Với những cách làm hay, phụ nữ ở các khu vực di sản đã góp phần làm tăng thêm sức hấp dẫn của những vùng đất này.
Tỉ mỉ, tinh tế
Bà Trịnh Diễm Vy - Giám đốc Công ty Tổ chức sự kiện Hội An - một nữ doanh nhân khá thành đạt tại vùng đô thị cổ cho biết, bà luôn đặt yêu cầu rất cao về sự tỉ mỉ, tinh tế, cẩn thận và chăm chút. Đây là những đức tính thường xuất hiện ở người phụ nữ, và cũng là yếu tố khiến các hoạt động của họ phù hợp hơn với tinh thần di sản. “Hơn 80% số lượng người lao động của doanh nghiệp mình là nữ. Vì lẽ đó nên phụ nữ đóng vai trò lớn trong sự thành công của Vy” - bà Trịnh Diễm Vy nói.
Với chuỗi 6 nhà hàng ẩm thực và một khách sạn, thông qua các trang du lịch uy tín, trước đây hàng năm mỗi nhà hàng của bà Trịnh Diễm Vy đón hàng chục nghìn lượt khách. Trong thời gian khó khăn vì dịch bệnh, doanh nghiệp của bà Trịnh Diễm Vy đã tạo ra các chiến lược về sản phẩm để đáp ứng được thị trường khi kinh doanh trở lại.
“Chúng tôi chú trọng đến giá trị sản phẩm, giá trị sức khỏe của người tiêu dùng. Khi bệnh dịch qua đi, người tiêu dùng sẽ càng nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe. Cùng với đó, theo tôi, hiện tại nguồn lao động của Việt Nam mạnh về kiến thức lý thuyết nhưng thiếu về thực hành và các kỹ năng mềm, do đó tôi đã nghĩ đến các chương trình sáng tạo cùng hoạt động nghỉ dưỡng theo cách lồng ghép các kỹ năng tại khách sạn như sinh tồn, hội họa, nhiếp ảnh, team building... mục đích nâng cao chất lượng của lao động trẻ, trong đó có lao động nữ” - bà Trịnh Diễm Vy nói.
Tại Đô thị cổ Hội An, các hoạt động nhận diện, hiểu biết di sản thông qua chương trình trải nghiệm, khám phá, giới thiệu, giáo dục di sản... đều được thực hiện bởi những phụ nữ giàu sức sáng tạo.
Ông Tống Quốc Hưng - Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP.Hội An cho rằng, với năng lực của mình, phụ nữ Hội An đã góp phần rất lớn trong việc tạo sự chuyển biến tích cực về biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát huy giá trị nhiều sản phẩm du lịch tại địa phương.
Những ngày Hội An thưa thớt khách do ảnh hưởng của dịch Codid-19, cụ Ngô Thị Đại (80 tuổi) vẫn quảy gánh hàng rong quanh phố cổ. Khi nghỉ chân bên chùa Cầu và nhận thấy một nhóm du khách nội địa có vẻ muốn chụp hình với mình nhưng khá dè dặt, bà cụ liền xởi lởi mời họ lại chụp hình chung, đồng thời cho nhóm du khách biết điều này hoàn toàn miễn phí.
Cụ Đại chia sẻ: “Năm nay vắng khách, trái cây không bán được bao nhiêu nhưng mà mình gánh vòng vòng vậy quen rồi”. Ngoài cuộc mưu sinh, những gánh hàng rong của cụ Đại và nhiều phụ nữ khác dường như cũng đã trở thành nếp văn hóa của Hội An. Một chút hấp dẫn, một chút mộc mạc từ gánh hàng rong âm thầm bồi tụ thêm vẻ đẹp thâm trầm của di sản.
Phát huy giá trị truyền thống
Để đô thị cổ luôn giữ được diện mạo, không gian thanh bình cũng là cả một quá trình nỗ lực của cả hệ thống trong đó có dấu ấn đáng kể của phụ nữ. Thời gian qua, Hội LHPN thành phố đã xây dựng quỹ khởi nghiệp và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với trị giá hơn 1 tỷ đồng; tín chấp với ngân hàng chính sách cho hơn 2.000 lượt hộ vay; giới thiệu việc làm cho 1.227 chị em có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó là việc tích cực lan tỏa phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ ra đường, sạch từ sản xuất đến tiêu dùng”.
Thông tin từ Hội LHPN TP.Hội An, trong nhiều năm qua hội đã phối hợp cùng công an cơ sở giáo dục, cảm hóa hơn 100 trẻ em trở nên tiến bộ; bên cạnh đó các mô hình “Địa chỉ tin cậy” được phát huy giúp hòa giải thành công 167 vụ mâu thuẫn, bạo lực gia đình góp phần xây dựng thôn, khối phố yên vui, gia đình hạnh phúc. Phụ nữ Hội An còn góp phần chủ lực trong việc tuyên truyền, hành động nói không với túi ny lon, chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn với thông điệp “Phụ nữ Hội An tích cực phân loại rác tại nguồn vì thành phố sinh thái văn hóa” giúp đô thị di sản này trở thành một trong những hình mẫu tiên phong trong nỗ lực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong sáng tạo các giá trị văn hóa, những người phụ nữ có vai trò rất quan trọng. Sự khéo léo và tâm hồn nhạy cảm vốn dĩ của phụ nữ góp nên những sắc thái rất riêng trong việc sáng tạo ra các giá trị văn hóa tích cực cho mỗi cộng đồng. Chịu thương, chịu khó, chịu học hỏi mỗi ngày, những người phụ nữ ở các vùng đất di sản đã có nhiều sáng tạo đặc biệt để làm sống lại những giá trị văn hóa phi vật thể tại địa phương. Những câu hò, câu hát dân ca, những dấu ấn văn hóa truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ, từ chính những thành tâm với di sản của người phụ nữ...