Những năm qua, vấn đề tăng tỷ lệ nữ tham gia chính trị và nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước đã được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn. Ở Quảng Nam, tỷ lệ nữ tham chính hiện nay khoảng 30%. Nhân ngày Quốc tế phụ nữ, Quảng Nam Cuối tuần thực hiện một bàn tròn về vấn đề này. Và bao giờ cũng vậy, chuyện nữ quyền luôn có nhiều trăn trở, với cả những người trong cuộc...
Họ đã sống như thế
Từng có thời gian dài tham chính, ngoái nhìn ngày hôm qua, hẳn các chị không phải hối tiếc, bởi đã tận tâm tận sức cho mảnh đất này. Chuyện của họ, là kinh nghiệm không chỉ cho cán bộ nữ.
Lãnh đạo Hội LHPN khu vực Nam Trung bộ ký kết thi đua cụm. |
Bà Phạm Thị Minh Chiến – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam: Phải không ngừng phấn đấu
Phụ nữ tham chính luôn có nhiều thiệt thòi so với nam giới. Ngoài việc xã hội thì phụ nữ còn làm dâu, làm vợ và làm mẹ. Vất vả nhất là thời gian mới có con, lúc đó vừa phải chăm con vừa phải lo hoàn thành công việc mà tổ chức giao. Hầu hết thì phải sau 9 – 10 giờ đêm, tôi mới ngồi vào bàn làm việc để chuẩn bị công việc cho ngày mai. Tôi luôn nghĩ rằng, nếu người phụ nữ có sự nghiệp thành công, mà con cái, gia đình không hạnh phúc thì chưa trọn vẹn.
Tôi có gần 15 năm tham gia kháng chiến. Thời đó học rất ít vì không có điều kiện như bây giờ, đến 14, 15 tuổi đã nghỉ học tham gia kháng chiến. Nhưng cũng nhờ trải qua kháng chiến nên phụ nữ như chúng tôi được rèn luyện, thử thách nhiều. Bây giờ chị em được học cơ bản hơn trước, nhiều chị em đạt chuẩn về bằng cấp, nhưng nếu chỉ dựa vào kiến thức không thì chưa đủ, mà cái quan trọng là thực tế và biết lắng nghe. Điều này rất quan trọng với một người lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ nữ…
Việc quy hoạch cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ thì cần bình đẳng, phải có tầm nhìn xa, sớm phát hiện những cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực tốt để đưa đi đào tạo, chứ không phải đợi đến lúc họ lớn tuổi mới bố trí công việc thì cũng khó. Bố trí công việc thì cần sắp xếp từ thấp lên cao, từ cơ sở đi lên để cho họ có thời gian thử thách. Từ bản thân tôi cho thấy việc được trải nghiệm thực tế cơ sở là quan trọng với người tham chính, đặc biệt là phụ nữ. Như tôi cứ được tổ chức điều động liên tục, từ xã lên huyện, lên tỉnh rồi lại xuống huyện,… điều này đôi lúc cũng khiến mình mệt mỏi nhưng giờ nghĩ lại thì mới thấy hay. Khi được đi nhiều, trải nghiệm nhiều thì càng tạo điều kiện cho tôi được tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tế để ở một vị trí, nhiệm vụ nào mình cũng có thể hoàn thành.
Bà Hồ Thị Thanh Lâm - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Tìm nguồn cán bộ nữ vẫn còn khó
Tôi có một “hậu phương” vững vàng từ người bạn đời và gia đình nhà chồng. Tôi luôn biết ơn họ vì đã tạo điều kiện để tôi làm tốt việc Đảng, Nhà nước giao.
Ngay từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Nam đã quan tâm lãnh đạo công tác đào tạo và quy hoạch cán bộ nói chung và cán bộ nữ nói riêng, nhờ đó mà ngày càng có nhiều phụ nữ được đào tạo, bồi dưỡng và tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ đó, nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý ở nhiều lĩnh vực đã có sự tham gia của cán bộ nữ. Các cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị đã thể hiện và khẳng định được năng lực. Tuy nhiên, trong quá trình quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành đều vấp phải khó khăn trong việc tìm nguồn cán bộ nữ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tôi chỉ kể một vài nguyên nhân chính thuộc về công tác cán bộ trong tỉnh, cụ thể như chưa có những giải pháp và chính sách mạnh để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chưa mạnh dạn giao việc và luân chuyển công việc cho cán bộ nữ để họ có kinh nghiệm thực tế; nhiều lúc còn có biểu hiện sự thiếu tin hoặc thiếu ưu tiên bố trí cán bộ nữ đủ trình độ và năng lực vào vị trí chủ chốt. Mặc dù Sở Nội vụ của tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho hàng trăm cán bộ nữ, nhưng trong đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016... không thấy mục nào đề cập chính sách riêng đối với cán bộ nữ.
Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore, cơ quan lập pháp nào có tỷ lệ phụ nữ đông hơn thì các chính sách và luật pháp về bảo vệ con người và môi trường sẽ được thông qua nhiều hơn so với những cơ quan lập pháp có ít đại diện là phụ nữ. |
Tỷ lệ cán bộ nữ giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trên địa bàn tỉnh và tham gia HĐND các cấp còn thấp. Khó khăn của công tác tìm nguồn cán bộ nữ như đã nói ở trên, việc bố trí cán bộ nữ vào cấp ủy, thường vụ cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 để đạt tỷ lệ theo quy hoạch là điều không dễ, đó là chưa nói đến việc bố trí cán bộ nữ là lãnh đạo ở các sở, ngành. Lâu nay, Hội phụ nữ các cấp tham gia rất tích cực với cấp ủy trong việc quy hoạch, bố trí cán bộ nữ vào các chức danh chủ chốt của bộ máy Đảng, Nhà nước. Tôi nghĩ cuộc “chạy đua” này sẽ kéo dài trong nhiều năm nữa mới có thể đạt được mục tiêu, tuy nhiên Tỉnh ủy cần có ngay chương trình quy hoạch cán bộ nữ ở vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện. Theo đó phát hiện, lựa chọn, đánh giá và đào tạo cán bộ nữ giỏi từ cơ sở và giao việc cho họ một cách hiện thực; xây dựng các chỉ tiêu thật thực tế về đội ngũ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, tham gia vị trí lãnh đạo, quản lý trong các nhiệm kỳ tiếp theo.
Bà Nguyễn Thị Một - nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Nghị lực lắm mới làm được
Phải nghị lực lắm mới đóng tròn vai. Cái khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ấy, nói thì nói vậy thôi chớ nhiều khi phải bỏ việc nhà để lo việc nước cho tốt. Mặc dù hiện nay đã có nhiều thay đổi trong phân công lao động theo giới của các thành viên trong gia đình, nhưng trên thực tế phụ nữ vẫn làm chủ yếu các công việc trong gia đình. Do đó phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Điều này yêu cầu phụ nữ phải sắp xếp quỹ thời gian khoa học mới mong làm tốt mọi việc. Rồi phải tranh thủ thời gian để học tập để nâng cao trình độ, theo kịp nam giới. Phụ nữ làm lãnh đạo và quản lý giỏi thường ít hoặc không có thời gian quan tâm chăm sóc gia đình, nên nếu không được sự chia sẻ của các thành viên nhất là người chồng dễ dẫn tới hiểu lầm, gây nên mâu thuẫn trong gia đình, gây khó khăn cho sự phấn đấu của phụ nữ. Công việc cơ quan và việc gia đình đều đặt yêu cầu cao với phụ nữ. Nói chung phụ nữ làm lãnh đạo và quản lý phải vượt qua nhiều khó khăn áp lực, kể cả những rào cản về định kiến giới vẫn còn.
Thực tiễn đã chứng minh vai trò và sự đóng góp quan trọng của phụ nữ đối với sự tiến bộ, phát triển của xã hội. Với những điều kiện thuận lợi hiện nay, tôi tin chị em sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của quê hương; xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ. Điều làm tôi đau đáu chính là tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra và có chiều hướng tăng. Chị em bị bạo hành cả về tinh thần và thể xác. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng dường như chúng ta chưa tìm ra giải pháp rốt ráo cho vấn nạn này.
Đồng chí Trần Xuân Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy: Chuyển biến trong công tác cán bộ nữ
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã xác định công tác cán bộ là một khâu đột phá trong chiến lược phát triển của Quảng Nam. Trên cơ sở làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nên việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, trong đó có đội ngũ cán bộ nữ đã có những chuyển biến rõ nét. Theo thống kê, nhiệm kỳ 2010 – 2015, tại các xã, phường, thị trấn tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 25,5%, tỷ lệ tham gia cấp ủy chiếm 17,4%; tại các huyện, thành phố tỷ lệ cán bộ nữ chiếm 36,3%, tỷ lệ tham gia cấp ủy chiếm 11,5% và cán bộ nữ cấp tỉnh có tỷ lệ là 30,2%, tỷ lệ tham gia cấp ủy chiếm 7,2%.
Tỷ lệ cán bộ nữ ưu tú được tín nhiệm tham gia cấp ủy, thường vụ cấp ủy và các chức danh chủ chốt ngày càng tăng, góp phần tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nữ có điều kiện đóng góp khả năng, trí tuệ vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Tại các địa phương miền núi đặc thù như Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ các chức danh chủ chốt và đã có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Có thể khẳng định, thời gian qua, trong tất cả nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác cán bộ đều tập trung ưu tiên đối với cán bộ nữ. Vì vậy, đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh đã từng bước được trưởng thành, góp phần vào việc chuẩn bị tốt nguồn nhân sự tham gia cấp ủy, thường vụ cấp ủy và các chức danh chủ chốt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Căn cứ vào các văn bản quy định của Trung ương và của Tỉnh ủy về chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy triển khai thực hiện đảm bảo đúng yêu cầu, theo định hướng tăng tỷ lệ cán bộ nữ so với khóa hiện nay. Nơi nào chưa chuẩn bị đủ cơ cấu (nói chung) theo quy định thì tiến hành bầu cử cấp ủy ít hơn, số còn lại sẽ được bổ sung trong nhiệm kỳ mới, đảm bảo đạt chỉ tiêu cơ cấu theo quy định, trong đó đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ không dưới 15% và cần có cán bộ nữ tham gia ủy viên ban thường vụ cấp ủy. Qua báo cáo kết quả rà soát bổ sung quy hoạch cấp ủy và các chức danh chủ chốt ở ba cấp (xã, huyện, tỉnh), tỷ lệ nữ được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và các chức danh chủ chốt nhiệm kỳ 2015 – 2020 đều tăng hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể, ở cấp ủy xã tăng 5,4%, cấp ủy huyện tăng 5,6% và ở cấp ủy tỉnh tăng 10,07% so với nhiệm kỳ trước...
Vì sự tiến bộ phụ nữ
Nhiều năm qua, tổ chức Hội LHPN các cấp đã phát huy vai trò trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và tăng tỷ lệ nữ tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp.
Bà Trương Thị Lộc – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, với vai trò là tổ chức của phụ nữ, thời gian qua hội chủ động khai thác các nguồn lực từ các chương trình dự án, tổ chức và phối hợp với Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức các hội thảo, diễn đàn về công tác cán bộ nữ, gặp mặt các đại biểu lãnh đạo nữ, nữ trí thức, tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho nữ ứng cử viên HĐND các cấp. Đặc biệt, mở 6 khóa tập huấn cho 190 ứng cử viên tham gia lần đầu nhằm tạo điều kiện cho chị em rèn luyện kỹ năng cần thiết trong tiếp xúc cử tri, kỹ năng trình bày một cách thuyết phục, kỹ năng tuyên truyền vận động, giải thích, trả lời những chất vấn của cử tri giúp chị em tự tin khi vận động tranh cử.
Để góp phần nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia bộ máy lãnh đạo các cấp, Đảng Đoàn, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động, tích cực tham mưu đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền trong việc giới thiệu nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí bổ nhiệm, luân chuyển, chế độ chính sách cán bộ nữ, cán bộ hội. Đồng thời rà soát đội ngũ cán bộ nữ chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, trực tiếp làm việc với cấp ủy địa phương để thực hiện nhiệm vụ tham mưu đề xuất, giới thiệu nguồn nhân sự nữ cho Đảng; nắm bắt tình hình giới thiệu nữ tham gia cấp ủy ở cấp xã, huyện; phát hiện những khó khăn vướng mắc, thông tin kịp thời để Đảng Đoàn, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh có hướng đề xuất kiến nghị.
Đánh giá về những thuận lợi và khó khăn của phụ nữ Quảng Nam trong vấn đề tham chính, bà Lộc cho biết thêm, nhìn chung về đội ngũ cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua có phẩm chất chính trị vững vàng. Chị em luôn rèn luyện, giữ gìn và có phẩm chất đạo đức, lối sống tốt; trình độ, năng lực từng bước được nâng lên rõ rệt. Sự khéo léo trong điều hành công việc của cán bộ nữ tạo được không khí thoải mái, dân chủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Với phong cách giao tiếp giản dị, cán bộ nữ thường được quần chúng yêu mến, tin cậy. Đây là những điều thuận lợi, có khả năng điều hành và thích ứng trong quá trình hợp tác để đạt được yêu cầu nhiệm vụ. Một lợi thế nữa của nữ lãnh đạo là sự nhạy cảm, hiểu được tâm lý của đối tượng mà mình quản lý, có khả năng đồng cảm với các đối tượng cụ thể, biết chọn lựa để đưa ra những ý kiến có sức thuyết phục. Và trong các trường hợp cụ thể biết cư xử hợp lý hợp tình.
Tuy nhiên một số cán bộ nữ cũng còn tư tưởng an phận, bằng lòng với những cái hiện có, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên. Công việc của cán bộ nữ còn bị chi phối bởi gánh nặng sinh đẻ, nuôi con, phụ nữ dễ dàng hy sinh sự nghiệp để chăm lo gia đình. Vì vậy so với nam giới phụ nữ ít có điều kiện về thời gian để học tập, nâng cao trình độ. Đây cũng chính là một trong những cản trở đến sự thăng tiến của phụ nữ.
Bà Trương Thị Lộc cho rằng, cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành, đơn vị trong thời gian đến cần quan tâm hơn nữa trong việc bố trí sắp xếp đề bạc bổ nhiệm nữ cán bộ lãnh đạo và có những giải pháp khả thi để tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt 35 - 40%, các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ 30% trở lên, nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Gắn chặt giữa công tác quy hoạch, đào tạo và đề bạt bổ nhiệm, cần có quy định cụ thể trong các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có cơ cấu cán bộ lãnh đạo là nữ, các cơ quan đơn vị có từ 2 phó trở lên phải có 1 nữ. “Về phần Hội LHPN, chúng tôi sẽ chủ động, tích cực tham mưu, giới thiệu tạo nguồn cán bộ nữ cho Đảng. Nâng cao trách nhiệm trong nắm bắt tình hình tư tưởng, hỗ trợ, động viên cán bộ nữ khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Bên cạnh đó bản thân mỗi cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo quản lý phải năng động, tự chủ, sáng tạo, có khả năng tư duy nhạy bén, linh hoạt, có kỹ năng giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra”- bà Lộc nói.
Chuyện một nữ bí thư xã
Tốt nghiệp đại học và về công tác tại Huyện ủy Hiệp Đức, qua hai năm phấn đấu, chị Trần Thị Hằng (hiện là Bí thư Đảng ủy xã Quế Bình) được bổ nhiệm Phó Chánh văn phòng Huyện ủy.
Chị Trần Thị Hằng (giữa). |
Sinh năm 1984, nên thời điểm năm 2012, khi được điều động về làm Bí thư Đảng ủy xã Quế Bình, chị Hằng nhận về mình không ít nghi ngại lẫn… nghi ngờ. Bình tĩnh và cố gắng phát huy hết năng lực phục vụ công tác; cùng với sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ hưu trí ở xã, sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo huyện, một thời gian sau, nữ bí thư xã này đã chứng minh năng lực công tác, xóa tan những cái nhìn nghi ngại ở cơ sở. “Cực lắm chị ơi. Nhưng khó mấy cũng phải làm cho bằng được” - Hằng bộc bạch. Sau thời gian nghỉ thai sản, quay lại công việc, quần quật với việc của xã và chăm con mọn, Hằng sụt một lèo 11kg chỉ trong vòng 4 tháng. Điều đáng mừng là hiệu suất công việc tăng rõ rệt từng ngày. Kết quả hằng năm Quế Bình có 13,96% số đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 96,87% số chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, Đảng bộ xã 4 năm liền giữ vững danh hiệu “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu”. Trần Thị Hằng cho rằng, đó là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất của toàn đảng bộ, còn vai trò của mình chỉ nhỏ thôi. Nữ bí thư xã cho biết, ngày 8 và 9.3 này, Đảng bộ xã Quế Bình tổ chức đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Là đơn vị được tỉnh chọn thí điểm đại hội trực tiếp bầu Ban Thường vụ, Bí thư và Phó Bí thư Đảng ủy xã, để rút kinh nghiệm báo cáo với Trung ương Đảng nên mọi thứ phải được chuẩn bị chu đáo từ tháng 10 năm ngoái. “Mình đã dốc toàn sức lực để làm việc. Và mình tin, mình không phụ lòng mong đợi của mọi người”- Hằng nói. (P.H)
Thực hiện VINH ANH - NGUYÊN ĐOAN