Phụ nữ Tam Kỳ phát huy tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp

PHAN VINH 27/08/2023 16:52

(QNO) - Sáng nay 27/8, tại làng sinh thái Cà Ban (thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc), Hội LHPN TP.Tam Kỳ tổ chức Ngày hội “Phụ nữ Tam Kỳ khởi nghiệp sáng tạo - Phát huy tài nguyên bản địa”.

Bà Nguyễn Thị Kim Yển - Chủ tịch Hội LHPN TP.Tam Kỳ phát biểu tại sự kiện. Ảnh: PHAN VINH
Bà Nguyễn Thị Kim Yển - Chủ tịch Hội LHPN TP.Tam Kỳ phát biểu tại ngày hội. Ảnh: PHAN VINH

Giữ văn hóa bản địa

Theo bà Nguyễn Thị Kim Yển - Chủ tịch Hội LHPN TP.Tam Kỳ, làng Cà Ban có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên; giá trị lịch sử - văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú. Nơi đây đất đai màu mỡ với những vườn cây trái tốt tươi, trĩu quả bên dòng sông Tam Kỳ hiền hòa, là điều kiện thuận lợi để xã Tam Ngọc đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp dựa vào cộng đồng.

Vì vậy, Hội LHPN TP.Tam Kỳ chọn Cà Ban để tổ chức Ngày hội “Phụ nữ Tam Kỳ khởi nghiệp sáng tạo - Phát huy tài nguyên bản địa”. Đây cũng là dịp để phụ nữ giới thiệu, kết nối sản phẩm khởi nghiệp, giao lưu ẩm thực địa phương gắn với sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, du lịch xanh và kết nối phát huy tài nguyên bản địa gắn với du lịch cộng đồng.

Sự kiện thu hút hơn 400 phụ nữ trên toàn TP.Tam Kỳ tham gia. Ảnh: PHAN VINH
Sự kiện thu hút hơn 400 phụ nữ trên địa bàn TP.Tam Kỳ tham gia. Ảnh: PHAN VINH

Tham dự ngày hội, ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho rằng, Cà Ban là một từ khóa mới trên bản đồ du lịch và khởi nghiệp. Tuy nhiên, nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là khởi nghiệp gắn với thế mạnh của địa phương.

[VIDEO] - Quang cảnh Ngày hội “Phụ nữ Tam Kỳ khởi nghiệp sáng tạo - Phát huy tài nguyên bản địa”:

“Đầu tiên, cần đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu Cà Ban, thậm chí là những sản phẩm nông sản liên quan tới Cà Ban. Bởi vì giá trị vô hình từ thương hiệu của vùng đất này sẽ cao hơn giá trị hữu hình, mang lại nguồn thu nhập kinh tế hiệu quả cho người sản xuất.

Đồng thời, cố gắng giữ đặc thù làng sinh thái cho Cà Ban. Có thể nơi đây sẽ phát triển cùng với tốc độ đô thị hóa chung của thành phố nhưng phải giữ được văn hóa bản địa. Văn hóa đó nằm trong cộng đồng, trong tri thức bản địa nên ngoài sự vào cuộc của chính quyền thì rất cần người dân chung tay xây dựng và gìn giữ” - ông Sinh đề nghị.

Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho rằng, Cà Ban cần gìn giữ tốt môi trường sinh thái. Ảnh: PHAN VINH
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho rằng Cà Ban cần gìn giữ tốt môi trường sinh thái. Ảnh: PHAN VINH

Khơi dậy giá trị Cà Ban

Ngày hội có chương trình giao lưu giữa lãnh đạo với các điển hình tham gia kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác và gương phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững nhằm tìm hướng đi cho các mô hình khởi nghiệp gắn với vùng đất Cà Ban.

Chương trình giao lưu tìm hướng đi cho các mô hình khởi nghiệp gắn với bản địa Cà Ban. Ảnh: PHAN VINH
Chương trình giao lưu tìm hướng đi cho các mô hình khởi nghiệp gắn với phát huy giá trị bản địa. Ảnh: PHAN VINH

Theo thông tin từ địa phương, danh xưng Cà Ban là tên của một người thôn nữ khai sinh lập địa vùng đất này - phía trên có núi, dưới có sông, phù sa bồi đắp quanh năm. Cà Ban đã có nhiều đặc sản nổi tiếng lâu nay như cây thuốc lá, chè xanh, gừng, mít...

Được nhiều người biết đến khi khởi nghiệp với thương hiệu “Nhàu Best One”, thời gian gần đây, chị Bùi Thị Tuyết Nhung còn là một trong những thành viên sáng lập dự án Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Cà Ban.

Chị Nhung chia sẻ, bản thân biết đến Cà Ban từ mong muốn mở rộng quy mô xưởng sản xuất nhàu. Nhưng vì cảnh sắc, sự thân thiện của bà con nông dân và cơ may gặp những người cùng chí hướng nên chị đã đầu tư làm du lịch ở đây.

Một góc Cà Ban tại vườn trái cây của Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Cà Ban. Ảnh: PHAN VINH
Vườn trái cây của Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Cà Ban. Ảnh: PHAN VINH

“Dự án bắt đầu triển khai trồng hoa, cây ăn trái, dược liệu và đã có những sản phẩm ban đầu bán ra thị trường. Nhưng điều tôi trăn trở hơn hết, là cùng với người dân nơi đây nâng cao giá trị thương hiệu Cà Ban, sau đó thực hiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Khi thương hiệu xanh - sạch - chất lượng có rồi, thì việc thương mại sản phẩm với giá trị cao là điều tất yếu” - chị Nhung nói.

[VIDEO] - Đại biểu tham quan các địa điểm du lịch ở Cà Ban:

Ông Nguyễn Thanh Yên - Chủ tịch UBND xã Tam Ngọc cho biết, Cà Ban hiện vẫn là con số 0, mọi thứ còn rất sơ khai. May mắn cho địa phương là những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người đã được thành phố hướng đến, quan tâm và đầu tư.

“Mọi định hướng phát triển đã có trong quy hoạch của thành phố, phù hợp với mô hình thôn nông thôn mới kiểu mẫu gắn với du lịch. Tuy nhiên, để đề án, quy hoạch thực sự phát huy hiệu quả thì cần sự chung tay của cộng đồng Cà Ban nói riêng và thôn Thọ Tân nói chung. Trong đó, đặc biệt là chị em phụ nữ, từ thực hiện chủ trương, tăng gia sản xuất, vận động, hưởng ứng các phong trào...” - ông Yên cho biết.

Tại ngày hội, UBND TP.Tam Kỳ tặng giấy khen 15 cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, chủ thể sản phẩm OCOP, gương phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

15 cá nhân, đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác là phụ nữ được UBND TP.Tam Kỳ tặng giấy khen. Ảnh: PHAN VINH
UBND TP.Tam Kỳ tặng giấy khen các tập thể, cá nhân. Ảnh: PHAN VINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phụ nữ Tam Kỳ phát huy tài nguyên bản địa trong khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO