Đã qua rồi cái thời phát triển bằng mọi giá, giờ đây trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế địa phương, Quảng Nam đang hướng đến chất lượng và giá trị tăng trưởng xanh. Ngoài nỗ lực “phủ xanh” môi trường sản xuất công nghiệp, địa phương cũng hạn chế đến mức thấp nhất các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Thân thiện với môi trường
Từ một điểm nóng về môi trường, đến nay Khu công nghiệp (KCN) Ðiện Nam - Ðiện Ngọc đã “lột xác” thành một KCN kiểu mẫu về bảo vệ môi trường. Ðiều này thể hiện nỗ lực không ngừng của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và nhất là chủ đầu tư (Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Ðà Nẵng). Trước đây, với hàng chục nhà máy tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc khi đi vào hoạt động đã thải ra hàng trăm mét khối nước thải chưa qua xử lý mỗi ngày, gây bức xúc cho nhân dân vì môi trường sống bị ô nhiễm. Thế nhưng môi trường ở đây đã được cải thiện từ khi dự án nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động. Hiện 35 nhà máy đang hoạt động tại KCN thải nước ra đã được nhà máy thu gom và xử lý triệt để trước khi đổ ra môi trường bên ngoài, đảm bảo xử lý tất cả lượng nước thải của KCN. Song song với việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải, Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Đà Nẵng còn đặc biệt chú trọng việc tạo môi trường xanh, sạch đẹp ngay trong khuôn viên của KCN. Một hệ thống cây xanh đồng bộ đã được công ty cho trồng trên tất cả đường dẫn vào các nhà máy. Với phương châm nhà máy xây dựng tới đâu cây xanh được trồng đến đó, đến nay KCN Điện Nam - Điện Ngọc được xem là một trong số ít KCN có mật độ cây xanh cao nhất ở miền Trung. Việc đảm bảo môi trường được công ty xem là tiêu chí hàng đầu để tiếp nhận các nhà đầu tư.
![]() |
Cù Lao Chàm sử dụng điện từ dự án năng lượng sạch. |
Cùng với KCN Điện Nam - Điện Ngọc, mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai đã đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống thu gom và xử lý nước thải KCN Bắc Chu Lai giai đoạn 1. Công trình có công suất 1.900m3/ngày đêm, hệ thống đường ống thu nước thải có chiều dài 5.600m với vốn đầu tư 43 tỷ đồng. Toàn bộ dây chuyền nhà máy được xử lý tự động với công nghệ tiên tiến, tích hợp công nghệ xử lý hóa - lý, vi sinh và xử lý bùn cặn đã được áp dụng thành công tại nhiều KCN trong nước và giải quyết kịp thời nhu cầu bức xúc về xử lý nước thải, chủ yếu là nước thải sinh hoạt của 15 nhà máy đang sản xuất trong KCN. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Quản lý KKTM Chu Lai Huỳnh Khánh Toàn, nhà máy xử lý nước thải KCN Bắc Chu Lai là nhà máy xử lý đầu tiên tại KKTM Chu Lai đi vào vận hành, đã góp phần phát triển bền vững KKTM Chu Lai. Hiện nay, Ban Quản lý KKTM Chu Lai đang xúc tiến triển khai đầu tư nhà máy xử lý nước thải tại KCN Tam Hiệp với công suất 2.500m3/ngày đêm.
![]() |
Quảng Nam đang ưu tiên các dự án công nghệ cao, ít ảnh hưởng đến môi trường. |
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng hiện các KCN trên địa bàn của tỉnh đã cấp phép 114 dự án đầu tư (trong đó có 29 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đăng ký trên 1.572 triệu USD và 2.362 tỷ đồng, với diện tích thuê đất hơn 649ha, giải quyết việc làm cho hơn 33 nghìn lao động địa phương... Những kết quả đó cho thấy môi trường và chính sách thu hút đầu tư tại KKTM Chu Lai và các KCN gần đây đã được cải thiện. Hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng KCN được đầu tư đồng bộ hơn. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã góp phần hình thành diện mạo mới cho KKTM Chu Lai như cầu Cửa Đại, 3 tuyến đường cứu nạn cứu hộ ven biển, đường Thanh niên ven biển, đường Nguyễn Văn Trỗi nối dài KCN Tam Thăng, đường trục chính qua KCN Tam Hiệp, cảng Tam Hiệp, khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc, dự án mở rộng quốc lộ 1 Tam kỳ - Núi Thành, khởi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... Các dịch vụ tiện ích phục vụ đầu tư như cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc không ngừng hoàn thiện. Các thủ tục đầu tư được hỗ trợ đến mức cao nhất, trình tự đầu tư được tiến hành đơn giản và thuận lợi nhất đã tạo dựng được niềm tin của nhà đầu tư trong thời buổi khó khăn của nền kinh tế toàn cầu.
Chiến lược tăng trưởng xanh
Thời gian qua, Quảng Nam từ chối khá nhiều dự án đăng ký đầu tư vào KKTM Chu Lai và KCN Điện Nam - Điện Ngọc có nguy cơ ảnh hưởng môi trường trong cộng đồng. Trong đó có 2 dự án xin đầu tư xây dựng 1 nhà máy thép và 1 nhà máy nhiệt điện tại KKTM Chu Lai với tổng vốn của mỗi dự án không dưới 1 tỷ USD. Với chủ trương đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư nhưng không thể thu hút bằng mọi giá nên Quảng Nam đang hạn chế đến mức thấp nhất các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường và làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây, Quảng Nam hội tụ nhiều điều kiện về tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh, có cơ hội lớn để phát triển kinh tế toàn diện, hiện đại và có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng. Là địa phương có 2 di sản văn hóa thế giới, 1 khu bảo tồn sinh quyển và nhiều di tích lịch sử, văn hóa, với bờ biển dài 125km được xem là cơ hội, tiềm năng lớn để Quảng Nam phát triển du lịch và hướng đến phát triển ngành công nghiệp giải trí. Để tăng trưởng đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, những năm qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường theo hướng đầu tư tăng trưởng xanh. Trong đó, ưu tiên công tác lập quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch làm nền tảng cho tăng trưởng xanh và các dự án động lực tạo bước đột phá phát triển kinh tế; đặc biệt là các dự án công nghệ cao cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để từng bước hình thành và phát triển kinh tế tri thức; chú trọng giải pháp cơ cấu ngành và địa phương theo hướng tăng trưởng xanh...
ĐẶNG HÙNG