Phủ Tam Kỳ qua địa bạ và di cảo

LÊ THÍ 20/01/2023 09:32

(Xuân Quý Mão) -  Tên gọi phủ Tam Kỳ bắt đầu có từ cuối năm 1906 bao gồm vùng đất thuộc TP.Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Phú Ninh, Tiên Phước, một phần Bắc Trà My ngày nay. Trước đó vùng này là huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa (Thăng Bình), Quảng Nam.

Thành phố Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Thành phố Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

1. Xa hơn, đây chính là đất Chiêm Động của người Chiêm sáp nhập lãnh thổ Đại Việt sau chiến thắng của cha con Hồ Quý Ly vào năm 1402. 

Phan Khoang trong sách “Việt sử xứ Đàng Trong” cho biết: “Tháng 7, Hán Thương đem đại binh đi đánh Chiêm Thành…Vua Chiêm sai Bố Điền đến dâng một con voi trắng một con voi đen, phương vật và xin dâng đất Chiêm Động để yêu cầu rút quân… Họ Hồ chia đất Chiêm Động và Cổ Lũy làm 4 châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt lộ Thăng Hoa thống lĩnh 4 châu”. Châu Thăng sau thành các huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, châu Hoa là vùng đất thuộc huyện Hà Đông rồi phủ Tam Kỳ sau này.

Bản đồ huyện Hà Đông theo sách “Đồng Khánh địa dư chí”.
Bản đồ huyện Hà Đông theo sách “Đồng Khánh địa dư chí”.

 Sau cuộc Nam chinh của Lê Thánh Tông năm 1471, theo “Thiên Nam dư hạ tập”, vào năm 1490  hai châu Thăng và châu Hoa hợp nhất thành phủ Thăng Hoa. Phủ Thăng Hoa lúc này có 3 huyện Hà Đông, Lê Giang (Lễ Dương) và Hy Giang (Duy Xuyên). Danh xưng Hà Đông, tiền thân của Tam Kỳ bắt đầu từ đó.

2. Thử điểm qua một vài cuốn địa chí và di cảo để biết thêm sự thay đổi của vùng đất này qua các thời kỳ.

Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776, huyện Hà Đông trực thuộc phủ Thăng Hoa có 59 đơn vị gồm 27 xã, 30 vi tử và 2 nhiêu phu. Nhìn vào danh sách các làng xã này tôi lấy làm ngạc nhiên vì một số địa danh ngày nay lại nằm trong địa phận thị xã Điện Bàn như La Thọ, Bì Nhai, Hạ Nông, Câu Nhi….

Sách “Địa bạ Gia Long” viết trong thời kỳ 1812 - 1818, huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa có 4 tổng là Chiên Đàn, Đức Hòa Trung, Tiên Giang Thượng, Vĩnh Hòa Trung và 4 thuộc là Chu Tượng, Hà Bạc, Hội Sơn Nguyên, Liêm Hộ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã thống kê được huyện Hà Đông lúc đó có 119 xã, 31 thôn, 3 phường, 2 giáp, 6 ấp, 3 tộc và 2 trại. Tổng Chiên Đàn Trung gồm phần lớn vùng đất thuộc TP.Tam Kỳ ngày nay.

Lỵ sở của huyện đặt tại làng Chiên Đàn, nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh. Các xã, thôn địa đầu của huyện là Tà Mi (nay thuộc Bắc Trà My), Hòa Vân (Núi Thành), Tỉnh Thủy (Tam Thanh, Tam Kỳ).

Sách “Đại Nam nhất thống chí” viết dưới thời Tự Đức từ 1865 - 1882 không liệt kê số làng xã nhưng tóm lược một số nét về huyện Hà Đông: “Ở cách phủ Thăng Bình 33 dặm về phía nam, Đông Tây cách nhau 94 dặm, Nam Bắc cách nhau 70 dặm. Phía đông đến biển 13 dặm, phía tây đến Tranh giang giáp động Man 81 dặm, phía nam đến địa giới huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi 64 dặm; đời Trần đặt châu Hoa, đời Lê đổi tên hiện nay, lệ vào phủ Thăng Hoa, bản triều vẫn theo như thế. Lãnh 6 tổng, 224 xã phường, châu… Thành huyện chu vi 45 trượng, cao 5 thước mở hai cửa”.

Sách “Đồng Khánh địa dư chí” viết trong thời gian từ 1887 - 1890, huyện Hà Đông có ranh giới: Bắc giáp huyện Lễ Dương, nam giáp huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đông giáp Biển Đông, tây giáp Man động ở sông Tranh. Chiều bắc nam của huyện dài 77 dặm (44km), chiều đông tây dài 94 dặm (54km).

Huyện gồm 6 tổng, 223 xã, thôn, phường gồm: tổng Tiên Giang Thượng (55 xã, thôn), tổng Đức Hòa Trung (54 xã, phường ấp), tổng Vinh Quý Trung (48 xã, thôn ấp), tổng Chiên Đàn Trung có 31 xã thôn, tổng An Hòa  (21 xã, thôn, phường), tổng Phú Quý Hạ (14 xã, thôn, phường).

Từ năm 1842, huyện lỵ đã dời về thôn An Hòa xã Tam Kỳ thuộc tổng Chiên Đàn, cách lỵ sở cũ khoảng 5km (dấu tích hiện còn ở sau trụ sở UBND phường An Mỹ).

3. Tháng 7/1906 huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ không còn thuộc phủ Thăng Bình và sau đó vào tháng 3/1907 thì đổi thành phủ Tam Kỳ. Cũng trong thời gian này nhận thấy vai trò quan trọng của phủ Tam Kỳ, người Pháp đã cho thành lập Tòa Đại lý Tam Kỳ.

Năm 1916, sau cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội, người Pháp đã ra lệnh tách phần phía tây phủ Tam Kỳ để thành lập huyện Tiên Phước. Sách “Đại Nam thực lục phụ biên đệ thất kỷ” viết: “Trích các tổng thượng du của hai phủ Thăng Bình và Tam Kỳ đặt làm thành một huyện mới vì địa thế phủ Tam Kỳ kéo dài quản trị không hết”.

Có lẽ trong dịp này phủ Tam Kỳ cũng được tổ chức lại với rất nhiều thay đổi. Đến năm 1920, theo tạp chí của Hội Đô thành Hiếu cổ - Bulletin des Amis du Vieux Hue (dẫn lại của Nguyễn Phước Tương) thì phủ Tam Kỳ có 7 tổng với 157 xã: tổng Chiên Đàn (29 xã), An Hòa (18 xã), Phước Lợi (19 xã), Đức Hòa (21 xã), Đức Tân (19 xã),  Phú Quý (24 xã), Vinh Quý (27 xã).

Phủ Tam Kỳ tồn tại cho đến sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thì đổi thành huyện (1946 - 1954) rồi thành quận (1954 - 1975). Sau 1975 lại trở lại huyện như trước 1954 và tổ chức hành chánh  có nhiều thay đổi. Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay có mấy mốc thay đổi lớn như sau:

Năm 1962 dưới thời Việt Nam cộng hòa, tỉnh Quảng Nam được chia tách thành hai đơn vị hành chánh là Quảng Nam và Quảng Tín. Tam Kỳ lại phải cắt một phần ở phía nam để thành lập quận Lý Tín (Sắc lệnh số 162 NV ngày 31/7/1962).

Năm 2005, Tam Kỳ lại cắt 10 xã ở phía tây để thành lập huyện Phú Ninh (Nghị định số 01/2005/NĐ-CP ngày 5/1/2005).

Danh xưng Tam Kỳ từ 2005 đến nay là TP.Tam Kỳ chỉ gồm một phần rất nhỏ của phủ Tam Kỳ xưa.

Chỉ 2 năm sau ngày mang tên phủ Tam Kỳ, địa danh này đã nổi tiếng với “tiếng hô hùng khí” của Trần Thuyết và tiếng “dạ” của dân 7 tổng trong cuộc dân biến năm 1908 làm tên ác ôn Trần Tuệ phải chết khiếp trước uy lực của Dân quyền và 10 năm sau (1916) phủ Tam Kỳ lại “lừng danh” là nơi duy nhất trên cả nước thực sự xảy ra cuộc khởi nghĩa vũ trang của Việt Nam Quang phục hội.

Thành phố mang tên Tam Kỳ ngày nay tuy là một đô thị loại 2 nhưng chỉ chiếm chưa đầy 20% diện tích lãnh thổ ban đầu. Chính vì vậy thành phố đang phải giải quyết “hiệu ứng chiếc áo chật” cho một cơ thể đang phát triển!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phủ Tam Kỳ qua địa bạ và di cảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO