Gần như một luồng gió mới, bắt đầu từ năm 2000, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trở thành sức mạnh tổng hợp gắn kết chặt chẽ mọi thành phần và tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Năm 2000, Quảng Nam là địa phương được Trung ương lựa chọn làm điểm phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cho toàn quốc. Với các nội dung xoay quanh phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh... được Ban Chỉ đạo các cấp triển khai thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả.
Hiệu ứng tích cực
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế, xã hội góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững. Hội Nông dân tỉnh cho biết, 20 năm qua, song song với xây dựng đời sống văn hóa, các cấp hội trong tỉnh đã vận động hội viên đẩy mạnh lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững. Dựa trên lợi thế của địa phương, người dân khu vực nông thôn, miền núi, ven biển và hải đảo đầu tư vốn, kỹ thuật xây dựng những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Các khu dân cư đô thị, từng bước bắt nhịp với sự phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ… giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn. Nhờ đó, đến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt hơn 61 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,06% theo tiêu chí mới. L.Q
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, trong 20 năm qua, phong trào đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận, hội, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân.
“Các nội dung phong trào gắn chặt và tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, khơi dậy và cổ vũ tinh thần, truyền thống yêu quê hương, đất nước, tình làng, nghĩa xóm; tính cố kết cộng đồng, dòng họ ngày càng bền chặt. Môi trường văn hóa không ngừng được cải thiện, củng cố nền tảng đạo đức xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thiết chế văn hóa từng bước được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, dân chủ ở cơ sở không ngừng được phát huy” - ông Tân chia sẻ.
Những con số thống kê từ Ban Chỉ đạo phong trào cho thấy sự phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân xứ Quảng. Năm 2000, toàn tỉnh có 78.610 hộ gia đình văn hóa (tỷ lệ 22,8%) thì đến cuối năm 2020 có hơn 365 nghìn hộ gia đình văn hóa. Tương tự, lúc bắt đầu phát động phong trào, toàn tỉnh có 126 thôn, tổ dân phố văn hóa (tỷ lệ 7,4%) thì đến cuối năm 2020 toàn tỉnh đã có 1.076 thôn, tổ dân phố văn hóa (tỷ lệ 86,77%). Đặc biệt, nhiều thôn, tổ dân phố duy trì danh hiệu văn hóa liên tục 15 - 20 năm, thậm chí ở nhiều thôn, tổ dân phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ông Trương Thanh Hiền - Bí thư Chi bộ khối Hà Trung, phường Cẩm Nam (TP. Hội An) cho biết, khối phố Hà Trung là một trong 10 thôn, khối phố được công nhận danh hiệu văn hóa nhiều năm liên tục. Đây cũng là địa phương được trung ương, tỉnh và Hội An chọn làm địa phương điểm triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư. Ngoài vận động người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với các hoạt động phong phú, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, khối phố này còn vận động người dân cam kết không sử dụng túi ny lon trong các hoạt động thường ngày lẫn kinh doanh buôn bán suốt nhiều năm liền.
Cũng như trong đời sống dân cư, việc tạo dựng môi trường văn hóa ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng của mình. Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, các nội dung, tiêu chí, tiêu chuẩn xét công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của từng đơn vị, từng loại hình doanh nghiệp. Chính điều này góp phần tích cực vào việc xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể vững mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.700 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa.
Gìn giữ bản sắc
Trên nền vốn liếng văn hóa xứ Quảng, mỗi địa phương lại có cách thức riêng để phát huy hết nội lực của mình. Đặc biệt, ở miền núi, bản sắc trở thành niềm tự hào để từ đây, mỗi quyết sách của các địa phương lấy bảo tồn văn hóa làm gốc.
Lãnh đạo UBND huyện Nam Giang cho biết, gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, các tiêu chí xây dựng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc luôn được đưa vào kế hoạch hoạt động hàng năm của mỗi ban ngành ở địa phương, trong xây dựng gia đình, tộc, thôn, xã văn hóa, cơ quan có đời sống văn hóa tốt. Các đội cồng chiêng được hình thành, những nhà làng, gươl, moong ấm hơi người nhiều hơn. Bắt nhịp bảo tồn văn hóa để tiến hành từng hoạt động cụ thể, mỗi địa phương miền núi khi thực hiện phong trào đã ý thức việc phải làm sao để bà con nhận ra vốn liếng quý báu mình sở hữu, từ đó có cách phát huy cụ thể. Những lễ cưới được tối giản, sính lễ thách cưới không còn nặng nề với nhà trai. Sinh kế của đồng bào không chỉ dựa hoàn toàn vào rừng nữa, mà họ đã biết lấy thế mạnh của văn hóa để phát triển.
Với các địa phương đồng bằng, trên nền các phong tục hay vốn truyền thống của vùng đất, những phương thức cụ thể của phong trào mang lại hiệu quả rõ rệt. Nếp xưa được gìn giữ. Những thiết chế cộng đồng được chú trọng. Nhiều năm liền, huyện Duy Xuyên liên tục tổ chức liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca, thu hút sự tham gia của những người yêu nghệ thuật truyền thống ở địa phương.
Ông Bùi Minh Diệu - Giám đốc Trung tâm VH-TT và truyền thanh - truyền hình huyện Duy Xuyên cho biết, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống vốn có của địa phương thông qua các chương trình sân khấu học đường, các lớp tập huấn, tập hát, xây dựng các tổ, đội, câu lạc bộ tuồng, dân ca, sắc bùa, bả trạo,... là một trong những cách thiết thực hình thành nên môi trường văn hóa cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, một cuộc “phục hưng” trong lĩnh vực văn hóa diễn ra rộng khắp. Những môi trường diễn xướng chuyên nghiệp, không chuyên hay dựng nên những sân chơi với hình thức “hội diễn quần chúng”, vực dậy những làng nghề truyền thống... làm cho môi trường văn hóa của Quảng Nam thêm phần sôi động. Lễ hội truyền thống tiêu biểu được các cộng đồng dân cư, địa phương tổ chức định kỳ hàng năm, từ lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển, lễ hội rước cộ bà Chợ Được, lễ hội bà Thu Bồn, bà Chiêm Sơn, lễ rước long chu..., đến các lễ hội của làng nghề được quản lý bảo tồn có chọn lọc từ những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương, trong đó chú trọng các hoạt động văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống. Thông qua nội dung tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di tích tại các địa phương ngày càng được quan tâm hơn.
Không chỉ vậy, Quảng Nam hình thành và triển khai tốt nếp sống mới trong việc cưới, việc tang (hiện tại Quảng Nam đi đầu trong cả nước về thực hiện không rải vàng mã trên đường đưa tang) và lễ hội theo hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa khác, góp phần tạo nên sự gắn kết cộng đồng, gia đình và dòng họ.