Phụ nữ Thăng Bình: Giỏi việc nhà, việc nước

VIỆT NGUYỄN 04/12/2020 10:36

Thời gian qua, các thế hệ phụ nữ trên địa bàn huyện Thăng Bình không ngừng phấn đấu, phát huy trí tuệ, sáng tạo, khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh trao đổi với cán bộ xã Bình Tú về kinh nghiệm làm nấm. Ảnh:VIỆT NGUYỄN
Chị Nguyễn Thị Huỳnh trao đổi với cán bộ xã Bình Tú về kinh nghiệm làm nấm. Ảnh:VIỆT NGUYỄN

Làm kinh tế giỏi

Chị Nguyễn Thị Huỳnh (thôn Trường An, xã Bình Tú) là một trong những phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện Thăng Bình. Từ hai bàn tay trắng, chị mày mò học hỏi nghề trồng nấm bào ngư ở các địa chỉ trong và ngoài tỉnh. Để huy động vốn đầu tư mô hình, bước đầu chị vay mượn người thân và tiếp cận nguồn vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình. Từ nguồn vốn ban đầu này, chị triển khai mô hình trồng nấm và dần tích lũy để mở rộng đầu tư 3 trại trên địa bàn với tổng kinh phí hàng tỷ đồng.

Trung bình mỗi tháng, chị Huỳnh cung cấp ra thị trường 800kg nấm, thu được 40 triệu đồng, lãi gần 20 triệu đồng. Cơ sở sản xuất của chị đang giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ vậy, chị còn mở lớp dạy nghề làm nấm bào ngư cho chị em trong và ngoài xã, giúp nhiều gia đình phụ nữ vươn lên thoát nghèo. “Ở các đợt bão lụt vừa qua, gia đình tôi bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng do nấm bị hư, trại bị tốc mái. Không nản lòng, tôi càng quyết tâm đầu tư bài bản hơn cho nghề làm nấm bào ngư” - chị Huỳnh nói.

Bà Lê Thị Li - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Tú cho biết, thời gian qua, chính quyền, Mặt trận, các hội, đoàn thể ở địa phương đã tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững. Rất nhiều phụ nữ đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, như chuyên canh sản xuất rau màu, kinh tế vườn, mô hình vườn ao chuồng, chăn nuôi gia cầm, gia súc, tham gia phát triển nghề truyền thống, trong đó không ít phụ nữ có nguồn thu nhập bình quân hằng tháng hơn 20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, việc giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nông thôn đã được địa phương chú trọng triển khai. Hằng năm, huyện đều đào tạo nghề cho lao động nữ để tham gia các mô hình làm hương, làm mây tre đan, nấu ăn, chế biến hải sản, đặc biệt là tham gia làm việc ở doanh nghiệp (DN) thuộc các cụm công nghiệp trên địa bàn. Chính sách phát triển và hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên địa bàn đã tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển DN.

Khẳng định vai trò phụ nữ

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, phụ nữ ở 22 xã, thị trấn không chỉ là trụ cột trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, mà còn giữ nòng cốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn huyện có 41 nữ giám đốc DN trong tổng số hơn 200 DN đang hoạt động (tỷ lệ 20%); hơn 95% phụ nữ ở vùng nông thôn đã tiếp cận được vốn vay ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và nguồn tín dụng của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Trên địa bàn có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

Để trợ giúp phụ nữ, Thăng Bình đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Theo đó, công tác đấu tranh, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được các cấp, ngành quan tâm. Việc triển khai xây dựng các điểm tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, xây dựng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các câu lạc bộ về phòng chống bạo lực gia đình đạt kết quả đáng khích lệ. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 57 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, trong đó tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Thế Vân (xã Bình Quý), chị Nguyễn Thị Quế (Bình Trị), chị Mai Thị Hoa (Bình Phục), chị Trần Thị Xuân Vân (Bình Lãnh)...

Ông Nguyễn Xuân Vũ cho biết thêm, công tác quy hoạch, tạo nguồn, phát triển cán bộ nữ, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ nữ vào các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý được Thăng Bình quan tâm. Đội ngũ cán bộ nữ có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Điều này được khẳng định qua tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 20,86% (106/508 đồng chí), tăng so với nhiệm kỳ trước và vượt mức yêu cầu của Trung ương là 15%. Nhiều xã có tỷ lệ nữ trong cấp ủy cao như Bình Sa, Bình Triều, Bình Chánh, thị trấn Hà Lam. Ở cấp huyện, tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt 16,28%. Hiện nay, toàn huyện có 2 đồng chí nữ là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy. Ở cấp xã có 7 nữ Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở cấp xã là 97/578 đại biểu (tỷ lệ 16,78%), cấp huyện là 11/40 đại biểu (27,5%). Hiện nay, nữ cán bộ giữ chức vụ trưởng, phó phòng thuộc các cơ quan, đơn vị cấp huyện là 16/73 đồng chí (tỷ lệ 21,9%), nữ cán bộ chủ chốt cấp xã là 13/117 đồng chí (11,11%).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phụ nữ Thăng Bình: Giỏi việc nhà, việc nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO