Phong trào nông dân sản xuất giỏi ở Bình Phú: Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

THU SƯƠNG - TRUNG THỰC 08/01/2019 07:24

Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi xã Bình Phú (Thăng Bình) đã xuất hiện nhiều mô hình mới được nhân rộng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân.

Vườn khổ qua đang vào mùa thu hoạch của ông Nguyễn Xô. Ảnh: SƯƠNG THỰC
Vườn khổ qua đang vào mùa thu hoạch của ông Nguyễn Xô. Ảnh: SƯƠNG THỰC

Trước đây, gia đình anh Võ Văn Đức ở tổ 8, thôn Đức An, nuôi gần 30 con bò nhưng hầu hết là bò cỏ với hình thức nuôi thả rông nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Đầu năm 2014, anh quyết định bán toàn bộ số bò trên, đầu tư làm chuồng trại kiên cố và chuyển qua nuôi bò lai nhốt. Với số vốn 100 triệu đồng, vợ chồng anh lặn lội đến các huyện lân cận để tìm mua 3 con bò lai. Sau gần 5 năm chăn nuôi, đến nay vợ chồng anh đã có được một đàn bò lai hơn 10 con với tổng giá trị gần 300 triệu đồng. “Việc nuôi bò lai cũng tương tự như nuôi bò cỏ, thức ăn chủ yếu là cỏ, ngoài ra cho bò ăn thêm bắp và đậu tương nghiền nhỏ, nấu chín. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho 4 con bò lai, tôi trồng 4 sào cỏ, đồng thời tôi còn đi cắt thêm cỏ đồng để làm thức ăn cho bò. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mua thêm 2 con bò nữa” - anh Đức cho biết.

Hàng trăm hộ dân trồng tiêu ở các xã vùng tây huyện Thăng Bình điêu đứng vì tiêu chết hàng loạt nhưng vườn tiêu của ông Nguyễn Viết Trãi ở thôn Linh Cang vẫn xanh tốt và đang sắp bước vào mùa thu hoạch. Ít ai biết được rằng, hơn chục năm trước, ông Trãi từng khánh kiệt gia sản vì cây tiêu. Sau nhiều lần loay hoay xoay chuyển, hết trồng cây này tới cây kia, cuối cùng ông quyết định trồng tiêu sau khi tự mày mò học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tế. “Tiêu là loại cây rất cần nước nhưng lại không chịu được ngập úng nên trước khi trồng mình phải làm đất thành từng luống để có thể thoát nước kịp thời khi trời mưa lớn. Sau khi thử nghiệm thì tôi nhận thấy tiêu Vĩnh Linh phù hợp với đất đai và điều kiện thời tiết ở địa phương nên thay vì trồng tiêu Tiên Phước, những năm gần đây tôi chọn giống tiêu Vĩnh Linh để trồng. Sắp tới, tôi dự định trồng giống khoảng 1.000 choái tiêu Vĩnh Linh trên diện tích 1ha đất vườn” - ông Trãi nói.

Hơn 10 năm trước, ông Nguyễn Xô ở tổ 12, thôn Long Hội đã mạnh dạn chuyển hẳn 2ha đất lúa sang trồng môn hương, khổ qua và dưa leo. Từ bỏ cây lương thực chủ lực để chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn, kinh nghiệm chưa nhiều, thị trường tiêu thụ cũng bấp bênh. Ông bảo: “Trồng các loại cây trồng cạn, tính ra thu nhập gấp 3 lần cây lúa. Nhưng, dịch bệnh thì cũng nhiều. Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nông dân ở những vùng khác rồi lên mạng tìm hiểu, tôi tự mua các loại thuốc sinh học về và pha chế phòng trừ sâu bệnh. Dần dà rồi quen. Bây giờ, mùa nào, bệnh gì trên cây gì, trị như thế nào, tôi đều biết cách phòng trừ hiệu quả” - ông Xô cho hay. Không chỉ vậy, ông còn giải quyết việc làm cho 4 - 6 lao động ở địa phương. Đặc biệt, ông chủ động thuê đất ở các xã lân cận để phát triển các loại cây trồng cạn này. Mục tiêu hướng đến của gia đình ông là làm kinh tế với chất lượng sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Trồng tiêu, nuôi bò hay trồng các cây trồng cạn như khổ qua, dưa leo, môn hương  là những mô hình không mới nhưng nhờ được tập huấn về kỹ thuật, tạo điều kiện về cơ chế chính sách, nông dân Bình Phú đã tự làm mới những mô hình tưởng đã cũ. Đặc biệt, tùy theo điều kiện thực tế mà bà con nông dân mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Ông  Trương Kim Đông - Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, thời gian qua công tác phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực. Hiện nay, địa phương đã khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển gần 30 mô hình trồng tiêu (mỗi mô hình hơn 400 choái) và 8 mô hình trồng dừa xiêm với số lượng hơn 2.000 cây (tương đương với diện tích 4ha) và hơn 10 mô hình vườn mẫu lại thôn Long Hội. “Bên cạnh đó, Bình Phú còn vận động người dân trồng cây cau Tiên Phước, các mô hình chăn nuôi bò lai vẫn được duy trì, vận động nông dân tiếp tục chăm sóc cây cao su tiểu điền, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học và nuôi heo theo hướng trang trại đảm bảo vệ sinh môi trường” - ông Trương Kim Đông cho biết thêm.

THU SƯƠNG - TRUNG THỰC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phong trào nông dân sản xuất giỏi ở Bình Phú: Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO