Phú Trà - Phú Ninh: Dấu xưa còn lại

PHÚ BÌNH 12/11/2017 08:56

Thôn Xuân Phú, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh (xưa thuộc phạm vi xã Phú Trà, tổng Chiên Đàn, huyện Hà Đông) hiện còn những dấu tích thể hiện nhiều đặc điểm văn hóa của một ngôi làng cổ vùng nam Quảng Nam.

Dấu tích đình Phú Trà đã được công nhận di tích - đang chờ tu bổ. Ảnh: P.B
Dấu tích đình Phú Trà đã được công nhận di tích - đang chờ tu bổ. Ảnh: P.B

Dấu làng trong văn bản cũ

Cuốn sách xưa nhất có ghi tên địa phương này là sách Phủ biên tạp lục của học giả Lê Quý Đôn. Trong sách này, trước tên Phú Trà có ghi từ “vi tử” chỉ một đơn vị hành chính tương ứng với một thôn - địa hiệu này bắt đầu được dùng phổ biến ở phạm vi cai quản của các chúa Nguyễn hồi đầu thế kỷ 17. “Vi tử Phú Trà” được ghi “thuộc Nội phủ Kim hộ” - là một trong nhiều vùng quy tụ các hộ dân làm vàng, nộp thuế trực tiếp bằng vàng vào Nội phủ các chúa Nguyễn vào thế kỷ 17 - 18.

Địa bạ lập khoảng 1809 - 1816 thời vua Gia Long ghi bốn mặt giáp giới của xã (xưa còn gọi là “làng”) Phú Trà như sau: “Đông giáp núi, tây giáp xã Phú Xuân Trung, nam giáp thôn Trung Đàn, bắc giáp xã Trường Xuân”. Tứ cận ấy vẫn được giữ nguyên trong mô tả được ghi ở tập bản đồ lập vào khoảng các năm 1886 - 1888 được đính kèm trong sách Đồng Khánh địa dư chí. Tờ bản đồ do người Pháp lập vào đầu thế kỷ 20 cũng vẽ vị trí xã Phú Trà y như cũ với tứ cận là Dưỡng An (đông bắc), Trường Xuân (bắc), Ngọc Thọ (đông), Trung Đàn Hạ (nam), Đại Hanh (tây nam), Phú Xuân trung (tây). Các địa phương ấy nay là vùng giáp giới huyện Phú Ninh và TP.Tam Kỳ.

Điểm qua các thư tịch đó, có thể thấy, cũng như nhiều làng xã khác ở nam Quảng Nam, Phú Trà trước là một xã có đa số hộ làm vàng, sau chuyển sang làm nghề nông; vị trí địa lý - hành chính gần như không thay đổi qua nhiều thời kỳ trước tiền bán thế kỷ 20.

Tại nhà ông Lương Thôn, 78 tuổi ở Xuân Phú, hiện lưu một văn bản có xuất xứ năm Cảnh Hưng thứ 41 (1780) cho biết ông bà của ông Thôn đã từ một vùng đất có địa hiệu “Mỹ Cang trung phường, Biệt tải Chu tượng thuộc, Diên Khánh huyện, Điện Bàn phủ” đến định cư tại xã Phú Trà từ đầu thế kỷ 18. Địa hiệu này, tra trong sách Phủ biên tạp lục, tương ứng với vùng đất thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng thuộc vùng đông Tam Kỳ hiện nay. Theo gia phả tại nhà ông Thôn, tổ tiên của ông có gốc gác Thanh Hóa. Những tộc khác ở làng Phú Trà xưa như Phan, Lê, Trương, Cao, Hà… cũng đến từ nhiều nơi - đa số đến từ Bắc Trung Bộ. Tộc Phan được công nhận là tộc có nhiều thành viên đến khai phá làng Phú Trà sớm nhất. Trước năm 1945, sắc phong tiền hiền cùng những đạo sắc khác do triều đình phong tặng được rước cúng hàng năm ở đình làng. Sau thời gian chiến tranh, những bằng sắc ấy đã không còn giữ được.

Người làng Phú Trà xưa thường truyền câu “Hay chữ không bằng hay giữ” để nhắc nhở con cháu cố gắng gìn giữ những giấy tờ có liên quan đến gốc gác họ tộc, làng xã cũng như những dấu tích khác của làng. Nay, không nhiều nhà còn giữ được giấy tờ xưa nhưng những dấu tích văn hóa vật thể vẫn còn nhiều trên vùng đất này.

Những di tích hiện còn

Di tích bề thế nhất hiện còn là toàn bộ cấu kiện gỗ của đình làng. Cấu kiện này có lúc đã bị tháo dỡ và chất đống vì rui mè và ngói lợp đã bị hỏng nặng. Về sau, vào đầu thế kỷ 21, toàn bộ cột kèo đã được người làng dựng lại trên nền đình cũ - che phủ ba bệ thờ còn sót lại - y nguyên cấu trúc buổi đầu. Căn cứ vào tấm bảng gỗ còn lưu tên những người trong làng đóng góp vật liệu, được biết việc trùng tu đình làng Phú Trà được hoàn thành vào khoảng trước ngày mùng 6 tháng 6 năm Quý Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853). Nội dung được khắc trong tấm bảng gỗ này cho biết có 6 người chủ trì việc trùng tu là Khuyến thủ (người đứng đầu việc quyên góp) Phan Văn Tình, Lý trưởng Phan Văn Hòa, Hương mục Phan Văn Địch cùng các ông Phan Văn Diệu, Phan Văn Cương và Phan Văn Vịnh. Cùng với các ông ấy là dân trong xã. Điểm đặc biệt của lần trùng tu này là ở mỗi cấu kiện gỗ quan trọng đều có khắc tên người đóng góp. Một vị cao niên ở địa phương kể: “Cây được chọn để lấy gỗ dùng vào việc dựng đình phải là cây đang phát triển, thân cây phải liền lạc, không bị thối ung ở bất cứ vị trí nào. Phải chọn loại cây không thể bị mối xâm hại. Trước khi đốn cây phải róc một mảnh gỗ trên thân cây đem về nhờ thầy phong thủy bói xem có dùng được hay không rồi mới đẵn thành cột, thành kèo, trính, xuyên, đòn tay… dâng cúng”.

Mộ ông bà Trọng hiện nay ở thôn Xuân Phú xã Tam Thái.
Mộ ông bà Trọng hiện nay ở thôn Xuân Phú xã Tam Thái.

Bên hông chính điện và hậu tẩm của đình về phía đông là một miếu nhỏ trong đó có hai bài vị người dân trong làng được khắc trên một bia đá: một là của hương lão Nguyễn Văn Thâm sinh năm Nhâm Tý 1793, mất ngày 18 tháng 8 năm Ất Tỵ 1846 và một là của người con gái ông hương lão trên, chết vào tháng 9 năm Canh Tý 1841. Tra nội dung các dòng văn bia khắc phía bên trên hai tấm bài vị, biết vợ chồng ông Thâm (còn gọi là ông bà Trọng) là người giàu có trong làng, do không có con trai nối dõi nên hai vợ chồng đã lập chúc thư nguyện hiến cho làng Phú Trà toàn bộ ba sở ruộng trị giá tiền (rất lớn) là tám trăm ba chục quan, với mong muốn sau này người làng sẽ lấy hoa lợi từ số ruộng này thờ các vị thần làng và tổ chức lễ giỗ hàng năm cho ông và bà. Chính vì thế, vào thượng tuần tháng 8 hàng năm, làng Phú Trà tổ chức lễ giỗ trọng thể cho ông bà Trọng, toàn thể dân cư làng đều đến dự; lệ này vẫn còn giữ mãi đến đầu thập niên 1970.

Tấm bia có hai bài vị nói trên còn cho biết đến ngày 6 tháng 6 năm Quý Sửu (1853) người làng Phú Trà đã lợp ngói các tòa miếu vũ và nơi hội họp của làng (bổn xã sùng tu cái ngõa miếu vũ tịnh hương hội đường). Qua chi tiết này, có thể biết, đình làng Phú Trà đã có trước thời điểm năm 1853, quy mô có thể đơn sơ hơn sau khi trùng tu. Khá nhiều chi tiết được kể trong tấm bia thờ nói trên đã thể hiện nhiều nét đẹp của tập tục văn hóa làng Phú Trà xưa cần được tìm hiểu kỹ.

Mộ hương lão Nguyễn Văn Thâm và vợ là bà Nguyễn Thị Đăng cách vị trí đình làng Phú Trà khoảng 500 mét về hướng tây. Đầu mộ có một bài minh chữ nho khen ngợi đạo đức của hai vợ chồng; bài minh này thể hiện phong cách sáng tác thơ văn giản dị mà trang trọng của giới có học vùng huyện Hà Đông xưa. Gần song mộ nói trên có mộ của một phụ nữ họ Trương với tấm bia được lập vào tháng 6 năm 1865 ghi danh bà này là “lạc quyên nghĩa dân” (người dân có công lớn đóng góp vào việc nghĩa). Đây là tên gọi một loại biển ngạch do triều Nguyễn cấp để khen tặng những người dân ở các địa phương có đóng góp lớn vào việc từ thiện.

PHÚ BÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phú Trà - Phú Ninh: Dấu xưa còn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO