Năm 2022 chính quyền huyện Phú Ninh triển khai nhiều giải pháp trọng tâm nhằm khôi phục kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Phấn đấu tăng thu
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của Phú Ninh đạt hơn 7.101 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch đề ra và tăng 10,13% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện ước đạt 150 tỷ đồng, bằng 83,65% dự toán HĐND huyện giao, bằng 97,24% so với năm 2020...
Các chỉ tiêu kinh tế chưa đạt kế hoạch do sụt giảm tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19; một số diện tích cây trồng không sản xuất được.
Trong khi đó, công tác lập thủ tục chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công 2021 còn chậm, công trình chuyển tiếp kéo dài chưa hoàn thành theo kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt kế hoạch, tồn đọng nhiều công trình chưa quyết toán…
Một số chỉ tiêu chủ yếu huyện Phú Ninh đặt ra cho năm 2022: giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,03%; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng 13,7%, trong đó giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thuần tăng 15,2%; giá trị các ngành thương mại, dịch vụ tăng 20%; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng; thu phát sinh kinh tế trên địa bàn tăng hơn 10% so với năm 2021...
Ông Huỳnh Xuân Chính - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, năm 2022, Phú Ninh xác định tiếp tục bám sát, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả phương hướng, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra.
“Trước tiên là tăng cường quản lý thu ngân sách, triển khai hiệu quả các biện pháp chống thất thu và tăng thu ngân sách, phấn đấu thu phát sinh tế do huyện quản lý tăng hơn 10%. Trong đó chú trọng các nguồn như thu nợ đọng thuế, kiểm soát và thu triệt để thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, hoạt động kinh doanh vận tải, đất công ích, đất nguyên liệu…” - ông Chính nói.
Tranh thủ vốn đầu tư
Năm 2022, Phú Ninh sẽ chú trọng đẩy nhanh công tác xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư Khu công nghiệp Phú Xuân theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp Hòa Bình, Tam Lộc, Tam Dân; hoàn thành thủ tục phê duyệt mở rộng Cụm công nghiệp Đồi 30.
“Huyện sẽ tranh thủ các nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng thu hút đầu tư vào các Cụm công nghiệp Chợ Lò, Phú Mỹ, Đồi 30. Phấn đấu năm 2022 có ít nhất 4 dự án đầu tư mới đi vào hoạt động” - ông Chính chia sẻ.
Cũng theo ông Chính, huyện đặt mục tiêu huy động có hiệu quả các nguồn lực để nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục làm việc với tỉnh tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các công trình giao thông ĐH14, ĐH15, khớp nối ĐH1 với Thăng Bình, và phục vụ triển khai các dự án trên địa bàn như nâng cấp, mở rộng quốc lộ 40B, vệt 52m quốc lộ 1A, xây dựng Ga Tam Thành, đường liên kết vùng miền Trung.
Xác định phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Phú Ninh sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi phù hợp, tăng quy mô và giá trị hàng hóa; phấn đấu tỷ lệ cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch đạt 87%.
Huyện khuyến khích các địa phương có điều kiện thuận lợi tiếp tục xây dựng cánh đồng mẫu, phấn đấu đạt khoảng 1.350ha cánh đồng cho thu nhập cao; tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất tập trung, có hiệu quả kinh tế cao như trồng rau tập trung tại Tam An, Tam Đàn, Tam Thành và nhân rộng ra các xã khác.
Phú Ninh khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cho một số nông sản có thế mạnh. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt trên 1.214 tỷ đồng, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác đạt 78,5 triệu đồng/ha.
“Năm 2022, Phú Ninh xác định quyết liệt tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai các dự án khai thác quỹ đất tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư. Đồng thời kiên quyết điều chuyển vốn đối với các công trình chậm tiến độ, dự án chậm khởi công. Thực hiện chi ngân sách phù hợp và tiết kiệm, có tính đến dự phòng cho tình huống phát sinh dịch bệnh” - ông Chính nói.