Những đột phá trong công nghệ số mang đến cơ hội to lớn giải quyết thách thức để thế giới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có vai trò quan trọng của phụ nữ.
Web Foundation - tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho rằng các rào cản khiến phụ nữ và trẻ em gái không thể kết nối mạng như chi phí dữ liệu và thiết bị cao, kỹ năng công nghệ số thấp và các chuẩn mực xã hội hạn chế khiến các nước đang phát triển mất đi đóng góp khoảng 1.000 tỷ USD trong một thập kỷ qua. Sự tham gia tích cực của phụ nữ là rất quan trọng để định hình nền kinh tế và xã hội số bền vững, công bằng và bình đẳng.
Những năm qua, Liên hiệp quốc kêu gọi các chính phủ nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ số cho phụ nữ và trẻ em gái. Đây cũng là nội dung mà Liên hiệp quốc nhấn mạnh nhân ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) năm nay.
Ngày nay, nông dân trên toàn cầu khai thác thế mạnh của công nghệ thông minh từ cảm biến, máy bay không người lái cho khâu chọn giống, nguồn đất, chăm sóc cây trồng tưới tiêu, đến tiêu thụ sản phẩm, khắc phục tình trạng thời tiết khó lường, mang lại vụ mùa bội thu hơn, cải thiện thu nhập, từ đó trang trải kinh tế gia đình cũng như cung cấp nhiều hơn cho giáo dục con trẻ.
Như Ấn Độ bắt đầu triển khai các dịch vụ 5G nhằm tăng tốc độ internet và mở ra nhiều khả năng sử dụng công nghệ trong nông nghiệp hơn khi đến các vùng nông thôn.
Bà Arani - nông dân chuyên trồng cà chua tại bang Uttar Pradesh (Ấn Độ) cho biết: “Nhờ internet và thiết bị điện thoại thông minh, tôi có thể dễ dàng theo dõi từ thời tiết, kiểm tra chất lượng nguồn đất, theo dõi sức khỏe cây trồng để kịp thời xử lý sâu bọ, tưới nước và bón phân phù hợp, chống lãng phí, cho đến tiếp cận với khách hàng mà không cần qua trung gian.
Công nghệ đang tăng sức mạnh cho phụ nữ vùng nông thôn tham gia sản xuất thuận lợi hơn, thu nhập cải thiện rõ rệt. Vì thế, số lượng phụ nữ vùng nông thôn tiếp cận với công nghệ tăng càng khẳng định vị thế, vai trò của phụ nữ trong đời sống - kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số”.
Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á có thể tăng trưởng hơn 280 tỷ USD từ năm 2025 đến 2030 bằng cách tăng số lượng nhà cung cấp nữ trên các nền tảng trực tuyến, đồng thời cung cấp cho họ chương trình đào tạo và hỗ trợ tài chính tốt hơn.
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), phụ nữ chiếm một nửa số nhà cung cấp thương mại điện tử đang hoạt động ở Đông Nam Á. Trên nền tảng Lazada, khoảng 1/3 doanh nghiệp ở Indonesia và 2/3 doanh nghiệp ở Philippines do phụ nữ làm chủ.
Phó Chủ tịch IFC phụ trách châu Á và Thái Bình Dương Alfonso Garcia Mora nói: “Thương mại điện tử ở Đông Nam Á đang phát triển mạnh. Kể từ năm 2015, quy mô thị trường đã tăng gấp 3 lần và tiếp tục tăng mạnh nếu chúng ta đầu tư hơn nữa vào các nữ doanh nhân trên nền tảng thương mại điện tử”.
Tại Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), 56% sinh viên tốt nghiệp các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) và 77% tổng số nghiên cứu sau đại học thuộc về nữ giới.
Tờ Arabianbusiness cho biết, nhiều công ty có phụ nữ chiếm 30% vai trò lãnh đạo chứng kiến lợi nhuận tăng 15%. Chưa bao giờ có thời điểm tốt hơn để nhiều hơn phụ nữ UAE bước ra khỏi “vùng cấm” hòa nhập thế giới số, tạo ra sự khác biệt, đóng góp tăng trưởng cho khu vực và khẳng định hình ảnh, vị thế cá nhân nói riêng và nữ giới nói chung.