Tháng 6 này là tròn một năm Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc.
Theo Bộ TN&MT, các nỗ lực về chính sách, quản lý của bộ đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Bên cạnh báo cáo cụ thể về việc ban hành các văn bản quan trọng liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa, thì đánh giá của Bộ TN&MT về kết quả một năm thực hiện phong trào chống rác thải nhựa nhìn chung rất… chung chung, hoặc “đang thực hiện”. Đó là: “Tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng để giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và các loại túi ny lon khó phân hủy”; hay “đang tập trung chỉ đạo thực hiện đề án xây dựng trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương”… Tất nhiên, mới chỉ qua một năm, không dễ để có được một báo cáo định lượng đầy đủ và chính xác. Nhưng với kiểu báo cáo thuần định tính và phần nào... cảm tính, tính thuyết phục chắc chắn không cao.
Sau một năm phát động phong trào chống rác thải nhựa, có thể thấy trong thời gian đầu, tình hình ít nhiều có chuyển biến, mà rõ nhất là một số cơ quan công sở chuyển qua dùng chai thủy tinh thay chai nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, trên bình diện chung, thay đổi về nhận thức và hành vi vẫn còn rất chậm. Có một số cơ quan, công sở hưởng ứng phong trào nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần một cách... lãng phí. Cụ thể, nhằm tránh việc chưng chai nhựa trên bàn, người ta mua nước suối đóng chai về rồi sang qua chai thủy tinh để phục vụ các cuộc họp, hội nghị. Với cách làm này, rác thải nhựa không giảm, trong khi phải chi thêm tiền để mua chai thủy tinh.
Trở lại với sản phẩm nước uống đóng chai nhựa dùng một lần, trong khi chưa thể hạn chế triệt để việc sản xuất và sử dụng thì ngay trong từng sản phẩm, yếu tố có hại cho môi trường vẫn còn nguyên, thậm chí là còn tăng lên, khi mà các nhà sản xuất còn “khuyến mãi” thêm vỏ bọc ny lon chung quanh thân và miệng chai, thùng chứa nước. Nếu các nhà sản xuất nước uống bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài này, sẽ góp phần hạn chế một phần rác thải nhựa. Chuyện “khuyến mãi” túi ny lon cũng thường xuyên diễn ra ở các chợ khi tiểu thương “bao bọc” quá kỹ các loại hàng hóa bán ra, xem như cách để lấy lòng khách hàng. Hay đợt dịch Covid-19 vừa qua, thực hiện lệnh giãn cách xã hội, nhiều hàng quán bán thực phẩm mang đi. Lẽ ra khuyến cáo khách hàng mang theo vật dụng đựng đồ ăn, thức uống, song hầu hết hàng quán và người tiêu dùng lại dùng túi ny lon hoặc hộp xốp...
Để thực hiện giảm thiểu việc thải ra môi trường các loại rác nguy hại nói chung, tất nhiên cần phải có lộ trình, có những bước đi phù hợp theo thời gian chứ không thể thực hiện ngay những biện pháp cứng nhắc, cực đoan. Tuy nhiên, từng lộ trình, mỗi bước đi cần được thực thi thường xuyên và được đánh giá, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Chỉ khi ấy, ý thức bảo vệ môi trường mới được xác lập và duy trì, tạo cơ sở hình thành thói quen, nếp sinh hoạt văn minh. Nếu việc quản lý, sử dụng sản phẩm nhựa không được quan tâm - bắt đầu từ những việc nhỏ hằng ngày, có lẽ phong trào chống rác thải nhựa vẫn sẽ còn kéo dài.