(QNO) – Những mảng đất trống do sạt lở hoặc ảnh hưởng của việc thi công công trình dọc đường Đông Trường Sơn, thuộc lâm phận Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn dần được phủ xanh bằng những giống cây bản địa, hình thành vùng đệm xanh, thiết lập “ngôi nhà” an toàn cho động, thực vật quý hiếm.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú. Trong đó, có nhiều loài thuộc diện nguy cấp nằm trong Sách Đỏ Việt Nam như hoàng đàn giả, kim giao, voi, chà vá chân xám, vượn má vàng Trung bộ, gà lôi trắng…
Thời gian qua, một số vụ cháy rừng và tình trạng sạt lở, thoái hóa đất trong lâm phận của khu bảo tồn này đã ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài vật.
Theo ông Phạm Công Thạnh – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn, việc phục hồi những diện tích đất trống nói trên trên là vô cùng cần thiết. Trong năm 2022, đơn vị sẽ trồng khoảng 30.000 cây xanh, tập trung vào các giống cây bản địa có khả năng tạo thu nhập cho người dân vùng đệm như ươi, giỗi xanh, lim xanh, chò nâu… Đợt ra quân đầu năm, đơn vị đã trồng 10.000 cây dọc tuyến Trường Sơn Đông.
“Hiện nay, chúng tôi đang ra quân trồng 6.000 cây lim xanh và giỗi xanh từ nguồn giống của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam hỗ trợ. Với những giống cây bản địa, cộng với thời tiết mưa giông sẽ thuận lợi cho các loài cây phát triển tốt, phủ xanh diện tích đất trống trong thời gian tới” – ông Thạnh chia sẻ.
Bên cạnh công tác trồng rừng, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn đang phối hợp tốt với các ngành chức năng, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân. Qua đó, đảm bảo môi trường an toàn cho các động, thực vật sinh sôi, phát triển.