Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra luôn được các cấp, các ngành, địa phương và người dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, hàng năm số người bị tai nạn trước, trong và sau lụt bão vẫn khá cao…
Mùa mưa lụt thường xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm. TRONG ẢNH: Đánh bắt cá mùa lụt. Ảnh: C.N |
Tai nạn thường gặp
Tai nạn giao thông, đuối nước, điện giật, té ngã... là những tai nạn thường xảy ra trong mùa mưa bão, lũ lụt. Trong đó, đuối nước là tai nạn xảy ra phổ biến nhất; không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng bị tai nạn này. Đuối nước thường xảy ra ở những vùng ngập sâu, vùng nước chảy xiết, thậm chí có một số trường hợp bị đuối nước khi nước đã rút. Không ít trường hợp do chủ quan băng qua đường, đi thả lưới giăng câu bắt cá; trẻ em vui đùa trong lũ hoặc cha mẹ lo dọn lụt không để mắt đến... đều có thể khiến tai nạn đuối nước xảy ra.
Chiều 7.11, khi nước bắt đầu rút, đoạn đường từ Ái Nghĩa đến Quảng Huế (Đại Lộc), nơi ngập cao nhất cũng chỉ 3 tấc, nhưng do nước chảy xiết, một người đàn ông chạy xe máy ngang qua đoạn đường này đã bị nước cuốn trôi. Nhiều người trong vùng lũ, do việc cần kíp cũng bất chấp mưa lụt, lội qua đoạn nước ngập sâu hoặc nước chảy mạnh nên xảy ra tai nạn đáng tiếc. Trong khi đó, mùa lụt, nhiều trẻ em đóng bè, đánh cá, lội nước... cũng khá nguy hiểm. Như trường hợp của em V.V.Q., học sinh lớp 7 ở Thăng Bình trượt chân ngã và bị nước cuốn trôi trong lúc đi thả lưới hôm 6.11 là một ví dụ. Cùng với đuối nước, vào mùa mưa lụt, tai nạn thương vong do điện giật cũng xảy ra không ít, nhất là ở vùng nông thôn, do dây điện bị đứt, nhiễu điện, mất an toàn khi gió lớn, nước dâng cao. Hầu như mùa lụt năm nào ở Quảng Nam cũng có người bị tai nạn điện giật gây chấn thương hoặc tử vong.
Ngoài ra, vào mùa mưa lụt, đường trơn trượt, xói lở, xuống cấp, nhiều người đi xe máy, xe đạp mặc áo mưa bị vướng víu, nên tai nạn giao thông rất dễ xảy ra. Sáng sớm ngày 6.11, chị N.T.H. ở phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, mặc áo mưa cánh dơi lưu thông trên đường Phan Bội Châu (Tam Kỳ), bất ngờ bị gió thổi tung vạt trước áo mưa trùm kín mặt khiến chị loạng choạng rồi ngã ra đường. Rất may lúc ấy đường vắng người và xe cộ nên chị chỉ bị thương tích nhẹ. Ngoài ra, trong khi khắc phục hậu quả mưa bão, cũng có không ít trường hợp bị chấn thương do bị trượt ngã trong quá trình chằng chống, sửa chữa nhà trước, trong và sau mưa bão, lũ lụt.
Chủ động phòng tránh
Ngày 5.11, đoạn đường từ thôn Tỉnh Thủy (xã Tam Thanh) qua xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) bị ngập sâu gần 1m, có cống nước chảy mạnh nhưng người dân vẫn bất chấp, đi lại. Các tình nguyện viên chữ thập đỏ đã kịp thời lập rào chắn tạm thời và báo chính quyền địa phương xử lý. Ông Phan Công Ry - Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa, ứng phó thảm họa (Hội Chữ thập đỏ tỉnh) cho biết, để chủ động phòng ngừa, ứng phó thảm họa do thiên tai gây ra, trước hết mỗi người phải biết cách tự bảo vệ cho bản thân và gia đình mình.
Ông Phan Công Ry khuyến cáo, để hạn chế tai nạn trong mùa mưa bão, người dân không nên đến gần các điểm sạt lở, không đi chơi, đi xem nước dâng, sạt lở, đùa giỡn, thậm chỉ là chụp ảnh selfie với nước lụt; chủ động di dời sớm khi nơi mình ở có nguy cơ bị ngập sâu hay có dấu hiệu sạt lở đất. Đặc biệt, người dân vùng sạt lở cần chú ý lắng nghe tiếng động để di dời sớm đến nơi an toàn. Để phòng chống đuối nước, cần lưu ý không đi qua các khu vực bị ngập, nước chảy xiết; nếu có công việc cấp thiết, buộc phải đi qua thì cần có phao cứu sinh. Đối với tai nạn về điện, tốt nhất mỗi gia đình nên sắm một cây bút thử điện; ngắt nguồn điện (cắt cầu dao, cầu chì) nếu nhà bị ngập nước; khi có điện trở lại, cần dùng bút thử điện đi dép nhựa để kiểm tra cầu dao.
Ông Phan Công Ry thông tin thêm, nhằm giảm thiểu rủi ro, tai nạn do thiên tai gây ra, hàng năm Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Trung tâm Phòng ngừa ứng phó thảm họa cũng thường tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức phòng ngừa, ứng phó với các thảm họa như: bão, lũ lụt, dông, sét, đuối nước, điện giật, sơ cấp cứu... cho cộng đồng. Đồng thời trung tâm cũng phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các buổi ngoại khóa trang bị kỹ năng ứng phó thảm họa, sơ cấp cứu cho học trò.
TÙNG CHI