(QNO) - Hơn 2 năm qua, người dân sống tại khu tái định cư (TĐC) thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước (Phú Ninh) phải sống trong cảnh thiếu nước sạch vì nguồn nước ngầm tại chỗ bị nhiễm phèn, nhiễm bùn.
Khó khăn
Ngày nào ông Phạm Thuận (64 tuổi, khu TĐC thôn Thành Mỹ) cũng phải bỏ ra khá nhiều thời gian để đi xách nước về cho gia đình sinh hoạt. Bởi vì khu vực đất nhà ông đang ở không thể tìm kiếm được nguồn nước sạch nào. Năm 2015, gia đình ông được giải tỏa trắng di dời về khu TĐC này để nhường đất cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình ông phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt, bởi nguồn nước ngầm xung quanh nhà đều bị nhiễm phèn và bùn.
Muốn có nước sạch để sử dụng, người dân phải đi lấy nước ở khu dân cư bên cạnh. Ảnh PHAN VINH |
Ông Thuận chia sẻ: “Từ khi về đây, biết là khó tìm được nguồn nước sạch nên tôi quyết tâm khoan giếng sâu đến hơn 30m với tổng kinh phí 13 triệu đồng. Thế nhưng nguồn nước tìm được lại bị nhiễm phèn nên không thể dùng. Hai năm nay, ngày nào tôi cũng đến nhà người khác xin nước sinh hoạt, nếu họ khóa cổng đi vắng thì phải chờ tới tối mới xách nước được”.
Không chỉ riêng ông Thuận mà 13 hộ dân di dời đến tái định cư tại đây đều cùng hoàn cảnh tương tự. Khu TĐC thôn Thành Mỹ được đầu tư xây dựng trên 1ha đất ruộng, hệ thống điện, đường đều đầy đủ nhưng người dân sống tại đây lại gặp phải khó khăn lớn về nguồn nước. Nhà nào kinh tế khó khăn thì phải đi xách nước, còn những hộ khá giả hơn thì đầu tư lắp đặt một đường ống bơm nước dài vài trăm mét để kéo nước về nhà.
“Ở khu dân cư bên cạnh có một cái giếng khá lâu năm, tôi và hai hộ khác góp tiền đặt ống bơm nước về nhà sử dụng, tốn rất nhiều tiền. Chưa kể đến chuyện hư hỏng phải sửa chữa đường ống. Hơn nữa, cái giếng này chỉ có nước vào mùa mưa, nắng nóng kéo dài thì giếng sẽ cạn nên dù đầu tư hệ thống bơm nước nhưng chỉ dùng được trong thời gian ngắn rồi cũng lấy xô đi xách nước như người ta” - ông Nguyễn Đình Sơn (84 tuổi, khu TĐC Thành Mỹ) chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, nước từ những khu vực cách xa khu TĐC này tuy không có phèn nhưng lại hôi mùi bùn. Vì vậy, riêng việc sử dụng nước để nấu ăn hoặc uống đều phải mua nước đóng thùng. Trung bình mỗi hộ phải chi 50 nghìn đồng/tháng để mua nước về phục vụ ăn uống.
Cần có giải pháp lâu dài
Ông Vũ Thạch Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước cho biết, qua phản ánh về tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân khu TĐC Thành Mỹ, chính quyền địa phương cũng đã đến kiểm tra. Qua quan sát, nước được bơm lên từ nguồn nước ngầm trong khu vực này đều có màu vàng của phèn, ngoài ra còn có mùi hôi của bùn. Những phản ánh của người dân hoàn toàn có thực.
Lắp đặt máy bơm dẫn nước nhưng đến mùa khô giếng này cũng cạn. Ảnh PHAN VINH |
Công trình khu TĐC Thành Mỹ do Trung tâm Phát triển quỹ đất Phú Ninh làm chủ đầu tư, với diện tích hơn 1ha, được chia làm 18 lô đất nền dùng để bố trí cho 15 hộ dân. Tháng 6.2015, người dân bắt đầu đến xây dựng nhà ở và định cư tại đây. Khu TĐC đến nay có 13 hộ, vẫn còn 2 hộ chưa dọn đến. Nguyên nhân chính là các hộ đang ngần ngại vấn đề nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm bùn tại đây.
“Trong các buổi tiếp xúc cử tri với HĐND huyện Phú Ninh, chính quyền địa phương cũng đã phản ánh tình trạng thiếu nước sạch tại khu TĐC Thành Mỹ. Chúng tôi kiến nghị giải pháp đưa nguồn nước của Nhà máy nước Tam Phước về đây. Bởi vì hiện tại, nguồn nước này đã về đến Cụm công nghiệp Phú Mỹ, chỉ cách khu TĐC khoảng 800m” - ông Anh cho biết.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất Phú Ninh, trước khi bố trí tái định cư tại khu vực thôn Thành Mỹ, đơn vị đã mời Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường Quảng Nam đến thực hiện việc kiểm tra nguồn nước ngầm tại đây. Kết quả, nguồn nước có nồng độ pH, độ phèn thuộc giới hạn cho phép.
Mời bạn đọc xem video clip:
.
Theo ông Phan Đình Thiện - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Phú Ninh, cuối năm 2015, sau khi ghi nhận ý kiến của người dân phản ánh về nguồn nước tại khu TĐC Thành Mỹ bị nhiễm phèn, trung tâm đã tổ chức họp dân và đưa ra 2 giải pháp về tình trạng này để người dân lựa chọn. Thứ nhất, trung tâm sẽ cho xây dựng 3 giếng khoan công cộng nằm rải rác tại đây. Thứ hai, đơn vị sẽ hỗ trợ cho mỗi hộ số tiền 5 triệu đồng để mua máy lọc phèn. Và tất cả 13 hộ dân đã ký vào biên bản đồng ý nhận tiền để mua máy lọc nước.
“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, Tam Phước là xã điểm xây dựng nông thôn mới nên vấn đề đảm bảo nguồn nước sạch cho nhân dân tại đây sẽ được quan tâm. Huyện Phú Ninh đang chờ nguồn vốn dài hạn đề hoàn thiện, nâng cấp các tiêu chí nông thôn mới, trong đó có nước sạch. Ngoài ra thời gian tới, nguồn nước từ Nhà máy nước Tam Phước sẽ lan rộng ra các khu dân cư và trong đó có khu TĐC Thành Mỹ” - ông Thiện nói.
PHAN VINH - HẢI CHÂU