Đại dịch Covid-19 đã làm biến động rất nhiều thứ. Và cách nhiều người thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật cũng dần thay đổi trước sự phổ biến của các nền tảng internet.
Thế giới kỹ thuật số hiện tràn ngập các phòng trưng bày tranh nghệ thuật ảo. Mọi người có thể xem trực tuyến hàng nghìn bức tranh, tác phẩm điêu khắc, tác phẩm sắp đặt và tác phẩm mới đến từng chi tiết.
Các ứng dụng số có thể thu, phóng các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất thế giới, cho phép người xem tiếp cận gần hơn với tác phẩm nghệ thuật và đưa nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả, kết nối các nhà sưu tập với nghệ sĩ, người yêu nghệ thuật trên toàn cầu.
Bảo tàng nghệ thuật quốc gia ở London (Anh), tọa lạc tại quảng trường Trafalgar ở thành phố Westminster được thành lập năm 1824 là một trong những phòng tranh ảo nổi tiếng thế giới. Nơi đây trưng bày 2.300 bức tranh, bản vẽ hay các tác phẩm nghệ thuật châu Âu từ thế kỷ 13 đến giữa thế kỷ 20 và giúp người xem trải nghiệm 360 độ tương tác.
Nằm bên bờ sông Seine thơ mộng, Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp), nơi thu hút 10 triệu lượt khách tham quan mỗi năm, đưa toàn bộ bộ sưu tập nghệ thuật gồm 480.000 tác phẩm lên không gian số, bao gồm những kiệt tác như Venus de Milo (Thần Vệ nữ Milo) và The Mona Lisa.
Chủ tịch kiêm Giám đốc bảo tàng Louvre, ông Jean-Luc Martinez cho biết: “Louvre đang phủi bụi những kho báu của bảo tàng, ngay cả những tác phẩm ít được biết đến nhất. Giờ đây, di sản văn hóa tuyệt đẹp của Louvre chỉ cách bạn một cú nhấp chuột”.
Bảo tàng Louvre thuộc vào hàng lớn nhất thế giới, nắm giữ gần 640.000 tác phẩm đủ loại và chỉ có chưa tới 10% bộ sưu tập được đem ra trưng bày tại các cuộc triển lãm. Nhưng trên không gian số, công chúng có thể vào xem 75% tác phẩm nghệ thuật đang được cất giữ.
Các cuộc triển lãm trực tuyến của Bảo tàng Louvre thu hút 21 triệu lượt truy cập trong năm 2020, trong khi trên các mạng xã hội, số người theo dõi tăng gần gấp đôi, vượt qua ngưỡng 10 triệu thành viên đăng ký.
Adella Bahar và Brina Paska, cùng 26 tuổi, thành lập Cakravala, một phòng trưng bày tranh nghệ thuật trên nền tảng kỹ thuật số ở Indonesia cho biết, để thu hút người xem, họ tạo ra nội dung số, chẳng hạn như cuộc trò chuyện, tương tác giữa nhà sưu tập với nghệ sĩ, nghệ sĩ và người xem và tổ chức hội thảo liên quan.
Trên Cakravala, những người đam mê nghệ thuật có thể xem qua hồ sơ của các nghệ sĩ yêu thích trong khi các nghệ sĩ có thể truyền đạt ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật với khán giả. Ngoài ra, Cakravala có một phần dành riêng trong nền tảng, nơi các nghệ sĩ quảng bá về các dự án của mình.
Adella Bahar nói: “Khả năng tiếp cận rộng rãi là một trong những lợi thế lớn của hoạt động trực tuyến. Các tác phẩm nghệ thuật chúng tôi mua bán, các cuộc phỏng vấn chúng tôi thực hiện và các bài báo chúng tôi viết tiếp cận được rất nhiều người trên khắp thế giới.
Không gian số cũng tạo thêm không gian cho nghệ sĩ mới nổi. Điều này rất khác nếu chúng tôi sử dụng phòng trưng bày truyền thống chủ yếu dành cho người dân địa phương hoặc khách du lịch”.
Phòng trưng bày kỹ thuật số thực sự hấp dẫn nhiều người trẻ tuổi vốn dành nhiều thời gian sống và làm việc trên màn hình thông minh.
Dù không phải là kênh để thưởng lãm một cách hoàn hảo nhất các tác phẩm nghệ thuật, phòng tranh trên không gian số có thể thu hút nhiều lượt khách truy cập, thời gian và địa điểm không còn là vấn đề. Chuyến tham quan ảo mang đến cho mọi người quyền tự do truy cập thông tin và đắm mình trong nghệ thuật, theo không gian và tốc độ của riêng họ.