(QNO) - Với sự đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, chị em phụ nữ xã Bình Triều thành lập và duy trì nhều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cùng nhau vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Chị Vân bên cạnh máy tráng mì mua được từ nguồn vốn của tổ. |
Năm 1995, nhóm phụ nữ tại tổ 11, thôn Vân Tây bàn bạc xây dựng một mô hình giúp nhau phát triển kinh tế. Thực tế lúc bấy giờ nếu dựa vào nguồn vốn của một cá nhân thì sẽ không đủ điều kiện để mua phương tiện sản xuất. Vì thế 24 chị trong tổ chia thành 2 nhóm, mỗi nhóm 12 người hùn vốn bằng hình thức góp vàng. Cụ thể, mỗi gia đình tích góp, dành dụm từ thu nhập hằng ngày sao cho đủ một chỉ vàng để đúng vào ngày 10.5 và 10.10 (âm lịch) trong năm cùng nhau gom lại và xét cho 2 trường hợp nhận 12 chỉ vàng. Riêng những trường hợp ngặt nghèo, khó khăn đột xuất, dù chưa đến hạn nhưng các chị vẫn linh hoạt vận động để có được số tiền xoay sở. Theo đó, đầu năm 2011 các chị linh hoạt cho chị Trần Thị Lệ nhận tiền trước thời hạn để phẫu thuật khối u cho mẹ.
Qua 20 năm, các chị đã tích góp hơn 400 chỉ vàng, mỗi chị nhận gần 24 chỉ vàng. Từ mô hình này, các chị em phụ nữ xóm Cồn đã có nguồn vốn để sản xuất, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Năm 2003, chị Phan Thị Vân nhận 6 chỉ vàng từ nguồn tích vốn mở lò sản xuất bún và mì, đến năm 2010 chị đã thoát nghèo vươn lên hộ khá và tạo được công ăn việc làm cho 4 chị em khác trong tổ. “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện nghèo trong thôn, chỗ ở không ổn định. Nhờ các chị em góp vốn xoay vòng hỗ trợ để mua máy móc làm ăn, bây giờ cuộc sống đã khá hơn rất nhiều” - chị Vân chia sẻ.
Không có điều kiện để tích góp vàng như ở xóm Cồn, song các chị em phụ nữ ở tổ 20, thôn Phước Châu, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình lại có cách làm khác cũng mang lại hiệu quả cao. Đa phần người dân nơi đây sống bằng nghề nông và sông nước, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2015, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã Bình Triều, tổ đã thành lập Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”. Chị Nguyễn Thị Tám - Chủ nhiệm CLB nhận trách nhiệm vận động chị em dành dụm chi tiêu cộng với tiền chị đứng ra vay để mau bò giống phát triển kinh tế cho các hội viên. Theo đó, bò giống được giao cho gia đình khó khăn nhất, sau khi bò đẻ hai lứa bê sẽ tiếp tục chuyển sang gia đình khó khăn khác. Trong hai con bê, người nuôi được lấy một con, còn lại giao cho CLB tạo nguồn quỹ duy trì hoạt động.
Đến nay, nguồn vốn của CLB gồm 2 con bò nái và 17 triệu đồng, trao 6 con bê cho các thành viên. Ngoài ra, các chị em trong CLB còn thành lập “Quỹ tình thương” gồm 12 triệu đồng, từ nguồn vận động chị em phụ nữ đóng góp 10 ngàn đồng/tháng để giúp hội viên lúc khó khăn. Chị Nguyễn Thị Tám - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Sắp tới, CLB thành lập thêm “Quỹ khuyến học” nhằm động viên các cháu có thành tích tốt trong học tập, giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh khó khăn duy trì việc học”.
“Có thể thấy, các mô hình mà chị em xã Bình Triều thành lập và duy trì đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng nhằm giúp các hội viên phụ nữ có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống” - chị Mai Thị Lệ Sương - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Triều cho biết.
VĂN VIỆT - PHAN VINH