Khi các biện pháp cách ly được nới lỏng, các cấp chính quyền trong huyện Phú Ninh tập trung khắc phục hậu quả kinh tế, người dân địa phương sớm bắt tay lao động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.
Trở lại nhịp sống sôi động
Từ ngày 1.4 đến ngày 22.4, hàng trăm cơ sở buôn bán đồ ăn, thức uống trên địa bàn huyện Phú Ninh tạm dừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 2.000 lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cách đây hơn 1 tháng, ông Nguyễn Trường Giang (thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước) thuê mặt bằng tại khu vực chợ Cẩm Khê, xã Tam Phước với giá 3,5 triệu đồng/tháng và đầu tư gần 300 triệu đồng để mở quán cà phê - trà sữa Higi 2. Tuy nhiên mới khai trương được vài hôm thì quán phải đóng cửa chấp hành lệnh cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ. Sau thời gian chờ đợi, đến nay quán được mở cửa trở lại khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng khiến ông Giang rất phấn khởi.
“Gần 1 tháng qua tôi thường xuyên mất ngủ vì lo lắng. Vốn liếng tích góp bấy lâu đều dồn cả vào quán. Từ ngày 23.4 quán mở cửa trở lại, khách tới rất đông, tôi thấy rất phấn khởi. Tiếp tục thực hiện quy định về phòng chống dịch, quán chúng tôi bố trí các bàn đảm bảo khoảng cách an toàn, đồng thời bố trí dung dịch vệ sinh sát khuẩn ngay cửa ra vào để người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh” - ông Giang chia sẻ.
Tại thị trấn Phú Thịnh, bà Nguyễn Thị Lan (hộ bán hàng ăn) cũng vui mừng khi lệnh cách ly xã hội được nới lỏng, hàng quán được kinh doanh trở lại bình thường. Bà Lan nói: “Kinh tế gia đình 5 người phụ thuộc phần lớn vào việc bán đồ ăn sáng. Gần tháng nay buôn bán ế ẩm, mọi chi tiêu trong gia đình phải thắt chặt. May mắn là đến nay Nhà nước đã cho phép buôn bán trở lại, nên tôi đã trút được những lo lắng thời gian qua”.
Mặc dù việc buôn bán, kinh doanh được hoạt động trở lại, tuy nhiên UBND huyện Phú Ninh cũng chỉ đạo Đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 huyện và các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Qua đó kịp thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành việc tạm dừng một số hoạt động theo Quyết định 1170 ngày 22.4 của UBND tỉnh.
Triển khai nhiệm vụ cấp thiết
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Ninh cho rằng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và tinh thần đồng lòng chống dịch của nhân dân toàn huyện là sức mạnh để vượt qua thời điểm khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian đến, khi các biện pháp cách ly xã hội được nới lỏng theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, Phú Ninh không được lơ là, chủ quan phòng chống dịch. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận từ huyện đến cơ sở ngoài việc chống dịch cần tập trung chăm lo phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Trong đó cần quan tâm đến việc rà soát, chi trả và giám sát tiền hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho học sinh đi học trở lại; tiến hành tổ chức tốt đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy... Đồng thời, tiếp tục huy động xã hội hóa để thêm nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động, tiểu thương gặp khó khăn trong cuộc sống.
Một trong những nhiệm vụ cấp thiết thời điểm hiện nay là phải đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách người dân có hoàn cảnh khó khăn để sớm triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết huyện vừa có Công văn số 439 hướng dẫn, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn huyện. Theo đó, UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát, lập danh sách nhóm đối tượng được hưởng chính sách. Trước mắt, ưu tiên lập danh sách nhóm đối tượng: hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hoàn thành báo cáo về UBND huyện trước ngày 28.4.
Theo ông Ninh, danh sách các nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp khó khăn theo Nghị quyết 42 phải được niêm yết, thông báo công khai. Trên cơ sở danh sách do UBND cấp xã xác lập, Phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định, lập danh sách, lập dự toán kinh phí hỗ trợ, trình UBND huyện phê duyệt, báo cáo UBND tỉnh và Sở LĐ-TB&XH trước ngày 30.4.2020.