Phong thổ xứ Quảng cuối thế kỷ 17 qua "Hải ngoại kỷ sự"

HY GIANG 12/06/2022 05:19

“Hải ngoại kỷ sự” của Hòa thượng Thích Đại Sán cho thấy ông đã đi qua, lưu trú ở đất Quảng hết 4 tháng 14 ngày trong chuyến đi Nam Hà gần 2 năm (1695 - 1696). Phong thổ xứ Quảng trong mắt “nhà du hành” hiện ra hết sức sinh động.

Di ảnh Hòa thượng Thích Đại Sán. Ảnh: Internet
Di ảnh Hòa thượng Thích Đại Sán. Ảnh: Internet

Sự khác biệt khí hậu và quy luật gió mùa

Thuyền xuôi phương Nam từ Quảng Đông vào dịp đầu xuân, mưa và khí trời lạnh lẽo của phương Bắc vẫn theo thương thuyền, nhưng khí trời ấm áp của phương Nam đã được Hòa thượng Thích Đại Sán nhận thấy ngay.

Và ông làm thơ nói về nghịch lý trong việc ăn vận của dân bản xứ do sự khác biệt khí hậu mà có: “Đầu xuân đã mặc áo mùa hè”, và giải thích: “Sự đau yếu chết chóc, phần nhiều cũng do bắc nam bất phục thủy thổ mà ra”.

Thích Đại Sán tức Thạch Liêm Hòa thượng là một trong những vị thiền sư nổi tiếng của Trung Hoa vào cuối thế kỷ 17. Năm 1695, theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu, từ Quảng Đông - Trung Hoa, Thiền sư Thích Đại Sán đã đến vùng Thuận Quảng và lưu lại ở đây từ mùa xuân năm Ất Hợi - 1695 đến mùa hạ năm Bính Tý - 1696.

Vào mùa hạ khí trời nắng gắt, nóng nực khiến dân xứ này đổ bệnh cảm nắng, phát ban và dưa hấu với tác dụng giải nhiệt là phương thuốc chữa bệnh duy nhất của họ. Vào mùa đông, các hiện tượng gió mùa đông bắc, mưa dầm mù mịt, dân chúng chịu những nỗi khổ lụt lội, chợ búa đắt đỏ.

Quy luật gió mùa vẫn thử thách khắc nghiệt nghề biển đương thời. Thuyền muốn vào đất liền, ở cửa biển Hội An hay Thuận Hóa chỉ biết phó mặc may rủi: “Nay xem gió xuôi hướng nào, xuôi Hội An thì vào Hội An, xuôi Thuận Hóa thì vào Thuận Hóa, không cần phải lựa chọn gì hết” và nhiều lần đọc thần chú, cắm cờ “Long vương miễn triều”, “Thuận phong tương tống” xin con nước yên và chiều gió thuận.

Không thuận mùa gió, vượt biển không thành, hải trình phải hủy. Những người đi thuyền sành sỏi và ngay Hòa thượng Thích Đại Sán đã trải nghiệm điều đó: “Long thiên ngoài biển, muốn hợp theo ý Quốc vương, chẳng dùng móc, chẳng dùng neo, chỉ dùng mấy trận bắc phong thổi ta trở lại”. Họ phải “áp đông” - chỉ sự lưu lại qua mùa đông của các tàu buôn, một hiện tượng đặc biệt của thời đại thuyền buồm và gió mùa mậu dịch.

Cảnh quan tự nhiên và danh thắng

Dưới ngòi bút của Hòa thượng Thích Đại Sán, cảnh sắc phía nam đèo Hải Vân ngày ấy có những nét đẹp nguyên sơ. Trên lối đi, ở ven đường là những cánh đồng lúa, lũy tre làng, những bãi cát trắng…

Trong vẻ hoang tịch của núi rừng, ghi chép về loài khỉ vượn sống đông thành từng bầy, nhảy nhót chuyền cành - vượn trắng là những nét điểm xuyết chân thực nhất. Chúng sống ở bán đảo Sơn Trà lúc qua vịnh Hàn và cả vùng rừng núi Hải Vân khi ông ngồi võng qua đèo. Còn ở núi Tam Thai, ông thấy “phía trên có mấy khe hở, cành lá giao bóng trập trùng, khỉ vượn leo bò ở trên, cúi xuống dòm người, nạt đuổi cũng không chạy”.

Trên nền cảnh ấy, các danh thắng là sự đan quyện giữa bàn tay con người và tạo hóa. Cảnh trí bên ni đèo Ải là vịnh Hàn với ghe thuyền xúm xít. Ngồi thuyền ngang qua Ngũ Hành Sơn, Thích Đại Sán đã ghé thăm núi Tam Thai. Trên núi có ngôi chùa cổ - chùa Tam Thai mà như ngủ quên trong vẻ kỳ ảo của cảnh non bồng nơi đây. Lúc đó, biển ăn sâu vào đất liền, quanh chân núi có cát trắng mịn nóng bỏng chân người. Vần thơ của Hòa thượng đã tả rất thực:

Sóng biển xói mòn chân núi cao,
Cỏ cây đua sắc núi lở mềm,
Chống gậy du sơn đà đứng ngọ,
Cát nóng nắng trời thiêu bước chân!”.

Rời Tam Thai, theo sông Cổ Cò xuôi về phía nam, trước mắt Hòa thượng, Hội An hiện ra là nơi đô hội của khách buôn và hàng hóa các nước Á - Âu. Riêng người Hoa, lúc này đã cư trú thành khu phố ven sông dài chừng ba bốn dặm với lối đi hẹp, nhà ở thì liền sát nhau. Cuối con đường là Nhật Bản kiều, nơi dừng nghỉ của khách thập phương còn bên kia sông là vũng Trà Nhiêu, nơi đình bạc của các tàu ngoại quốc.

Giao thông thủy bộ

Hòa thượng Thích Đại Sán đi bằng nhiều phương tiện, cả giao thông thủy bộ nên thông qua “Hải ngoại kỷ sự” ta biết khá tường tận có các cung đường kết nối các thắng tích của xứ Quảng xưa: từ cửa Thuận An, núi Hải Vân - đèo Ải, cửa Hàn, vịnh Hàn, bán đảo Sơn Trà, đến núi Non Nước, chùa Tam Thai, sông Cổ Cò, cảng thị Hội An và Cù Lao Chàm.

Về đường biển, Cù Lao Chàm có vị trí đặc biệt quan trọng trên hải trình quốc tế. Đó không chỉ là nơi cung cấp củi, nước ngọt, lương thực, nơi trú tránh gió bão, mà còn là điểm neo dừng khi đến và ra khơi trở lại.

Thuyền của Hòa thượng nhiều lần ghé Cù Lao Chàm và ở lại đảo: từ Quảng Đông sang đã phải ghé Cù Lao Chàm trước khi đi vào cửa Thuận An và từ Thuận An trở lại Hội An, đi thuyền ra Cù Lao Chàm để đợi gió về lại Quảng Đông.

Con đường bộ chính từ Quảng Nam ra Thuận Hóa là đường cái quan nhưng còn hết sức vắng vẻ, với những khu rừng rậm hoang vu, nhiều thú dữ, khe suối, đèo cao, đường đá gập ghềnh, dân cư thưa thớt.

Xa xưa, việc công cán, đi lại hay giao thương thì đường sông nước nhanh hơn nhiều so với đường bộ. Theo Hải ngoại kỷ sự, quãng đường bộ với xe ngựa từ Hội An, ngồi võng vượt đèo Hải Vân ra Thuận Hóa của Hòa thượng chậm hơn ba lần so với việc đi bằng thuyền từ Thuận Hóa ra cửa biển, men đường biển qua bán đảo Sơn Trà, tắt theo đường sông Cổ Cò vào đến Hội An.

Còn về đường sông, thuyền của Hòa thượng theo lối sông Cổ Cò chảy lượn vòng sát chân núi Non Nước để vào Hội An. Đó là cung đường sông ngắn nhất chảy dọc biển nối liền cửa Hàn nhưng chịu ảnh hưởng con nước ròng cạn của thủy triều làm cho tàu thuyền qua lại khó khăn chứ chưa phải do nhiều đoạn sông bị bồi lấp như sau này.

Ngoài ra, về giao thông ở miệt rừng núi phía tây xứ Quảng xưa, “Hải ngoại kỷ sự” đã hé lộ về một con đường voi là đường quân cơ, lương thực, thư tín quan trọng. Con đường này chạy dọc miền rừng núi phía tây, thông thẳng ra vùng Thuận Hóa.

Ở Cù Lao Chàm, khi viết giấy giao cho công sai xin cấp thêm gạo nước để vượt biển, Hòa thượng hết sức ngạc nhiên về sự tiếp tế mau chóng: “Hai ngày sau, đã thấy chở đến 40 gánh vừa gạo trắng, vừa gạo đỏ”. Dân bản xứ có người cho biết: “Trong ấy có con đường voi đi, một lối đường tắt để thông hành khi có việc cần kíp, có thể một ngày đi đến Thuận Hóa”.

Với ý thức quan sát và ghi chép tỉ mỉ, “Hải ngoại kỷ sự” của Hòa thượng Thích Đại Sán đã để lại những đặc tả vô cùng chân xác và sinh động về phong thổ xứ Quảng Nam cách đây hơn 300 năm. Theo dấu hành trình của Hòa thượng, “Hải ngoại kỷ sự” còn gợi nhiều ý tưởng không chỉ cho các nhà quản lý văn hóa - du lịch mà còn cho mỗi du khách sau này trên bước đường khám phá.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phong thổ xứ Quảng cuối thế kỷ 17 qua "Hải ngoại kỷ sự"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO