Phong tục Trzáo của người Cơ Tu

HIỀN THÚY 31/01/2018 13:48

Sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào Cơ Tu nơi đây còn lưu giữ  các nét đẹp văn hóa truyền thống như: lễ ăn mừng lúa mới, lễ cưới hỏi, dựng gươl, lập làng... Đặc biệt, mỗi dịp tết đến xuân về, đồng bào Cơ Tu còn có phong tục mang đậm bản sắc riêng của mình, đó là phong tục: “Trzáo” -  một hình thức thăm hỏi giữa họ nhà gái và họ nhà trai vào những ngày cận tết.

Diện mạo mới của xã vùng cao A Xan, huyện Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Diện mạo mới của xã vùng cao A Xan, huyện Tây Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đối với đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang, dù giàu hay nghèo, hàng năm không thể quên tục “Trzáo” thăm hỏi giữa cha mẹ hoặc anh em trai với người con gái hoặc chị em gái đã đi lấy chồng xa, lâu ngày chưa gặp. Trzáo có từ lâu đời, thể hiện tình cảm sâu đậm giữa họ hàng thân thích, giữa nhà trai và nhà gái của người Cơ Tu. Có mặt tại thôn Arơ’h, xã Lăng, chứng kiến cảnh gia đình bà Alăng Thị Clốp ở xã A Ting (huyện Đông Giang) đến thăm con gái là Bríu Thị Nghiêm làm dâu về tại đây, chúng tôi không khỏi bất ngờ thú vị. Phong tục mẹ đến thăm con gái, nhà gái đến thăm nhà trai vào dịp Tết Nguyên đán là một phong tục đẹp của người Cơ Tu. Để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm này, nhiều ngày trước, gia đình bà Alăng Thị Clốp đã họp bàn các thành viên trong dòng tộc, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như bánh sừng trâu, cơm lam, zà rá, gạo nếp rang, gà, vịt, tấm dồ, tấm tút... Điều tối kỵ trong lễ vật đem tặng cho nhà trai, đó là nhà gái Cơ tu không được đem các con vật 4 chân, mà chỉ đem tặng các con vật 2 chân và không được tặng thanh la, trống chiêng... vì như thế là xúc phạm đến nhà trai.

Đón mẹ và bà con họ nhà gái sang thăm trong những ngày giáp tết này, gia đình ông Alăng Bưng và vợ cũng chuẩn bị đầy đủ các món ẩm thực truyền thống Cơ Tu, để thể hiện lòng hiếu thuận với cha mẹ vợ và dòng họ nhà gái. Lời hát đối đáp sau của ông Alăng Bưng cũng chính là tấm lòng của những chàng rể Cơ Tu dành cho cha mẹ vợ. Họ đã cùng tâm sự bằng câu hát lý. Ông Alăng Bưng thể hiện bằng câu hát của người Cơ Tu: “Hôm nay đất trời vào xuân, cái nương đang xanh tốt, cái bếp đang đỏ lửa, thóc lúa đầy kho, gia đình chúng con rất vui và xúc động khi đón mẹ và các anh chị em đến thăm. Thấy mẹ khỏe mạnh, vợ chồng con vui mừng lắm, chúng con không có gì hơn, cầu chúc cha mẹ luôn mạnh khỏe, gia đình hòa thuận, yên vui... Nay có mâm cơm đạm bạc mời mẹ và các anh chị em cùng dùng với gia đình để bày tỏ sự hiếu thuận của vợ chồng con”. Đáp lại tấm chân tình đó, ông Bríu Ron đại diện cho họ nhà gái sang thăm, cũng đã hát lời đối đáp, với tâm nguyện cầu chúc cho hai vợ chồng, 4 đứa cháu và gia đình họ nhà trai một năm mới an lành, hạnh phúc. Ông Bríu Ron hát: “Nhà gái chúng tôi không có gì, chỉ mang ít vật phẩm trên cái nương, cái rẫy sang thăm chúc mừng họ nhà trai. Cảm ơn họ nhà trai đã chăm sóc, lo lắng, dạy bảo con gái chúng tôi thành đứa con dâu hiền... năm mới, cầu chúc cho tình đoàn kết của hai họ càng thêm bền chặt”.

Sau lời hát đối đáp, hai bên gia đình cùng nâng chén rượu chúc mừng cho một năm mới với nhiều niềm vui hạnh phúc. Lúc này, Alăng Thị Clốp tặng hai tấm dồ thổ cẩm do chính tay bà dệt nên, dặn dò con gái Bríu Thị Nghiêm phải biết hiếu thuận với gia đình chồng, phải luôn giữ cho cái bếp đỏ lửa. Xúc động trước tình cảm của mẹ, chị Bríu Thị Nghiêm rưng rưng nước mắt, tặng mẹ một ché xưa nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm, tấm lòng hiếu thảo với người mẹ già. Già làng Bríu Pố ở xã Lăng cho biết thêm: “Đây là một phong tục truyền thống của người Cơ Tu chúng tôi, phong tục này thể hiện tình cảm của hai bên nhà gái nhà trai, mà thậm chí còn tăng cường thêm mối quan hệ tình cảm của hai bản làng”. Trong buổi lễ tặng quà giữa nhà gái và nhà trai, mọi người cùng quây quần bên mâm rượu, đồ ăn thức uống, cùng hát lý, hát đối đáp, kể cho nhau nghe về một năm làm ăn được mùa, về tình cảm vợ chồng, về  tình đoàn kết gắn bó giữa hai gia đình thông gia... Và có thể khẳng định, “Trzáo” là một phong tục đẹp trong những ngày cuối năm, chuẩn bị bước sang năm mới, phong tục này có ý nghĩa cao quý về mặt tình cảm, không mang tính chất lãng phí hoặc mê tín dị đoan. Trzáo là một cầu nối tình cảm thân thiết giữa những người Cơ Tu với nhau.

Nhằm gìn giữ phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, trong đó có tục “Trzáo”, huyện Tây Giang rất chú trọng đến công tác bảo tồn và gìn giữ. Hiện  huyện đã thành lập Ban chỉ đạo sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn huyện nhằm giúp khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa, qua đó lưu truyền cho thế hệ trẻ Cơ Tu. Đây là tín hiệu đáng mừng, hy vọng trong thời gian đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều phong tục đẹp của người Cơ Tu sẽ được gìn giữ bảo tồn.

HIỀN THÚY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phong tục Trzáo của người Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO