(QNO) - Nhiều vùng tại huyện Phú Ninh thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Công tác khắc phục hậu quả đang diễn ra khẩn trương.
Tan hoang cánh đồng rau Gò Sen. Ảnh: CHÂU VƯƠNG |
Sáng 12.12, ghi nhận tại cánh đồng rau Gò Sen (thôn An Hòa, xã Tam An), hơn 1,2ha rau sạch chìm trong biển nước. Tranh thủ nước đang rút, ông Bùi Văn Minh (thôn An Hòa) khẩn trương dọn dẹp. Hơn 4 sào rau ông Minh trồng để bán trong dịp tết đã bị lũ vùi dập, làm hư hại hoàn toàn, thiệt hại ước tính gần 20 triệu đồng. “Rau của 25 hộ dân khác trong thôn cũng bị hư sạch. Thời gian tới chúng tôi ra sức khôi phục lại cánh đồng, hy vọng bù đắp phần nào…” - ông Minh nói.
Tại địa bàn các thôn An Thiện, Thuận An, An Thọ, Phước An của xã Tam An, nước lên nhanh ngay trong đêm khiến nhiều người trở tay không kịp. Hầu như nhà nào cũng có gia súc gia cầm chết, ướt lúa, đồ đạc bị hư hỏng… Ông Phạm Quảng (thôn An Thiện) cho biết, gia đình ông có 1.200 con gà chuẩn bị xuất bán đã bị chết, 1.500 con cá tra (trọng lượng 0,7kg mỗi con) đang nuôi trong ao cũng không còn con nào. Thiệt hại ước tính hơn 130 triệu đồng.
Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có 2.700 hộ dân bị ngập nước; nhiều tuyến giao thông hư hỏng như ĐH2, ĐH4. Ngoài ra, nhiều tuyến giao thông nông thôn, cầu cống, kênh mương thủy lợi hư hỏng nghiêm trọng; nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bồi lấp, bờ thửa ruộng đồng bị cuốn trôi.
Ông Phạm Quảng (thôn An Thiện, xã Tam An) dọn dẹp xác gà chết. Ảnh: CHÂU VƯƠNG |
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang được thực hiện quyết liệt tại xã Tam An. Lực lượng cứu hộ của xã cung cấp trực tiếp nước uống đóng chai, lương thực thực phẩm cứu đói đến những hộ bị ngập nặng, chuẩn bị đủ lượng Cloramin B giúp người dân khử trùng nguồn nước sinh hoạt. Lực lượng xung kích xã được phân công đến các địa phương giúp dân xử lý môi trường.
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, những ngày qua các lực lượng cứu hộ cứu nạn đã di dời xen ghép và tập trung 1.300 người dân trên địa bàn đến nơi trú ẩn an toàn. UBND huyện đã trích ngân sách 200 triệu đồng mua 1.350 thùng mì tôm, 520 thùng nước đóng chai cứu trợ cho các vùng ngập lụt.
Theo ông Thạnh, hiện nay UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, các địa phương tập trung hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Đồng thời các lực lượng cứu hộ của huyện tiếp tục được huy động về các địa bàn ngập nặng giúp dân dọn vệ sinh, tu sửa nhà cửa, di dời gia súc gia cầm... giúp sớm ổn định cuộc sống.
Giúp dân dọn lũ Sáng 12.12, Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) và đoàn viên thanh niên Công an tỉnh đến giúp người dân phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ) dọn dẹp vệ sinh sau lũ.
Theo đó, 15 cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 270 giúp người dân dọn dẹp vệ sinh dọc theo tuyến đường Bạch Đằng, dọn dẹp nhà cửa và rác thải tại một số tuyến đường gần trung tâm phường. Gần 50 đoàn viên thanh niên Công an tỉnh dọn dẹp bùn đất, sửa sang vật dụng tại Trường Mầm non Vành Khuyên và Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai. (THANH THẮNG) |
HẢI CHÂU - QUỐC VƯƠNG