Những năm gần đây, nhiều hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc Giẻ Triêng (xã Phước Hòa, Phước Sơn) đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình thông qua sự trợ giúp từ nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Chị Hồ Thị Hồng Phong (thôn 6, xã Phước Hòa) là một hội viên tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ở địa phương. Như nhiều hội viên phụ nữ khác, những năm trước đây, gia đình chị Phong là hộ có mức thu nhập thấp, thuộc diện hộ nghèo. Được sự động viên, tuyên truyền, vận động của Hội LHPN xã, chị đã mạnh dạn vay vốn để kinh doanh. Với điều kiện đất đai rộng, nhà nằm sát đường 14E nên năm 2009, chị vay 15 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mở quán tạp hóa và quán ăn nhỏ cạnh đường. Ngoài ra, chị còn đầu tư nuôi bò sinh sản, trồng keo nguyên liệu và gia cầm trong vườn. “Ở trên này, không mấy người dám đi vay tiền đâu. Ai cũng sợ không có tiền trả nợ. Lúc nhận tiền mình rất run, sợ làm ăn không ra thì biết lấy tiền chi trả nợ cho nhà nước” - chị Phong kể.
Nhờ mạnh dạn vay vốn làm ăn nên chị Hồ Thị Hồng Phong (thôn 6, xã Phước Hòa) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: VINH ANH |
Nhờ chăm chỉ và chịu khó học hỏi, quán ăn và quán tạp hóa của chị Phong ngày càng có nhiều người lui tới ăn uống, mua sắm. Thời gian buôn bán cũng không bận lắm nên chị còn bàn với chồng nuôi thêm bò, gà vịt, trồng keo. Đến nay chị có trong tay 7ha keo nguyên liệu, 2 con bò cái sinh sản và một đàn gà vịt. Việc buôn bán thuận lợi nên thu nhập gia đình đều hơn, cuộc sống ngày một khấm khá. Năm ngoái gia đình chị Phong đã thoát được hộ nghèo. Mới đây, vợ chồng chị lại tiếp tục vay thêm 25 triệu đồng để đầu tư mở rộng quán ăn nhằm phục vụ tốt hơn cho khách hàng.
Hiện nay, Hội LHPN xã Phước Hòa (Phước Sơn) tiếp tục tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 54 hộ vay vốn để phát triển kinh tế với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, hội đã vận động và thành lập được 3 nhóm góp vốn quay vòng với số tiền hơn 300 triệu đồng, giúp 34 chị góp phần vào việc phát triển kinh tế gia đình… |
Chị Phong khó một thì chị Hồ Thị Hạnh (thôn 6, Phước Hòa) còn khó mười. Theo chị Hồ Thị Thiên - Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Hòa, chị Hạnh và chồng là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, cả hai đều là con mồ côi, đến với nhau bằng sự đồng cảm. Cuộc sống lúc mới cưới nhau quá khó khăn, cộng thêm việc phải nuôi 3 đứa con nên cảnh nhà lúc nào cũng túng thiếu. Được sự giới thiệu của Hội LHPN xã, vợ chồng chị Hạnh mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi bò sinh sản. Ban đầu do thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên chị chỉ tập trung nuôi bò địa phương, vừa nhỏ lại chậm lớn. Sau này, chị đã biết thuê cán bộ thú y phối giống bò lai dưới xuôi và bò địa phương để tạo ra con giống tốt hơn, vừa lớn nhanh lại chống chịu bệnh tật tốt. Đến nay, đàn bò của gia đình chị Hạnh có trên dưới 10 con, cộng với vài héc ta keo nguyên liệu, đã giúp gia đình vươn lên thoát nghèo.
Chị Hồ Thị Thiên cho biết, Phước Hòa là xã được chia tách từ xã Phước Hiệp, toàn xã chỉ có 3 thôn, với 389 hộ, 1.210 nhân khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 96%. Hội LHPN xã có 3 chi hội với 290 hội viên. Bà con chủ yếu làm ruộng rẫy nên đời sống còn nghèo, tỷ lệ đói nghèo chiếm 59,69% (năm 2015). Nhiều phong tục tập quán lạc hậu chưa xóa bỏ hết, trình độ dân trí không đồng đều, nên việc tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ tham gia công tác hội, phong trào phụ nữ cũng như việc phát triển kinh tế giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự phát triển của xã hội, sự giao thương giữa miền núi và miền xuôi cùng với những chính sách hỗ trợ từ nhà nước đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân miền núi, trong đó có chị em hội viên phụ nữ. “Nếu trước đây việc vận động hội viên phụ nữ vay vốn làm ăn rất khó thì nay, từ những gương thoát nghèo điển hình ở địa phương, chị em đã dám vay vốn để phát triển sản xuất. Từ chỗ chưa biết cách thức làm ăn, nhiều chị em phụ nữ đã dần áp dụng khoa học kỹ thuật, học tập cách làm, mô hình hay vào sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo” - chị Thiên nói.
VINH ANH