Vùng biên của… Thạnh Mỹ

TRUNG VIỆT 19/02/2023 07:50

Một bữa Văn Thủy ở đài huyện Nam Giang rủ: “Qua quán mỳ quận 3 đi anh”. Hơi chột dạ, không khéo ông này chơi chữ. Mà thật, quán lấy tên Mỳ Quận 3, chủ là dân quận 3 Đà Nẵng, chắc là lên đây đã lâu, thuở quận 3 chưa tách thành Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà. Chạy xe qua cầu Thạnh Mỹ theo đường Hồ Chí Minh về Đông Giang, quán ở ngay đầu cầu. Bên tay phải đầu cầu là con đường bê tông với tấm bảng ghi thôn Thạnh Mỹ 3.

Đường vào thôn Thạnh Mỹ 3. Ảnh: T.V
Đường vào thôn Thạnh Mỹ 3. Ảnh: T.V

“Quận 3 Thạnh Mỹ”

Thú thiệt, tôi hơi sững và bắt đầu ùa ra một mớ hình dung khi ký ức dội về. Mùa hè 2003, tôi mượn xe máy ở đài huyện Nam Giang chạy về hướng Đông Giang, tới chỗ cầu sông Bung để chụp ảnh gỗ bị đốn trộm thả theo sông này xuống, báo hại kiểm lâm vật vã đêm ngày.

Tới Cổng Trời, xe giở chứng lủng lốp. Giữa trưa hè chơ vơ đá núi, nắng tróc đường nhựa, không một bóng người, đèo dốc đầy những cua tay áo, tôi đánh vật dắt xe, bụng bảo dạ thôi hồi mô tới đã hay chứ biết làm sao.

Bỗng có xe ô tô chạy sau lưng, khi ngang mặt tôi, tài xế ló đầu ra gọi tên tôi. Mừng như ông già mình đã chết bỗng sống lại. Hóa ra xe của lực lượng thanh niên xung phong làm đường, tài xế và tôi có lần chén chú chén anh. Xe bán tải, quá đã. Ném cái xe hư lên, vù vù về thị trấn. Tôi trần tình là đi coi bắt gỗ trộm, anh bèn nói bắt sao hết, đây là làng lâm tặc…

Anh Thanh - cán bộ Công an huyện Nam Giang nói rằng, với anh thì thôn Thạnh Mỹ 3 là chốn biên ải của thị trấn Thạnh Mỹ này. Cái nhìn đó được xác lập bởi hạn định địa lý như vẻ chơ vơ tách biệt của nó. Hỏi thêm vài người quen, thì họ nói không rành vì ít qua đó.

Tôi gật, thêm ý rằng nó như một cánh tay rừng khác, lẻ loi, cô bóng trong cái sum sê của rừng già trung tâm huyện. Bao bận lên Thạnh Mỹ, có bao giờ tôi bén mảng qua đây, và nếu không có bữa ăn sáng do Thủy kéo đi, chắc tôi… mù luôn.

Thế nhưng anh Ka Pu Tân - Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ bật cười: “Nó ngon… nhì thị trấn đó, chỉ thua Thạnh Mỹ 2 thôi”. “Vì sao?”. “Bên đó bà con biết làm ăn, nuôi trồng, làm dịch vụ, tích lũy. Gần 100 hộ chỉ có 2 hộ người Cơ Tu còn lại là Kinh hết. Bà con Cơ Tu ở đó cũng khá chứ không đói nghèo”. Tôi suýt ồ lên, bởi nghĩ ở đó toàn người dân tộc  thiểu số.

Chị Hồ Thị Hoa trong vườn nhà. Ảnh: T.V
Chị Hồ Thị Hoa trong vườn nhà. Ảnh: T.V

“Thì đúng” - chị Hồ Thị Hoa - Bí thư Chi bộ thôn Thạnh Mỹ 3 nói - “thôn Thạnh Mỹ 3 này trước đây là Lâm trường Sông Bung, hầu hết bà con sống bằng nghề rừng. Khi lâm trường giải thể, một số về quê cũ, 43 hộ trụ lại, thì cũng bám rừng, trồng trọt ven sông mà sống.

Năm 2000, sạt lở núi làm dân thôn Đá Trắng (Đại Sơn) chạy lên, nhập chung vô, đưa số hộ lên 90. Tất cả quần tụ dọc hai bên đường trên khoảng 1km, chỉ có khoảng 10 hộ bám trên đường Hồ Chí Minh giáp thôn Pà Dấu 2”.

Lại chuyện trồng cây gì?

Suốt buổi nói chuyện, nuối tiếc đan xen với dự định ở người phụ nữ gần 50 tuổi ở rừng. Từ cầu Thạnh Mỹ ngó về đông, một nét vẽ trắng của cát, xanh của cây lẫn nhấp nhô mái ngói, là nét tả thực thanh bình của làng mạc thượng nguồn. Tôi lội vào vườn chị Hoa, ở đó xà cừ, lòn bon, bưởi, huỳnh đàn xen nhau. Mảnh vườn rộng sát sông như bao vườn khác, đất ẩm dịu dàng dưới lá mục đậm dấu đất bồi theo con nước.

“Hồi đó, mẹ em làm lúa vườn này, đậu, bắp tốt lút đầu, nhưng chừ đâu có làm được. Bà con trồng đậu ven sông, tới mùa mưa là dừng, bởi thủy điện xả nước là trôi hết. Đất hết phù sa rồi anh, lụt đưa về toàn cát và sỏi”. Giọng chị ngẩn ngơ tiếc. Chỉ vào cây xoài thân hình xù xì, cổ quái u sần như người tiền sử, chị nói rằng “mẹ em không cho đốn, không cho bán, bởi hồi đó bộ đội nấp ở đây”...

Một góc thôn Thạnh Mỹ 3 trên đường Hồ Chí Minh, ngay cầu Thạnh Mỹ. Ảnh: T.V
Một góc thôn Thạnh Mỹ 3 trên đường Hồ Chí Minh, ngay cầu Thạnh Mỹ. Ảnh: T.V

Làm vườn, thợ hồ, đi làm xa một số ít, còn 80% dân ở đây làm nông, chỉ 5 hộ công chức. Quỹ đất không có, sau lưng là đồi chỉ trồng được keo, để sống ổn thì phải xoay xở. “Bà con năng động làm đủ thứ nghề. Hồi 2003 khi cầu Thạnh Mỹ làm xong, tụi em mừng muốn chết, thoát cảnh đi đò, từ đó bắt đầu giao thương thuận lợi” - chị Hoa kể.

“Đất xấu, sản xuất sao hiệu quả được?” - tôi hỏi. “Khoảng 50% trồng rừng, keo là chính, không trồng cây khác được. Đất ven sông càng bị thu hẹp, rau đậu càng ít” - lại chút nuối tiếc tràn lên mắt chị. Chỗ tôi đứng, theo tay chị chỉ, hồi đó bờ sông ở ngoài xa, bây giờ nếu nước lớn là nó tràn gần vô sân.

Sạt lở là nỗi lo nơi đây. Lo trôi nhà, lo bão gió. Dân sống nhờ làm keo, cứ nhẩm thử sẽ thấy số tiền: trồng 5 năm, đầu tư 1ha hết 20 triệu đồng, thu hoạch sẽ được chừng 50 - 60 triệu. Nhưng keo là thứ giết đất kinh hoàng, nên bây giờ chủ trương chuyển qua trồng rừng gỗ lớn.

“Đâu có dễ anh” - chị Hoa nói - “trồng thì được, nhưng ai bảo hiểm cho rủi ro? Giống tốt ở đâu? Dân sợ nếu chưa tới thời điểm khai thác mà thiệt hại thiên tai thì ai chịu? Ở đây, cây phát triển nhanh nhất là cây keo lai Úc, các loại cây tự nhiên, chứ trồng cây từ dăm, hom, mau chết lắm, từ năm thứ 6 trở đi là nó chết hàng loạt. Vườn em trồng huỳnh đàn đến năm thứ 7 là rỗng ruột, chết khô. Rồi bà con sợ bão lắm. Cứ đến mùa bão là bán non để chạy. Nhà em làm 3 mùa keo với diện tích 20ha, sống ổn”.

Bài toán dân sinh

Bài toán dân sinh ở miền núi bao giờ cũng gay gắt. Để dựng căn nhà vững vàng, sống ổn với thu nhập, là đánh đố với số mệnh, căng não tính toán. Thực tế cho thấy, người miền núi, nói như anh  Hồ Viết Căn - Trưởng phòng NN&PTNT Nam Giang, là nếu biết tính toán làm ăn thì đâu có nghèo.

Tôi xác thực nhận định này ở Thạnh Mỹ 3, chỉ có 11 hộ nghèo và cận nghèo, tất cả rơi vào trường hợp neo đơn, tàn tật. Nhưng tính toán để làm ăn được là cuộc cách mạng tư duy. Nói dễ rất dễ, bởi tiềm năng có sẵn, đất, giống, kỹ thuật; nhưng khó thì cũng vô cùng, khi không muốn làm, làm cho có, lấy lười biếng, ỷ lại làm chủ đạo thì thua.

Công nhân người địa phương tại cơ sở làm nước đóng chai Suối Lớn.
Công nhân người địa phương tại cơ sở làm nước đóng chai Suối Lớn.

Chủ cơ sở nước đóng chai Suối Lớn ở ngay đầu thôn Thạnh Mỹ 3 là anh Nguyễn Hoàng Tây. “Không dễ đâu anh, cả thị trấn có tới 5 cơ sở bán nước đóng chai, mình làm lơ mơ là lãnh đủ liền, giá cả không hợp lý khách hàng cũng lơ” - anh Tây nói như phân trần. Mỗi ngày anh bán ra chừng 200 thùng 20 lít, với 3 lao động địa phương tham gia. Nơi đây có 5 hộ cho thuê, chạy xe dịch vụ.

Khi về, tôi ngó lại lần nữa, làng ẩn dưới cây rừng, như giấu điều bí mật, như thể tách ra, chẳng ăn nhập gì với ồn ào ở trung tâm huyện, có khi lại hay. Lặng lẽ sống và cựa quậy không ngừng để vươn lên.

Thôn này dễ bị người ta lơ đi bởi nó nằm cách biệt, nói theo kiểu dân gian là trái ngõ đường. Chiều dài 1km, chiều ngang tôi ước lượng chừng 200m kể từ vách núi ra tới sông. Ba thế hệ đã sống ở đó và sẽ còn tiếp nữa. Điều chắc chắn là giấc mơ phù sa nuôi nấng hạt lúa củ khoai thuở xưa không bao giờ quay lại, thì còn cách dựa vào rừng.

Lời chị Hoa nói về bảo hiểm trồng trọt, chính là bảo hiểm nông nghiệp, một chủ trương có từ lâu nhưng èo uột triển khai. Làm ăn, đặt cược niềm tin, của cải vào đó, thì đâu có liều lĩnh được. Chủ trương thay thế cây trồng phải được dân đón nhận không chút hồ nghi thì mới thành công, chứ trồng 10 năm, 20 năm mới thu hoạch, thì họ sống bằng gì trong quãng thời gian chờ đợi đó?

Những bất ngờ từ rừng chưa từng dừng lại. Ở đây trưởng thôn lẫn bí thư chi bộ đều là nữ. Chuyện hơi lạ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vùng biên của… Thạnh Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO