Phụ nữ Nam Trà My giúp nhau thoát nghèo

PHÚ THIỆN 02/06/2021 09:02

Tích cực hỗ trợ, triển khai các mô hình phù hợp, những năm qua Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp ở huyện Nam Trà My đã làm chỗ dựa giúp hội viên vươn lên thoát nghèo.

Hội viên phụ nữ tham quan học tập mô hình chăn nuôi trâu bò của chị Hồ Thị Giang ở nóc Ông Ní, thôn 2, xã Trà Vân. Ảnh: P.T
Hội viên phụ nữ tham quan học tập mô hình chăn nuôi trâu bò của chị Hồ Thị Giang ở nóc Ông Ní, thôn 2, xã Trà Vân. Ảnh: P.T

Kiên trì thực hiện mô hình

Được Hội Phụ nữ xã Trà Vân (huyện Nam Trà My) tuyên truyền, vận động, nhiều năm trước chị Hồ Thị Giang, ở nóc Ông Ní, thôn 2, đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua hai cặp trâu giống.

Tận dụng lợi thế nguồn thức ăn sẵn có với hơn 5ha đồng cỏ tự nhiên và 3 tạ sắn thu hoạch mỗi năm, được chăm sóc chu đáo, đàn trâu phát triển rất nhanh. Từ số trâu ban đầu, chị Giang bán lấy vốn và tiếp tục tăng số lượng đàn. Sau thời gian dài kiên trì với mô hình chăn nuôi trâu bò, giờ đây chị Giang đã có trong tay đàn trâu bò với 12 con lớn nhỏ, kinh tế gia đình ổn định.

Cách khu dân cư mấy ngọn đồi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước “khối tài sản” khổng lồ vốn là niềm tự hào của người phụ nữ Ca Dong này. Không bỏ công chăn thả, không lo ngại dịch bệnh vì đàn trâu bò được nuôi tách biệt với các hộ khác, nhiều năm qua chị Giang xem đây là bí quyết để ổn định và phát triển kinh tế gia đình. “Vì đàn trâu, bò phát triển nhanh, không bị chết nên mỗi năm tôi có 1 - 2 con để bán, thu về hơn 40 triệu đồng” - chị Giang cho biết.

Những năm gần đây, gia đình chị Giang tiếp tục đầu tư mua đất canh tác, trồng thêm 7ha keo và hàng nghìn gốc quế Trà My, nuôi thả thêm gà, heo. Dù vậy chị vẫn duy trì số lượng đàn trâu bò ổn định mỗi năm, vì đối với chị, đây là nguồn vốn ổn định, hiệu quả và an toàn nhất.

Nhờ tư duy làm ăn cùng với sự chịu khó, cần cù lao động, từ hộ nghèo khó, gia đình chị Hồ Thị Giang đã vươn lên thoát nghèo từ rất sớm. Đến nay, chị đã có nhà cửa ổn định, con cái học hành đầy đủ cùng với một khoản tiết kiệm kha khá gửi tại ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Nhẹ - Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Vân nói, mô hình chăn nuôi của chị Giang từ lâu đã trở thành điểm sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn xã học tập. Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã tuyên truyền rộng rãi đến hội viên của 3 thôn trên địa bàn để nhân rộng mô hình.

Giúp nhau thoát nghèo

Bà Lê Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My cho biết, để giúp hội viên phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, Hội đã xây dựng dự án “Chăn nuôi dê sinh sản có chuồng trại” được UBND huyện phê duyệt với số tiền hơn 726 triệu đồng. Mô hình tạo điều kiện cho 22 hộ hội viên phụ nữ nghèo tại thôn 2, thôn 3 xã Trà Nam có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Hội phối hợp Phòng LĐ-TB&XH huyện mở 4 lớp mây tre đan và lớp dệt thổ cẩm cho lao động nữ tại các xã Trà Nam, Trà Vinh, Trà Tập, Trà Mai cho 170 học viên nữ, tổng kinh phí gần 480 triệu đồng.

“Đây là hoạt động nhằm khôi phục truyền thống văn hóa, hướng đến phục vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của địa phương gắn với sản phẩm thân thiện bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời kết nối các sản phẩm mây tre theo mẫu (giỏ đựng dược liệu) với cơ sở nhằm giúp phụ nữ tăng thêm thu nhập và có đầu ra ổn định cho sản phẩm” - bà Thúy chia sẻ.

Hội LHPN huyện cũng đã vận động hội viên phụ nữ trong độ tuổi lao động tiếp cận các thông tin về lĩnh vực đào tạo nghề, lao động việc làm trong nước, xuất khẩu lao động. Đến nay có 240 lao động nữ được đào tạo nghề sơ cấp, nghề dưới 3 tháng; số lao động được qua đào tạo làm tại các doanh nghiệp 130 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động hằng tháng khoảng 5,2 triệu đồng. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo xuống còn 37,37%.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phụ nữ Nam Trà My giúp nhau thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO