Treo số phận lơ lửng dưới mái nhà

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG 22/10/2022 08:46

Tháng Mười. Vệt nắng hiếm hoi rơi rớt nơi làng biển. Nhìn từ trên cao, nhà cửa ở hai thôn Tây Sơn Đông và Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, Duy Xuyên) quay mặt bốn phương, tám hướng. Càng trông càng rối rắm tựa như bàn đồ chơi xếp hình của trẻ con,  chẳng theo hình thái, quy luật nào. 

Xã Duy Hải có hơn 100 ngôi nhà nằm trong diện “nguy cơ cao”, có thể đổ sập do mưa bão. Ảnh: C.T
Xã Duy Hải có hơn 100 ngôi nhà nằm trong diện “nguy cơ cao”, có thể đổ sập do mưa bão. Ảnh: C.T

Hiu hắt những ngọn đèn

Sau “ma trận” đường đi ngoằn ngoèo, chúng tôi đến được nhà bà Nguyễn Thị Mại (84 tuổi, thôn Tây Sơn Tây). Một ngôi nhà cũ kỹ, in hằn thêm kham khổ bằng dáng người ở tuổi xế chiều của bà Mại.

Chừng như đọc được ánh mắt ái ngại từ khách lạ, bà Huỳnh Thị Hai, con gái bà Mại mới mở lời. “Bộ đội mới giúp lợp tôn lại rồi đó, chứ bữa hôm bão số 4 (bão Noru - PV) đổ bộ vào thì dỡ tung hết. Tơi tả như cái nhà hoang luôn. Cả năm nay đâu dám để mẹ tôi về ở đó. Ai biết nó sẽ sụp hồi nào” - bà Hai nói.

Chúng tôi nhìn sang bên cạnh, một mái nhà không nóc, nằm chỏng chơ sát vách căn nhà bà Mại, lổn ngổn xà bần.

“Làm chi có nóc mà dỡ chú. Cái nhà ni, mấy năm trước chị em chúng tôi tính cất lại một chỗ kiên cố hơn để bà già ở mùa mưa gió cho yên tâm. Xây gần xong rồi thì chính quyền nói là nằm trong vùng quy hoạch không được xây dựng. Không cho xây nữa, rứa là thả đó luôn không có mái nhà, cửa nẻo chi hết. Mất một mớ tiền” - tiếng chép miệng ra điều tiếc rẻ của bà Hai vọng lại, khi bà trở lui xuống tìm mẹ.

Đi không được, ở không xong, bà Hai đã 5 lần viết đơn ra xã, xin địa phương sớm bố trí giải tỏa, tái định cư cho mẹ mình để có một chỗ ở đàng hoàng hơn, để thân già không phải tất tả di dời mỗi đợt mưa to, gió lớn. Rồi cũng nhận được trả lời đầy đủ, nhưng… huề vốn: phải chờ.

“Rồi giờ nhà mình tính sao?”. “Sao nữa, ráng trời tạnh thì cũng phải tìm cách sửa sơ lại để đưa bà già về. Bà yếu hung rồi, không chịu đi đâu nữa, chỉ ưng ở trong nhà của mình thôi”. Người già, ở nhờ ở đậu, đời nào chịu. Đọc được trong câu trả lời của bà Hai, là sự bất lực gần như… phổ quát của những phận số treo lơ lửng cùng dự án.

Bà Mại có sự lựa chọn nào khác đâu, cũng như những người già, người trẻ ở đây, chui rúc dưới những mái nhà lụp xụp chực chờ ập xuống nơi này, chờ đợi mỏi mòn như ánh đèn hắt hiu đêm này qua đêm khác. Một cuộc sống khác, chắc cũng mờ nhạt tựa ánh đèn le lói hắt ra dưới những mái nhà lụp xụp. 

Những căn nhà nằm trong vùng dự án đa phần đều đã cũ kỹ, xuống cấp, nằm chen chúc. Ảnh: C.T
Những căn nhà nằm trong vùng dự án đa phần đều đã cũ kỹ, xuống cấp, nằm chen chúc. Ảnh: C.T

Đưa người về ở trong ngôi nhà đã cũ rục, thoáng nghe ai cũng lắc đầu ngao ngán. Mới đầu tháng 9 vừa rồi, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thu (thôn Tây Sơn Đông) đã bất ngờ đổ sụp giữa ban ngày dù chỉ mới chịu trận nhẹ với cơn mưa đầu mùa. Phước lớn là không có ai trong nhà lúc đó.

Nhưng mùa mưa gió dầm dề mới chỉ bắt đầu. Còn hàng trăm căn nhà khác ở xã Duy Hải đang chạm ngưỡng già nua. Theo cách mọi người vẫn hay nói với nhau là nhà “hết đát”. Ai dám chắc sự cố trên sẽ không tái diễn? Mà đâu xa, bão số 5 vừa rồi đã lùa kha khá nhà theo cơn gió thốc.

Bên kia hàng rào, ông Vân - hàng xóm của bà Mại ngoắc mọi người qua nhà. Từ xa, chúng tôi đã thấy một đống gạch đá vương vãi.

“Cái chái sụp hôm bão vô còn nguyên đó, chừ cũng không biết làm sao. Mọi hôm ba cha con tôi hay ngủ phòng ni cho mát. Bữa bão thấy đài báo gió mạnh quá nên chuyển qua cái phòng có mái đúc bên cạnh ngủ tạm. Nửa đêm nghe cái rầm, hoảng hồn biết hắn sụp rồi. Cả vệt này, nhà nào trong luồng gió thốc thì đều sụp một phần hoặc bay nóc tứ tung hết” - ông Vân kể.

Lại một câu hỏi… tính sao nữa buột miệng rơi ra. Ông Vân chìa hai bàn tay ngửa lên trời, rằng bỏ thôi. Bỏ chứ tiền đâu mà sửa. Chật vật nuôi hai đứa con đi học, “gà trống một mình”, chỉ biết chờ đợi như mẫu số chung đã gắn chặt với biết bao hộ dân với tên gọi “vùng dự án”…

Ám ảnh mùa mưa

Ngập. Dân xứ cát này rồi cũng đã ngấm mùi ngập. Nước lõm bõm đổ vào những căn nhà, khi nhà họ vô tình rơi vào “vùng lõm” của quy hoạch. Những mương, rãnh tự nhiên dẫn nước ra biển, giờ đã bị chắn lấp, như lời nhiều người dân lý giải cho câu chuyện rất thời sự này.

Ám ảnh với cư dân miệt biển, là những cụm từ luôn được nhắc đi nhắc lại khắp các diễn đàn giữa chính quyền với dân, là “quy hoạch” và “giải tỏa”. Họ, đã từng khấp khởi mừng, thấp thỏm đợi chờ, và rồi chuyển sang căng thẳng vì quá nhiều hệ lụy. Một sự đợi chờ hoàn toàn không hạnh phúc. 

Ngôi nhà của một người dân ở thôn Tây Sơn Tây bị sụp một phần do ảnh hưởng của bão Noru. Ảnh: C.T
Ngôi nhà của một người dân ở thôn Tây Sơn Tây bị sụp một phần do ảnh hưởng của bão Noru. Ảnh: C.T

Trước bão số 4, chúng tôi hỏi ông Nguyễn Văn Tám (thôn Tây Sơn Đông) khi ông đang lúi húi chằng mái nhà, rằng ngày mai ông có đi không. Là hỏi về chuyện sơ tán tránh bão, nhưng hình như câu chuyện “đi hay ở” của giải tỏa, tái định cư đóng đinh trong đầu quá lâu, ông già mới đáp bâng quơ rằng còn chờ họ tính răng, tái định cư răng đã.

Giải thích rõ, là chuyện đi tránh bão, ông Tám cắc cớ: “Tưởng nói chuyện kia. Ngó cái nhà ri, như chú chú có dám ở không?”. Vẫn cái kiểu trả lời câu hỏi bằng một câu hỏi, mà nghe ra sao cứ lấn cấn những nỗi niềm…

Ông Chủ tịch UBND xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống nói như than rằng xã đã lội hết từng nhà, soạn hẳn một báo cáo về thực trạng nhà ở xuống cấp của người dân trong vùng đã công bố quy hoạch thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An vào tháng 9 vừa qua. Xã Duy Hải có 552ha trong tổng diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là 985,5ha, mà mới làm xong có 250ha, tức chưa được một nửa.

“Nằm trong vùng dự án, đồng thời là địa phương thuộc vùng Đông của tỉnh nên xã Duy Hải chịu sự điều chỉnh của Chỉ thị số 19/CT-UBND do UBND tỉnh ban hành. Hiện nay, địa bàn xã Duy Hải có khoảng 200 hộ gia đình (trong đó có 90 hộ thuộc diện gia đình chính sách, có công cách mạng) nằm trong phạm vi dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An thuộc các thôn Tây Sơn Đông và Tây Sơn Tây.

Nhiều nhà được xây dựng từ năm 2000 trở về trước, bị xuống cấp nghiêm trọng, rất thiếu an toàn khi có thiên tai, mưa bão. Chỉ có 17 nhà trong tổng số 192 hộ được khảo sát là còn sử dụng tốt. 123 hộ có nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, số còn lại đều mất an toàn khi mưa bão” - ông Thống nêu vài con số. 

Chính quyền cấp cơ sở không còn lạ gì, thậm chí phải chịu đựng cả những bực tức hằn học của không ít bà con khi những nguyện vọng của họ về sửa chữa nhà ở, về bố trí tái định cư chưa được cấp trên giải quyết.

Sốt ruột là tâm trạng chung. Có rất nhiều ý kiến tại các diễn đàn, hội nghị liên quan đến chuyện nhà cửa xuống cấp, song thiếu hướng dẫn, chưa được giải quyết di dời. Uy tín, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của hệ thống chính trị địa phương không tránh khỏi những ảnh hưởng. 

Mùa mưa bão sẽ còn tiếp diễn. Cơn bão nghiêng đêm rồi đã tan, nhưng cơn bão lòng vẫn âm ỉ nơi con dân xứ cát. Nhà là nơi trở về, là bến đỗ bình yên trước mọi bão dông. Nhưng người Duy Hải bồn chồn ngay cả khi hít thở dưới mái nhà mình.

Dẫu đã được an ủi rất nhiều bằng những lắng lo tận tình trước bão số 4, và những cơn bão tới nữa, nhưng câu chuyện an cư vẫn là cái cần, cái thiết thực nhất. Bởi chẳng ai muốn phải treo số phận của mình lơ lửng ngay dưới mái nhà mình. Những mái nhà đang chực chờ đổ sập…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Treo số phận lơ lửng dưới mái nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO