Dọc theo sông A Vương ở huyện miền núi cao Tây Giang, hàng loạt khu vực bị các phu vàng cày xới, khai thác một cách tràn lan. Trong số những người hành nghề đào đãi vàng ấy có không ít những em học sinh vì gánh nặng mưu sinh phải bỏ học để đi mót vàng…
Theo một số người dân sinh sống ở xã Lăng (huyện Tây Giang), việc đào đãi vàng diễn ra thường xuyên khiến nhiều đoạn sông A Vương biến thành những ao hồ lớn. Tranh thủ lúc công nhân của các doanh nghiệp đầu tư khai khoáng về xuôi ăn tết, nhiều học sinh tại địa phương này đã bỏ học đi đào đãi vàng những mong kiếm ít tiền về phụ giúp gia đình. Em Alăng Fal - học sinh đang theo học bán trú tại một trường THCS ở xã Lăng chia sẻ: “Tụi em đi làm vào ngày thứ Bảy, Chủ nhật, có khi phải bỏ học nhiều buổi để đi đãi vàng phụ giúp ba mẹ, được chừng nào hay chừng đó. Có những bạn vừa tan học buổi chiều là chạy ra sông đãi đến tối mịt mới về”.
Nhiều em học sinh bỏ học đi đào đãi vàng trên sông A Vương. |
Không riêng gì xã Lăng, tại A Tiêng - xã được xem là nơi có tình trạng khai thác vàng rất phức tạp, rất dễ bắt gặp cảnh các em tuổi còn đi học tham gia đào đãi vàng. Nhiều em còn mặc đồng phục đến trường sàng lọc vàng cám dưới sông. Các em chủ yếu mót vàng bên cạnh những khu vực khai thác lớn, dụng cụ rất thô sơ, chỉ với bộ “vàng cụ” gồm một cái xẻng và một cái máng bồn thay phiên nhau đào, đãi. Tìm được một chút vàng là biết bao mồ hôi, công sức đè nặng lên vai tuổi học trò. Tất cả vàng thu được các em đều bán dưới dạng thô với giá rẻ mạt hoặc đem ra đổi gạo mang về cho ba mẹ thổi cơm.
Một ngày ròng rã theo chân những “phu vàng nhí”, chúng tôi thấy công việc của các em không chỉ vất vả mà còn tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Được biết, thời gian qua đã có không ít em học sinh bị trượt chân rơi xuống hố đào vàng phải đưa đi cấp cứu. Ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang nói: “Tình trạng học sinh đi đào vàng diễn ra khá thường xuyên, chúng tôi đang vận động đến từng thôn bản để các em được tới lớp đều đặn hơn. Đây cũng là cách duy nhất, vì chúng tôi không thể thực hiện các biện pháp gắt gao, mạnh tay đối với học sinh thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vận động, khuyên nhủ lâu ngày các em sẽ chuyển biến về nhận thức chứ không thể chấm dứt hẳn tình trạng trên trong một sớm một chiều”.
Cuộc sống khó khăn, mót vàng có lẽ là cách mà các em học sinh Tây Giang có thể giúp gia đình vơi bớt phần nào gánh nặng cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, đó cũng chính là con đường dẫn đến nhiều hệ lụy cho các em trong tương lai sau này.
LÊ DIỆU - DUY THÁI