Phủ Tam Kỳ đầu thế kỷ 20

PHÚ BÌNH 14/08/2021 06:13

Vào đầu thế kỷ 20, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam được nâng lên thành phủ Tam Kỳ. Xã Tam Kỳ được chọn đặt làm phủ lỵ. Địa giới phủ Tam Kỳ lúc đó bao gồm vùng đất các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, một phần huyện Bắc Trà My và TP.Tam Kỳ ngày nay.

Ngã ba sông Tam Kỳ. Ảnh: PHÚ BÌNH
Ngã ba sông Tam Kỳ. Ảnh: PHÚ BÌNH

Từ huyện Hà Đông đến phủ Tam Kỳ

Thời các chúa Nguyễn, theo ghi chép trong sách Phủ biên tạp lục (soạn năm 1776), phần lớn xã thôn nằm trên vùng đất mà sau này trực thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam lệ vào địa bàn các thuộc như “thuộc Chu Tượng”, “thuộc Hà Bạc”, “thuộc Thương Nhân Hội Tân”… trong đó có “thuộc Liêm Hộ” là rộng nhất. Các thuộc đó, theo ghi nhận của Phủ biên tập lục, đều thuộc địa bàn của huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam.

Đến đầu thời Gia Long (1802-1820), địa bàn các thuộc vừa kể nằm trong phạm vi quản lý của huyện Hà Đông. Theo địa bạ thời Gia Long (lập từ khoảng năm 1807 đến 1814), huyện Hà Đông (thuộc phủ Thăng Hoa) lúc này bao gồm 4 tổng: Chiên Đàn Trung, Đức Hòa Trung, Vinh Hoa Trung, Tiên Giang Thượng và 4 thuộc: Chu Tượng, Hà Bạc, Hội Sơn Nguyên, Liêm Hộ.

Theo thống kê của ông Nguyễn Đình Đầu, chuyên viên nghiên cứu địa bạ ở TP.Hồ Chí Minh, các tổng và thuộc nói trên bao gồm 119 xã, 31 thôn, 3 phường, 2 giáp, 6 ấp, 3 tộc và 2 trại, trong đó có các xã, thôn địa đầu của huyện Hà Đông như Tà Mi (cực tây nam), Hòa Vân (cực nam - giáp Quảng Ngãi), Hòa Thanh, Tỉnh Thủy (giáp biển đông)…

Đến niên hiệu Thiệu Trị (1841 - 1848), khi phủ Thăng Hoa đổi tên thành phủ Thăng Bình, huyện Hà Đông vẫn thống quản các xã thôn như trước, lúc này địa hiệu đã đổi là “huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình”. Đến thời điểm này, một số xã thôn ở vùng phía đông (sau thuộc về huyện Hà Đông) vẫn nằm trong phạm vi quản lý của tổng Hưng Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, đó là các xã thôn Quảng Phú, An Hà, Ngọc Mỹ, Phú Thạnh, Tân An, Vĩnh Phước, Mỹ Cang, Thạch Tân.

Lỵ sở của huyện Hà Đông xưa đặt ở xã Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn Trung. Đây là một xã lớn, có diện tích công điền đứng hàng thứ tư ở vùng nam Quảng Nam.

Đến năm 1906, chính quyền thực dân phong kiến cho nâng huyện Hà Đông lên thành phủ Hà Đông. Ban đầu, phủ lỵ vẫn được đặt ở làng/xã Chiên Đàn. Không lâu sau, khi đổi tên thành phủ Tam Kỳ thì lỵ sở mới chuyển vào xã Tam Kỳ ở phía nam, cách lỵ sở cũ khoảng 5km.

Xã Tam Kỳ khá phát triển so với các làng xã lân cận. Ở đây có ngôi chợ Vạn tập trung hoạt động buôn bán đông đúc nhất, là nơi tập kết nguồn lâm thổ sản như quế, chè, tiêu cau, thuốc lá… của khắp vùng nguồn Tiên Phước, Trà My. Khi đặt Tam Kỳ làm phủ lỵ, người Pháp và chính quyền Nam triều đã cho xây dựng tại xã này nhiều cơ sở phục vụ hoạt động quân sự, hành chính, giao thông, kinh tế lớn: đồn (binh) Đại lý Pháp, phủ đường Nam triều, đồn Thương chính, nhà Dây thép, nhà Thương…. Đường sá trong phủ lỵ cũng được mở rộng để tiện đường lên ga xe lửa và lên vùng Trà My, Tiên Phước chuyên chở lâm sản về xuôi. Về sau còn mở cả một đường băng cho máy bay hạ cánh (gọi là Terrain d’aviation) ở xã Ngọc Thọ cách phủ lỵ Tam Kỳ gần 3km về phía nam.

Tuy mở mang nhiều, xã Tam Kỳ nói riêng và cả phủ Tam Kỳ nói chung vẫn chưa phát triển lắm so với đời sống làng xã của huyện Hà Đông trước đó. Điều đó từng được ghi nhận trong một bài thơ của bà Tạ Quang Diệm (thân mẫu Giáo sư Tạ Quang Bửu) - người từng theo chồng làm việc và cư ngụ ở Tam Kỳ: “Phải huyện Hà Đông cũ ở đây?/ Có đồn đại lý, có lầu Tây/ Nước sông Bàn Thạch quanh quanh chảy/ Ngọn núi Tùng Lâm lớp lớp xây/ Kim Đái đai vàng đâu chẳng thấy?/ Thạch Kiều cầu đá hãy còn đây!/ Sông Tiên nào thấy ông tiên tới?/ Bủa lưới giăng câu mấy chú chài!”.

Bài phú “Tam Kỳ phủ bách thập  bát xã”

Không chỉ bà Tạ Quang Diệm, có một Nho sĩ ở địa phương đã liệt kê tên 118 xã của phủ Tam Kỳ đầu thế kỷ 20 trong một bài phú rất nổi tiếng, đó là ông Trương Trọng Hoàng người xã Hòa Tây, tổng Chiên Đàn Trung. Ông này học giỏi, được tuyển vào ngạch học sinh học trường Huấn của tỉnh nên nổi tiếng trong dân gian với tên Học Hoàng.

Bài phú lưu lại của ông Học Hoàng, theo công bố của ông Nguyễn Q. Thắng trong cuốn “Tam Kỳ qua sóng phế hưng” (NXB Văn Học 2012) đã được “Ghi theo trí nhớ của ông Phạm Quang Toản (Tiệu), xã Tam Hải, huyện Núi Thành” (sđd tr.195). Trong dân gian vùng ven sông Tam Kỳ, có mấy vị cao niên hồi cuối thế kỷ 20 cũng nhớ một số đoạn trong bài phú này nhưng không đầy đủ.

Đây là bài phú chữ Nho rập theo cách của nhiều Nho sĩ xưa, liên kết các tên làng xã thành các câu đối biền ngẫu để nói lên một chủ đề nào đó. Ở đây, nội dung của bài phú là ca ngợi ông Lê Trung Khoản quê xã Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - một người đức độ, từng giữ chức Tri phủ ở Tam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20.

Theo thống kê của ông Nguyễn Q. Thắng, có 118 tên xã được ông Trương Trọng Hoàng nhắc đến trong bài phú của mình. Các xã đó nằm trong 7 tổng Tiên Giang, Chiên Đàn, Vinh Quý, Đức Hòa, Phú Quý, Đức Tân, An Hòa của phủ Tam Kỳ hồi đầu thế kỷ 20. Do phụ thuộc vào kết cấu thể phú nên những tên xã trong bài phú không liệt kê theo địa bàn từng tổng mà rải ra theo nội dung ý nghĩa nằm trong địa danh.

Ví dụ, ca ngợi tài trí, học vấn của người được tặng, tác giả Học Hoàng viết: “Công ký tài đa, công hựu phú mỹ/ Phẩm cách long bình, học vấn sung mỹ” (Ý: Ông đã lắm tài lại là người giàu nết đẹp/ Có phẩm cách của người cầm cân nảy mực, lại có học vấn cao minh). Trong câu này có ghi tên 4 ngôi làng Tài Đa (nay ở Tiên Phước), Phú Mỹ (nay ở Phú Ninh), Long Bình, Sung Mỹ (nay ở Núi Thành).

Hoặc câu khác: “An mỹ đông tây, cảnh vật hàm y đức bố/ Hòa thanh thượng hạ, phong ba cọng dẫn văn hà” (Ý: Đức độ của ông nổi tiếng khắp nơi/ Làng trên xóm dưới, thảy đều truyền tụng về sự cao đẹp của ông). Trong câu nầy, các làng An Mỹ Đông, An Mỹ Tây, Văn Hà (nay ở huyện Phú Ninh), Đức Bố (nay ở huyện Núi Thành), Hòa Thanh Thượng, Hòa Thanh Hạ (nay ở TP.Tam Kỳ) đều được đề cập. Tra hàm nghĩa chữ Nho các tên làng Đức Bố (nêu gương đạo đức) Văn Hà (ráng mây đẹp) có thể thấy tác giả bài phú không chỉ nêu tên làng qua việc ca ngợi một con người cụ thể mà còn muốn cho người đọc hiểu được về vẻ đẹp của tên làng mình.

Tiếc là bài phú được ghi theo trí nhớ nên có thể có đoạn bị sót. Vì vào thời điểm phủ Tam Kỳ vừa được thành lập (1906), số lượng thôn xã của phủ này đã hơn con số 118 (bách thập bát).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phủ Tam Kỳ đầu thế kỷ 20
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO