Thời văn minh hiện đại rồi nhưng vẫn có bóng dáng phù thủy lẩn khuất đâu đó với nhiều kiểu phù phép kinh sợ.
Rõ nhất là trong lĩnh vực thực phẩm. Các thành phố lớn đang cảnh báo liên tục về tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo. Sau vụ chấn động dư luận về chuyện 3.750 con heo sống bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào giết mổ tại lò mổ Xuyên Á (huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh), mới đây tại Đồng Nai, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện một cơ sở với khoảng 79 con heo sống được bơm nước và có dấu hiệu tiêm thuốc an thần trước khi đưa đi tiêu thụ. Ăn thịt heo thấm thuốc an thần chắc chắn con người cũng bị… loạn thần, còn miếng thịt mọng nước (bị bơm để tăng trọng lượng) sẽ khiến tháo dạ ra mật xanh mật vàng. Vậy nhưng còn khiếp hơn là heo bò bị bệnh chết thúi rồi mà người ta thui thành thịt xông khói, làm dăm bông, làm chả, xúc xích...
Cũng liên quan đến thịt heo, tại chợ Miếu Bông (Đà Nẵng), cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều quầy thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, có cả heo rừng được phù phép từ heo nái già. Từng có cơ sở ở Tam Kỳ dùng khò lửa thui heo nái cháy đen rồi chà, bắn lông “ba chấu” vào làm giả thịt heo rừng.
Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn xảy ra ở nhiều loại thực phẩm khác. Người ta “nuôi heo hai chuồng”, “rau hai luống” (để ăn và để bán). Trái cây ngâm ủ hóa chất không rõ nguồn gốc cũng nhiều. Mới nhất là vụ phát hiện Công ty TNHH Trần Phú đóng tại Điện Ngọc (Điện Bàn) dùng hóa chất tẩy trắng dừa rồi đem bán cho các nhà hàng, khách sạn.
Với các loại hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hay chứa chất cấm, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đầy rẫy. Năm rồi, đoàn kiểm tra liên ngành ở Quảng Nam đã phát hiện một số cơ sở thực phẩm còn tồn đọng hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ với 556 loại sản phẩm bị tiêu hủy của 420 cơ sở, chủ yếu là các mặt hàng như bánh, kẹo, sữa, nước ngọt... Đáng lưu ý là qua lấy mẫu phân tích thì có đến 190 mẫu thịt tươi có tổng số vi khuẩn hiếu khí vượt giới hạn cho phép; tại Hội An có 6 mẫu thủy sản mang kháng sinh cấm chloramphenicol, 5 mẫu chả có natri benzoat.
Thực phẩm tươi sống luôn là mặt hàng khó kiểm tra, kiểm soát nhất hiện nay. Ngoài những vấn đề về nhân lực thực hiện thì còn khó ở phương tiện kiểm tra. Nói nôm na là không có “kính chiếu yêu” sẽ khó phát hiện ra phù thủy với nhiều kiểu phù phép bằng hóa chất. Thực tế đang tồn tại nghịch lý đối với việc phát hiện thuốc an thần tồn dư trong thịt heo, hay các loại hóa chất trong thực phẩm khác bằng cách test nhanh rồi phải lấy mẫu để gửi đi kiểm tra và thường mất mấy ngày mới có kết quả. Trong trường hợp sẽ phải lưu kho toàn bộ thực phẩm đấy, rồi đem đi kiểm định mà không phát hiện dương tính, nghĩa là mặt hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thì có thể bị thương lái kiện ngược lại.
Do những cái khó trong kiểm tra, kiểm soát nên dù hàng năm vẫn phát động Tháng an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng tình hình không dễ cải thiện. Bởi để chống lại các loại phù thủy trong lĩnh vực này, không thể chỉ trông chờ giáo dục, tuyên truyền suông mà cần có công cụ phương tiện hữu hiệu và chế tài đủ sức răn đe.
C.B.L