1. Phong trào có từ bao giờ? khởi phát từ đâu? Tôi không rõ. Có điều, tôi biết nó xuất hiện trong đời sống xã hội từ lâu lắm rồi. Và mươi năm gần đây, phong trào lại được nhắc tới nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh thành nào cũng đầy rẫy các phong trào. Làm sân bay, cảng biển. Xây dựng các khu công nghiệp, trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Ngăn sông đắp đập làm thủy điện bậc thang. Gần đây nhất là phong trào làm tượng đài hoành tráng trăm tỷ, ngàn tỷ đồng, phong trào làm đường theo hình thức BOT (mà người dân gọi đùa là viết tắt cụm từ BẮT ÓI TIỀN nếu muốn qua lại!). Đó là những phong trào lớn. Còn những phong trào nhỏ thì ôi thôi nhiều như nấm mọc sau mưa. Nơi nào cũng có. Nông thôn có phong trào làm du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái, thu hút khách gần xa tới quan chiêm thưởng ngoạn, chụp ảnh “tự sướng” đưa lên facebook. Đồng bằng, phố thị có phong trào “Tiếng mõ an ninh”, “Tiếng loa cảnh báo tình hình tội phạm” trên địa bàn…
2. Cá nhân cũng đua nhau làm nên những phong trào tự phát theo kiểu “sáng nắng, chiều mưa”, “trưa nở rộ, tối lụi tàn”… Tôi vẫn còn nhớ, khoảng mươi năm trước, do ảnh hưởng của phim Hàn Quốc, nam thanh nữ tú tạo nên phong trào “tóc nâu môi trầm”, xăm môi xăm mắt, hớt tóc đầu đinh và nhuộm đầu tóc đủ màu tím xanh hồng đỏ vàng hoe đuôi bò… ngó thấy thất kinh hồn vía! Những “mốt” ấy, bây giờ đã “xưa rồi Diễm ơi”! Hiện nay lớp trẻ lại đua nhau chạy theo “mốt” mới. Nam, tóc cắt trụi lủi quanh đầu nhưng bên trên lại chừa cả mảng lớn gọi là kiểu tóc “mai cua” (người dân quê tôi gọi nôm na là kiểu tóc “nồi trã”). Nữ, mặc quần lửng rộng thùng thình, ở xa ngó tưởng là váy, lại gần nhìn hóa ra là quần theo “mốt” chẳng giống ai! Gần đây, chị em lại thích mặc váy đi làm. Để cặp giò khỏi bị nắng cháy khi chạy xe, chị em choàng váy chống nắng dài phủ phượt. Tuy nhiên, nhiều chị em mặc quần dài vẫn choàng váy chống nắng. Chẳng biết họ choàng để làm gì, theo phong trào chăng?
3. Hẳn nhiên, kết quả của phong trào “thấy người ta ăn khoai mài vác mai chạy quấy” buồn nhiều hơn vui. Với phong trào lớn vì cái chung là những hệ lụy từ những dự án treo, những dự án “ném tiền qua cửa sổ”, những công trình thi công dở dang… Còn những công trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, mặt trái lại có nhiều hệ lụy… Thì đấy, các đập thủy điện, mùa nắng hạn cần nước tưới phục vụ sản xuất lại không có nước, mùa mua lũ nước dư thừa lại được bồi thêm các đợt xả lũ khiến ruộng đồng xói lở tan hoang. Thì đấy, các điểm du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, người dân phục dịch không công cho những người lạ từ xa đến, vừa mất thời gian, vừa tốn củi tốn chè đun nấu nước uống mời khách, đâu có được gì, vì thế họ ngán ngẩm tránh né! Còn các phong trào nhỏ do tự phát bởi những cá nhân cấp tiến (thực ra là học đòi thiếu suy nghĩ) chỉ đem lại sự nhố nhăng lố bịch mà thôi! Xã hội ngày càng có nhiều chuyện chướng tai gai mắt cũng là tại các phong trào nhỏ mà ra…
N.Đ.AN