Tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của phụ nữ Quảng Nam được nhận diện qua những đóng góp của họ với hình ảnh, diện mạo ngày một năng động của quê hương...
Khẳng định vị thế
Theo bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, hiện phụ nữ chiếm 50,8 % dân số toàn tỉnh. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm đối với quê hương đất nước.
Đội ngũ nữ cán bộ, công chức, viên chức vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức, tự khẳng định mình ở từng vị trí công tác.
Tỷ lệ nữ tham gia bộ máy hoạt động của hệ thống chính trị các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước. Cán bộ nữ có trình độ thạc sĩ chiếm 27,5%, tiến sĩ chiếm 28%.
Ở lĩnh vực kinh tế, toàn tỉnh hiện có hơn 450 nghìn lao động nữ (chiếm hơn 48%). Đáng chú ý, trong năm 2023, số lượng nữ làm chủ sở hữu doanh nghiệp là 701 người (hơn 32%).
Chưa kể, phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong các tầng lớp phụ nữ phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án khởi nghiệp, sáng tạo và ý tưởng đoạt giải cấp vùng, cấp quốc gia.
“Từ những con số trên có thể khẳng định, dù ở lĩnh vực nào, phụ nữ Quảng Nam đã luôn nỗ lực, đóng góp tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo, góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày thêm giàu đẹp” - bà Đặng Thị Lệ Thủy chia sẻ thêm.
Thống kê trong những năm qua, các cấp hội LHPN tỉnh đã huy động nguồn lực, trao phương tiện sinh kế cho hơn 3.600 phụ nữ nghèo, khó khăn, yếu thế với tổng trị giá hơn 13,6 tỷ đồng để hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, số HTX có phụ nữ tham gia quản lý là 101.
Nhận diện thách thức từ phụ nữ tham chính
Tăng tỷ lệ nữ tham gia chính trị và nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước đang được quan tâm nhiều hơn. Ở Quảng Nam, tỷ lệ nữ tham chính hiện nay khoảng 30%. Câu chuyện nữ quyền luôn có nhiều trăn trở, kể cả tự nhận diện của phái nam.
Ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, giáo viên nữ trong toàn ngành hiện chiếm 78%, nhưng lãnh đạo nữ mới đạt 18,3% ở cấp trưởng, phó phòng.
“So với tiềm lực, nguồn lực đang có vẫn là vấn đề cần quan tâm. Thực trạng, quy hoạch lãnh đạo, rà soát quy hoạch, một bộ phận chị em ngại làm lãnh đạo, do làm ở vị trí này tốn thời gian, tốn công sức, nhiều việc, đã có những chị em xin rút khỏi quy hoạch. Do vậy, cần quan tâm, động viên chị em mạnh dạn nhận nhiệm vụ” - ông Phùng Văn Huy nói.
Từ người trong cuộc, bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính, chia sẻ: “Định hướng phát triển cán bộ nữ, chính sách dành cho cán bộ nữ cần phải được cụ thể trong từng giai đoạn, thời điểm cụ thể.
Thời gian qua, chính sách có những điều chưa rõ ràng, chỉ dừng lại ở tọa đàm, hội thảo, tuyên truyền. Do vậy, cần có những chính sách cụ thể, tác động đến phụ nữ, đi vào thực tế hơn, rõ nét hơn. Những chính sách nào thuộc về Trung ương thì cần có kiến nghị cụ thể.
Giai đoạn hiện nay, cán bộ nữ tham gia công tác quản lý, lãnh đạo tương đối nhiều, nhưng một số vị trí trọng tâm trọng yếu thì vẫn còn hạn chế, đâu đó vẫn còn những quan điểm phụ nữ không đủ điều kiện làm những việc khó, việc nặng. Nhưng thực tế không hẳn, do đó cần nhìn nhận hài hòa hơn về vai trò của phụ nữ so với nam giới trong xã hội”.
Đây cũng là điều được bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Trưởng ban thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đồng tình. Theo bà Lộc, hiện nay, cán bộ nữ có trình độ chuyên môn không thiếu, quy hoạch có, đào tạo có, nhưng bổ nhiệm thì không.
“Việc không bổ nhiệm thì không thể nói do cán bộ nữ được. Quy hoạch, đào tạo là một chuyện, nhưng việc cần quan tâm là bổ nhiệm.
Hiện nay, trình độ cán bộ nữ của Quảng Nam không thua kém địa phương nào, nhưng số lượng cán bộ nữ ở Quảng Nam còn rất hạn chế so với các địa phương khác. Hạn chế hiện nay là chưa khai thác được lợi thế của lực lượng phụ nữ khi tham gia các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội” - bà Lộc nói.
Quảng Nam đã có những vị trí lãnh đạo là cán bộ nữ nhưng chưa nhiều. Cần có những giải pháp cụ thể, quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ được thể hiện bản lĩnh, năng lực của mình là điều đặt ra.
Rà soát lực lượng cán bộ nữ trong diện quy hoạch chưa có vị trí cụ thể để cân nhắc bố trí cho phù hợp, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp vào năm 2025 được kỳ vọng để nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính ở Quảng Nam.
GIỮ LỬA VÀ TRAO TRUYỀN
Nghệ thuật dân gian và thủ công mỹ nghệ là nền tảng để Hội An xây dựng và gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu. Ở hai mảng này, dấu ấn của phụ nữ không hề nhỏ.
Làng gốm Thanh Hà luôn có những phụ nữ ngồi chuốt nặn, tạo tác sản phẩm thủ công. Họ thuần thục, có tay nghề cao, sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm. Cùng với người già, luôn có những chị em trẻ hơn tiếp nối lửa nghề, góp phần thổi luồng gió mới vào các sản phẩm truyền thống.
Chị Trần Thị Tuyết Nhung, một phụ nữ trẻ làm nghề gốm trong làng cho biết: “Khi lấy chồng về đây, gia đình đã làm nghề nên tôi được kế thừa nhiều bí quyết.
Bên cạnh sản phẩm truyền thống nồi niêu, tôi làm bình nghệ thuật; ngoài chuốt thủ công tôi còn tìm cách đắp, điêu khắc, đồng thời tham khảo, tìm kiếm thêm nguyên liệu mới trên internet để cách tân sản phẩm”.
Câu chuyện phụ nữ truyền nghề và giữ nghề không chỉ ở làng gốm. Hội An có hàng trăm phụ nữ gắn bó, trực tiếp lao động tại các làng nghề hoặc nghề truyền thống.
Từ làm sợi cao lầu, phở, tráng mỳ Quảng, làm bún, làm bánh, làm nước mắm đến các hoạt động trồng rau hữu cơ, làm đèn lồng, dệt chiếu, may mặc, thậm chí gia công nghề mộc… tất cả đều có bàn tay khéo léo của họ.
Ở lĩnh vực nghệ thuật dân gian, phụ nữ Hội An có công rất lớn trong chuyện bảo tồn. Họ là những người trực tiếp tham gia, biểu diễn các bộ môn nghệ thuật như hô hát bài chòi, dân ca, hò khoan, tuồng…
Các sân chơi nghệ thuật từ thôn khối phố đến xã phường, thành phố, đâu đâu cũng có bóng dáng các chị. Nghệ thuật dân gian cứ vậy được truyền từ đời này qua đời khác, tạo sức sống lâu bền.
Bà Phùng Thị Ngọc Huệ - nghệ nhân hát bài chòi ở phố Hội, nhiều năm cống hiến cho nghệ thuật dân gian địa phương. Giờ đây, tuổi nghỉ hưu, bà vẫn luôn hướng dẫn thế hệ trẻ tập luyện, trình diễn nghệ thuật bài chòi.
“Được bao nhiêu chúng tôi muốn truyền lại cho các em bấy nhiêu, để chúng ta giữ lửa loại hình nghệ thuật này. Đó là niềm sung sướng của những nghệ nhân như chúng tôi” - bà Huệ nói.
LÊ HIỀN