Song song với duy trì mô hình hay, hiệu quả từ những năm trước, nhiều cách làm mới, sáng tạo trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được triển khai ngay từ cơ sở, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân.
Chú trọng sử dụng internet, mạng xã hội
Quảng Nam đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong công tác phục hồi, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng; song theo đánh giá, năm 2022, những yếu tố tiềm ẩn, phức tạp về an ninh trật tự vẫn còn, đặc biệt là trên mạng internet.
Nhiều đối tượng tham gia các tổ chức phản động, chống đối trong nước tiếp tục móc nối với các phần tử nước ngoài để đăng tải, chia sẻ bài viết, bình luận có nội dung xuyên tạc, không đúng sự thật về Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương trên mạng internet.
Tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến các dự án đất đai, môi trường chưa được giải quyết dứt điểm. Hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn ra phổ biến, có tác động mạnh đến đời sống xã hội.
Năm 2022 toàn tỉnh xây dựng, nhân rộng 70 mô hình bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng thời thanh loại 344 mô hình kém hiệu quả và duy trì củng cố hơn 1.000 mô hình, trong tổng số 10 loại hình phong trào triển khai ở cơ sở. Ngoài ra, có hơn 94% khu dân cư, xã phường, thị trấn và hơn 95% cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.
Dự lường và nhận diện những nguy cơ, Công an tỉnh đã phát huy tốt vai trò chủ công, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền.
Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với lực lượng công an tổ chức "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" năm 2022, gắn với kỷ niệm ngày truyền thống Công an nhân dân; kiểm tra, đánh giá nội dung, tiêu chí bảo vệ an ninh trật tự trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động.
Ủy ban MTTQ Việt Nam ở cơ sở chủ động phối hợp chính quyền cùng cấp tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu với nhân dân, duy trì các diễn đàn công an lắng nghe ý kiến nhân dân.
“Công tác tuyên truyền được lồng ghép nhiều hình thức. Cùng với phương tiện truyền thông đại chúng, các mạng xã hội cũng là nền tảng hữu hiệu để cung cấp thông tin tuyên truyền, tiếp cận đến đông đảo người dân và là kênh tiếp nhận thông tin hiệu quả từ quần chúng nhân dân liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng cộng đồng an toàn, văn minh” - ông Lê Thái Bình chia sẻ.
Là một trong những “điểm sáng” về việc sử dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook) và mạng internet để giải quyết thủ tục hành chính cũng như tuyên truyền, thông tin về tình hình tội phạm, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, Công an TP.Tam Kỳ còn thường xuyên tiếp nhận tin báo từ quần chúng nhân dân qua các kênh này.
“Nhiều tin tức có giá trị giúp cho công an thành phố, công an các phường, xã nhanh chóng nắm bắt, xử lý, gìn giữ an ninh, củng cố niềm tin, xây dựng hình ảnh đẹp về lực lượng trong lòng người dân... Công an TP.Tam Kỳ đang tiếp tục chú trọng xây dựng, phát triển các kênh thông tin này nhằm phát huy tốt hiệu quả của phong trào” - Trung tá Mai Văn Hiển, Phó Trưởng Công an TP.Tam Kỳ chia sẻ.
Đổi mới các mô hình
Đại tá Nguyễn Thành Long - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh tổ chức sơ kết, đánh giá thường xuyên, từ đó nhân rộng những mô hình, cách làm hay, mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh hoặc thanh loại mô hình kém hiệu quả.
Các mô hình đều được hướng đến mục tiêu thiết thực, phù hợp đặc điểm, tình hình thực tế. Nhờ đó, số lượng các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan doanh nghiệp, cơ sở giáo dục an toàn về an ninh trật tự và phân loại phong trào đạt loại khá trở lên cao hơn năm 2021.
Ghi nhận những dấu ấn của Quảng Nam trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022, Đại tá Trần Quý Trường - Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc Bộ Công an cho rằng, phong trào triển khai ở Quảng Nam tiếp tục có những bước phát triển toàn diện, làm nền móng xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, thực sự trở thành hoạt động tự giác của cán bộ, nhân dân trong tỉnh.
Từ đó, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm an toàn xã hội, kéo giảm tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, phục vụ yêu cầu phát triển của địa phương. Các mô hình, cách làm đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, huy động được sự tham gia của các cơ quan, ban ngành và sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tuyên truyền sâu rộng trên không gian mạng.
Đặc biệt, việc phối hợp kịp thời, đồng bộ đã phát huy hiệu quả rõ nét. Thời gian tới, Quảng Nam cần kết hợp hiệu quả, khai thác tiện ích của mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển hơn nữa phong trào, vì mục tiêu chung.