Vượt cạn cùng... F0

XUÂN HIỀN 27/02/2022 06:35

Những ca sinh nở diễn ra trong môi trường đặc biệt- Không phòng cách âm, điều kiện tối thiểu của một phòng phẫu thuật cũng ở mức... “dã chiến”. Nhưng họ đã vượt qua hết thảy khó khăn, chỉ duy nhất mong muốn, đứa trẻ ra đời với tiếng khóc đầu tiên thật to...

Niềm vui của êkip khi một cuộc sinh thành công. Ảnh: BVCC
Niềm vui của êkip khi một cuộc sinh thành công. Ảnh: BVCC

Những câu chuyện rời rạc từ nơi duy nhất đến thời điểm này tiếp nhận, điều trị và thực hiện các ca sinh nở cho sản phụ mắc Covid-19 của Quảng Nam. Những y bác sĩ đều ở tuổi đời rất trẻ. Nhưng điều họ trải nghiệm và đang làm lại khiến người đối diện phải ngạc nhiên.

Ngạc nhiên, vì năng lượng làm việc của họ, trong những điều kiện khó khăn nhất. Và hơn hết, là lòng bao dung, sự thiện lương của những người cho đến hôm nay, dù nghiệt ngã, vẫn chọn màu áo trắng để đi cùng đời mình.

Đã 5 tháng, nhiều kíp trực thay nhau, có người ra ca thì nhiễm Covid-19, nhưng cuộc chiến này đâu thể vắng những “chiến binh”. Sự sống vẫn đang sinh sôi hằng ngày ở Phòng khám Đa khoa khu vực Điện Nam - Điện Ngọc... 

1. Rạng sáng 29 tết. Tin nhắn từ bác sĩ Nguyễn Tải - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, người quản lý trực tiếp Khu điều trị Covid-19 tại Phòng khám Đa khoa Điện Nam - Điện Nam gửi đến người viết: “Bệnh viện vừa cấp cứu thành công hai mẹ con sản phụ mắc Covid-19 nhập viện khẩn cấp, khi đến nơi tim thai đập chậm...”.

Liên tục những cuộc trao đổi giữa êkip và người viết để bạn đọc có bản tin y tế đầy hy vọng vào ngày cuối năm, rằng thêm một cuộc đời nữa kịp nở hoa đón chào năm mới, bình an và hạnh phúc. 

Nhắc lại về trường hợp cấp cứu này, bác sĩ Võ Thôi - Trưởng khoa Sản bệnh viện cho biết, bệnh nhân được chuyển vào phòng sinh khi test dương tính với Covid-19 tại bệnh viện tuyến huyện, lúc này êkip trực nhận định tim thai đập chậm 115 lần/phút.

 

“Các em trực tại đây cho bệnh nhân sinh ngay. Sau khoảng 5 phút, em bé được sinh ra nặng 2,8kg nhưng bị ngạt. May mắn êkíp đã chuẩn bị kịp thời, thông qua hỗ trợ điều trị trực tuyến, tôi cùng một số bác sĩ chỉ định tập trung toàn lực lượng tại khu điều trị để tiến hành hồi sức tích cực cho bé. Khoảng 10 phút sau, em bé khóc được và tình trạng tốt dần lên” - bác sĩ Võ Thôi kể. 

Và em bé ra đời vào sáng 29 tết chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đặc biệt mà các y bác sĩ tại đây cấp cứu thành công. Vỡ òa niềm vui là cảm giác của cả êkíp khi một em bé được “bắt” ra từ bụng mẹ.

“Nghe tụi nó khóc to, thì mừng rơn” - Dương Phú Minh nói. Anh là một trong những bác sĩ của bệnh viện trực chiến tại khu điều trị Covid-19 từ những ngày đầu khu này bắt đầu tiếp nhận sản phụ F0. 

Trước đó nữa, ngày 19.10.2021, sản phụ người Thăng Bình, mang thai 38 tuần tuổi, mắc Covid-19 nhập viện và có dấu hiệu dọa sinh.

Theo dõi diễn biến cuộc chuyển dạ, nhận định cuộc sinh sẽ khó khăn, y bác sĩ của bệnh viện hội chẩn và quyết định sẽ phải tiến hành mổ lấy thai cho bệnh nhân. Đây cũng là trường hợp mổ cho sản phụ F0 đầu tiên tại Quảng Nam.

Dương Phú Minh và 2 bé song thai do Minh làm bác sĩ mổ chính. Ảnh: NVCC
Dương Phú Minh và 2 bé song thai do Minh làm bác sĩ mổ chính. Ảnh: NVCC

Dương Phú Minh được chỉ định là bác sĩ mổ chính. Không kịp chuẩn bị nhiều, Minh cùng êkíp khăn gói lên đường.

“Thời điểm đó, vợ mình cũng sắp sinh. Lo lắng là điều không tránh khỏi. Nhưng cũng không hiểu vì đâu, chưa từng có kinh nghiệm mổ đẻ cho sản phụ là F0, nhưng cả mình lẫn nữ hộ sinh đều không hề hoang mang” - Minh nói.

Trần Thị Hồng Son - nữ hộ sinh đồng hành với Dương Phú Minh ở ca mổ đầu tiên này, vẫn nhớ như in cảm giác khi bồng trên tay là em bé vừa ra đời ở ngay giữa khu điều trị Covid-19.

“Sau gần 1 giờ đồng hồ, bé trai hơn 3kg ra đời trong niềm vỡ òa của tất cả chúng tôi. Mẹ tròn, con vuông...” - Son xúc động khi nhắc lại. 

Đầu tháng 2 này, Dương Phú Minh lại ghi dấu ấn với 1 ca tương đối phức tạp vì sản phụ mang song thai, trong đó một ngôi thuận, một ngôi ngược.

Không gian phòng mổ dã chiến tại Khu điều trị Covid-19 tại Phòng khám đa khoa Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh; BVCC
Không gian phòng mổ dã chiến tại Khu điều trị Covid-19 tại Phòng khám đa khoa Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh; BVCC

Tại Khu điều trị Covid-19, thông qua cuộc hội chẩn từ xa với các đàn anh giàu kinh nghiệm của khoa, Minh thực hiện xét nghiệm tiền phẫu để mổ lấy thai cấp cứu. Lần lượt, 2 bé trai nặng 2,5kg và 2,7kg chào đời lúc 0 giờ ngày 12.2, trong đó một bé đẻ bọc điều, nằm nguyên trong bọc ối.

2. Dương Phú Minh đến giờ phút này là người bám trụ lâu nhất tại Khu điều trị Covid-19. Những tháng trước tết, còn có phân chia kíp trực, Minh cùng đồng đội cứ 7 ngày ở khu điều trị thì về cách ly.

Nhưng từ sau tết, số F0 tăng cao, thai phụ mắc Covid-19 cũng tăng gấp nhiều lần. Trong khi đó, nhân lực sản khoa tại bệnh viện là vấn đề nan giải. Vậy là bệnh viện phải xoay để tìm cách có đủ lực lượng.

Nữ hộ sinh được cử ở lại trực 100% tại khu điều trị. Bác sĩ sản khoa cơ động, khi có ca khó thì khăn gói đến trực tiếp tại khu điều trị. Tất cả y lệnh đều thông qua nữ hộ sinh thực hiện. 

Dương Phú Minh nói, áp lực nhiều nhất trong việc chăm sóc cho sản phụ không phải ở bác sĩ mà là chính các nữ hộ sinh. “Các chị gần như làm đủ mọi việc không tên để đảm bảo cho cuộc sinh nở an toàn. Sau đó là việc chăm sóc thai nhi cũng gần như trông đợi hoàn toàn vào họ” - Minh chia sẻ.

 

Và những lời tôn trọng, động viên dành cho đồng nghiệp, được một bác sĩ sản khoa sinh năm 1990 chia sẻ với tất cả thái độ thương yêu. Vì họ, là những đồng đội cùng đứng trên chiến tuyến của cuộc sinh tồn. Không chỉ là một sinh mạng, mà là những bệnh nhân F0 đặc biệt - bệnh nhân hai trong một.

Trần Thị Hồng Son - cô nữ hộ sinh vừa mới lấy chồng năm ngoái. Cô nói tháng 3 này là kỷ niệm 1 năm ngày cưới. Qua một năm nhưng số ngày gần nhau chỉ chừng vài tháng. Lần này, sau tua trực ở khu điều trị, Son mắc Covid-19.

Cuộc hẹn của chúng tôi vì thế trở thành những cuộc điện thoại hằng giờ. Son người Quảng Trị, cô kể mình bây giờ quen với công việc vừa là nữ hộ sinh vừa thành người nhà của sản phụ F0.

“Ở khu điều trị, tụi em phải mặc bảo hộ cả ngày. Bé vừa chào đời, tụi em phải làm sao để em bé được bú mẹ, da kề da với mẹ nhưng giữ làm sao để bé an toàn với Covid-19. Mỗi đứa trẻ chào đời bình an là hạnh phúc lớn nhất với tụi em” - Trần Thị Hồng Son nói.

 

“Những người mẹ thứ 2” - như lời của chị N.Nhân (Bình Tú, Thăng Bình) dành cho các cô điều dưỡng tại đây. Nhân được phát hiện mắc Covid-19 tại Bệnh viện Minh Thiện ngay trước ngày dự sinh. Chị được các điều dưỡng chăm sóc và động viên để đẻ thường tại khu điều trị.

“Nữ hộ sinh Son đã giúp đỡ mình từ những việc nhỏ nhất. Lúc bé ra đời, nhìn thấy gương mặt con, được tin con âm tính, mình vui không thể tả” - chị Nhân nói. Sau khi sinh được vài ngày, Nhân có kết quả âm tính và hai mẹ con xuất viện an toàn. 

Tôi khá bất ngờ khi gặp lại một nhân vật cũ của mình ngay lúc em đang tất bật đưa ra y lệnh chăm sóc em bé sau ra đời từ một sản phụ F0. Hà Phước Hậu - chàng bác sĩ trẻ măng vừa đầu quân vào khoa Sản của Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam chưa tròn 1 năm.

Hơn 6 năm trước, Hà Phước Hậu là chân dung trong vườn ươm “Tài năng đất Quảng” của Báo Quảng Nam. Bây giờ, chàng bác sĩ trẻ này là một trong những thành viên “cứng” của Khu điều trị Covid-19. Cùng với Dương Phú Minh, Tấn Minh, Hà Phước Hậu - ba chàng bác sĩ trẻ thay phiên nhau để giúp những cuộc sinh thành công. 

Bằng sự nỗ lực hơn 100% sức lực, những niềm vui và khoảnh khắc nhiệm màu đã được tạo ra giữa mùa dịch. Bác sĩ Nguyễn Tải nói, cho đến bây giờ, số sản phụ F0 nhập viện điều trị và được ekíp đỡ đẻ thành công đã vượt con số 40. Còn đó rất nhiều khó khăn khi nhân lực mỏng, điều mong muốn nhất của y bác sĩ lúc này chính là sự chia sẻ của đồng nghiệp, sự thông hiểu của bệnh nhân.

“Mong sẽ có thêm khu điều trị Covid-19 dành cho sản phụ, vì nhiều chị ở xa, khi đến được với chúng tôi thì đã đẻ ngay trên xe hoặc gặp tai biến mà không cấp cứu kịp” - Dương Phú Minh nói. 

Rốt cùng, bao giờ những người ở tuyến đầu cũng đều chỉ nghĩ đến bệnh nhân đầu tiên...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vượt cạn cùng... F0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO