Phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em

HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU 18/06/2015 09:22

Đại Lộc là vùng “rốn lũ”, có ao hồ, sông suối chằng chịt, 13 xã/thị trấn nằm ven hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, vì thế, vấn đề phòng tránh tai nạn đuối nước (TNĐN) luôn trở thành bức thiết.

Nguy cơ cao

Trên địa bàn Đại Lộc xảy ra nhiều vụ TNĐN ở trẻ em hết sức thương tâm. Gần đây nhất là em Trương Lê Minh H. (SN 2005), học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Công Sáu (Đại Hòa) trong khi tắm sông cùng một số người quen, bị lật phao, đuối nước dẫn đến tử vong. Trước đó, trên địa bàn xã Đại Phong cũng xảy ra một vụ TNĐN khiến một học sinh lớp 12 Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển thiệt mạng. Vụ việc được xác định là trong lúc tắm sông, học sinh này đã sẩy chân bị cuốn vào vùng nước sâu dẫn đến ngạt nước… Và, con số vụ TNĐN không dừng lại ở đó, mỗi năm toàn huyện lên tới hàng chục vụ, nạn nhân hầu hết là học sinh.

Nỗ lực tìm kiếm tung tích một học sinh rớt sông đuối nước trong lúc tắm sông. Ảnh: H.L
Nỗ lực tìm kiếm tung tích một học sinh rớt sông đuối nước trong lúc tắm sông. Ảnh: H.L

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNĐN, nhưng chủ yếu là do sự lơ là, chủ quan và thiếu trách nhiệm của các bậc phụ huynh trong việc giám sát trẻ; môi trường xung quanh không đảm bảo an toàn, nhiều vùng ao hồ, sông suối nguy hiểm chưa có rào chắn, chưa có biển cảnh báo, biển cấm. Nơi trẻ em hay tắm sông suối lại quá xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi trẻ bị nguy hiểm, không có sự giúp đỡ, cứu nạn kịp thời. Và nguyên nhân quan trọng là phần lớn trẻ em vùng trọng điểm lũ Đại Lộc chưa được đào tạo kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống khi bơi và kỹ năng cứu đuối… Công tác truyền thông về phòng tránh TNĐN lại chưa đi vào chiều sâu, tác động tới nhận thức của học sinh và phụ huynh học sinh. Đã có nhiều trường hợp trẻ em không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối nhưng lại tham gia cứu đuối khi thấy bạn bè hoặc người thân bị đuối nước. Cũng có trường hợp trẻ em biết bơi nhưng không có kỹ năng cứu đuối đảm bảo an toàn cho bản thân và người được cứu, hậu quả là những cái chết thương tâm đã từng xảy ra đối với những nhóm học sinh hay nhiều trẻ em trong cùng một gia đình, một địa phương, nhất là dịp hè.

Trẻ em vùng trọng điểm lũ cần được đào tạo kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng cứu đuối... Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trẻ em vùng trọng điểm lũ cần được đào tạo kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống và kỹ năng cứu đuối... Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đưa bơi lội vào trường học

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Swim Việt Nam, một bể bơi nổi trị giá hơn 1,5 tỷ đồng đã được lắp đặt tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (Ái Nghĩa) phục vụ đào tạo kỹ năng bơi lội cho học sinh và kỹ năng giảng dạy môn bơi lội cho giáo viên bộ môn thể dục ở huyện. Một số trường học tại Đại Lộc đã đưa bộ môn bơi lội vào giảng dạy nhằm trang bị kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng TNĐN cho học sinh, bước đầu nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của phụ huynh. Theo ông Lương Đức Hiền - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc, TNĐN không chỉ thường hay xảy ra vào dịp nghỉ hè của học sinh mà cả ở mùa mưa lũ. Vì phải “sống chung với lũ” nên cần quan tâm nhiều tới việc trang bị cho các em kỹ năng phòng tránh TNĐN để tự bảo vệ mình. Mùa hè này, có khoảng 1.000 học sinh bậc tiểu học trên địa bàn đã được tiếp cận với môn bơi lội về cả lý thuyết lẫn thực hành. Mỗi khóa, Phòng GD-ĐT tổ chức cho 3 trường học với gần 300 học sinh tham gia. Đến nay, đã có 4 khóa học được tổ chức, trang bị cho các em lý thuyết và thực hành 18 bài tập bơi. “Tất cả nguồn lực đầu tư bể bơi nổi và chi phí đào tạo kỹ năng bơi lội cho các em và giáo viên đều do Tổ chức Swim Việt Nam tài trợ. Huyện cũng hỗ trợ thêm 40 triệu đồng mỗi năm nên công tác đào tạo, tập huấn có phần được thuận lợi hơn. Tất cả học sinh và giáo viên đến với chương trình đều được đào tạo miễn phí” - ông Lương Đức Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, dù mục đích, ý nghĩa từ chương trình rất lớn, song khó khăn hiện nay là hồ bơi trang bị phục vụ nhu cầu dạy và học môn bơi lội không đáp ứng nhu cầu bởi cả huyện chỉ mới có một bể bơi duy nhất nên khó mở rộng đào tạo. Với địa bàn xa xôi, cách trở, nhu cầu đầu tư 3 bể bơi tại 3 vùng A, B, C của huyện, phục vụ học sinh là cấp thiết, sẽ giúp hạn chế việc các em phải đi học xa. Tuy nhiên, chi phí đầu tư một bể bơi hơn 1,5 tỷ đồng là quá lớn, nếu không có sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hay xã hội hóa. “Phòng GD-ĐT mong muốn phối hợp với các nhà máy thủy điện trên địa bàn và liên hệ với Tổ chức Swim Việt Nam để vận động đầu tư thêm một bể bơi tại Trường Tiểu học Kim Đồng (Đại Đồng) để đáp ứng nhu cầu bơi lội cho học sinh trong vùng” - ông Hiền chia sẻ. Bởi việc giáo dục kỹ năng phòng tránh TNĐN cho học sinh vùng hạ du thủy điện, vùng ven sông là vô cùng cấp thiết, không chỉ là nỗ lực của ngành GD-ĐT mà cần sự chung tay của cả cộng đồng. Bên cạnh tăng cường đào tạo kỹ năng bơi lội cho học sinh, thiết nghĩ, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, gia đình về ẩn họa ở vùng ven sông suối; cách phòng tránh và xử lý đuối nước; cải thiện việc tiếp cận dịch vụ và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em bị đuối nước như tư vấn, y tế, cấp cứu, chăm sóc…

HOÀNG LIÊN - BÍCH LIỄU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO