Xa rồi "thị trấn giang hồ"

THÀNH CÔNG 03/04/2022 07:42

“Đá Nghệ An, vàng Khâm Đức”, ông già chạy xe ôm ở ngã ba đường gần chợ thị trấn kể lại thời sôi động đã lùi xa. Đâu đó chừng hai mươi năm, thị trấn nhỏ phía tây xứ Quảng đã từng một thuở lao xao với những nhộn nhịp hơi hướng thị thành, theo “cơn lốc vàng” của bao di dân…

Quy hoạch mới mở ra một tương lai khác, một kỳ vọng khác cho Khâm Đức, với mục tiêu sớm nâng cấp trở thành đô thị loại IV.
Quy hoạch mới mở ra một tương lai khác, một kỳ vọng khác cho Khâm Đức, với mục tiêu sớm nâng cấp trở thành đô thị loại IV.

Từ “giấc mơ vàng”...

Xẻ ngang thị trấn là con đường Hồ Chí Minh, những khúc quanh rất ngọt mở ra một khoảng phố xá với những khách sạn, hàng quán khá bề thế án ngữ ngay mặt tiền. Có quá nhiều đổi thay trong lòng những sơn dân Khâm Đức, nhất là khi đường sá, nhà cửa khang trang hơn, thị trấn cũng bắt đầu nới rộng ra theo đà phát triển.

Câu chuyện “vàng son”, có điểm chung là được kéo về quãng thời gian hai mươi năm trước, như những lát cắt vụn trong trí nhớ của ông già chạy xe ôm. Như một “thị trấn giang hồ”, Khâm Đức từng là điểm hẹn của hàng ngàn, hàng vạn di dân tìm kiếm giấc mơ đổi đời nơi những bãi vàng khuất sâu trong núi.

Người đông, quán xá cũng vì thế mà nhộn nhịp, thậm chí còn hơn hẳn nhiều phố xá dưới xuôi. Những ồn ã của hàng quán, lâu lâu lại có vài cuộc “đụng độ” của vài ba nhóm người thập phương thêu dệt thêm quá khứ nhuốm màu kiêu bạc của một thị trấn cao bồi nơi góc núi.

Có người khẳng định, làm ăn ở Khâm Đức khi đó còn thuận hơn cả Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An, còn có thêm hằng hà sa số dịch vụ ăn theo như nhà nghỉ, nhà hàng, các dịch vụ giải trí, thứ tưởng chừng xa xỉ với một thị trấn nhỏ heo hút miền rừng.

Thế rồi giấc mơ vàng tan nhanh. Nhà máy đóng cửa. Những bãi vàng “thổ phỉ” cũng dần biến mất sau những đợt truy quét ráo riết của chính quyền. Không còn “giấc mơ vàng”, cuộc đi tìm kiếm cơ hội đổi đời của bao di dân vắng dần nơi thị trấn.

Không hẳn đã hiu hắt như những thị trấn nhỏ khác ở miền rừng, nhưng chắc chắn những ồn ào nhộn nhịp không thể nào trở lại như trước. Khâm Đức có đẹp hơn, khang trang hơn nhờ những đầu tư về hạ tầng, song người đến, người ở lại đã ít hơn nhiều so với những người rời đi. Rời đi và rất lâu rồi chưa trở lại.

Đêm ở thị trấn. Sương xuống nhanh dưới ánh đèn đường nhợt nhạt. Hàng quán vẫn mở cửa, nhưng khó có thể tìm thấy không khí ồn ã đậm đặc của ngày nào còn là “miền đất hứa” với phu vàng. Thị trấn trầm yên với tiếng nhạc bolero rền rĩ từ phía quán cà phê, vài ánh nhìn chờ đợi. Và hết.

Du khách ở lại phố núi như một lựa chọn dừng chân hơn là tìm kiếm điều gì đó để khám phá, bởi ngoài những nhà hàng khách sạn có vẻ ngoài bóng bẩy, còn quá ít lựa chọn cho một đêm dừng lại tại Khâm Đức. Tầm 10 giờ đêm, đã thấy bắt đầu vắng bóng người qua lại.

...đến ước vọng

Người ta bắt đầu nói nhiều hơn về kỳ vọng, khi đồ án quy hoạch vùng huyện Phước Sơn tính đến 2030 phác thảo một tầm nhìn khác, một cơ hội khác cho thị trấn Khâm Đức. Nếu như những vướng mắc về công trình, đặc biệt là di tích lịch sử sân bay Khâm Đức khiến cho việc mở rộng diện tích bị giẫm chân tại chỗ, thì nay, với công cuộc nới rộng quy mô đô thị đã khởi động với nhiều tín hiệu tích cực hơn.

“Một nghị quyết phấn đấu đưa Khâm Đức thành đô thị loại IV đã được địa phương xây dựng, với mốc thời điểm đặt ra là năm 2030. Đó là mốc thời gian được xây dựng dựa trên cơ sở điều kiện thực tiễn, dựa trên những mong mỏi của người dân.

HĐND huyện đã thông qua nghị quyết theo hướng xây dựng một đô thị trung tâm, kết nối liên vùng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở miền núi” - ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay.

Danh xưng “thị trấn giang hồ” có lẽ sẽ còn cợn lên trong ký ức những sơn dân Khâm Đức, nhưng họ có quyền chờ đợi một tương lai khác, nơi những cơ hội khác đến với chính mình.

Những thắng cảnh, di tích lịch sử và giá trị văn hóa truyền thống bản địa, cộng hưởng cùng địa thế vô cùng thuận lợi khi nằm ở cửa ngõ mở lên phía Tây Nguyên, về Đà Nẵng hoặc sang phía đông của tỉnh sẽ là tiềm năng lớn cho du lịch, dịch vụ.

Vài năm gần đây, giao thương thuận lợi hơn nhờ hạ tầng giao thông ngày càng mở rộng, đồng bộ. Những con đường như mở lối để bà con gần hơn với phố, với nhịp phát triển sôi động của quê hương.

Cũng đã có nhiều doanh nghiệp đón đầu bằng việc đầu tư cơ sở lưu trú, dịch vụ sang trọng, bài bản hơn so với trước. Cái cần, là bước đi thật chắc theo những tính toán dài hạn, và sự đồng lòng của người dân, dựng và tạo cơ hội cho chính mình.

Song song với việc mở rộng đô thị về phía sân bay Khâm Đức với phần diện tích đã được bàn giao, Phước Sơn dự tính sẽ hình thành một trung tâm dừng chân với đa dạng loại hình dịch vụ, ẩm thực giải trí tại hồ Mùa Thu.

Chắc chắn, sẽ có nhiều hơn những lựa chọn cho du khách nếu có dịp dừng chân tại thị trấn Khâm Đức, thay vì chức năng một “quán trọ bên đường” cho những chuyến đi xa.

Cùng với lợi thế địa hình, không gian riêng của miền núi, những bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào bản địa cũng sẽ là lợi thế để có thêm sản phẩm phục vụ du lịch độc đáo, tạo được những thú vị riêng cho trải nghiệm của du khách.

Thị trấn rồi sẽ sớm trở lại trên bản đồ du lịch, với một tâm thế khác, một hình ảnh khác, thay cho một “thị trấn giang hồ” đã lặng yên lùi vào quá vãng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xa rồi "thị trấn giang hồ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO