu tâm tư.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trăm năm cho cuộc thiên di
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO