Phủ xanh rừng

TRẦN HỮU 22/12/2012 15:13

Các địa phương miền núi, trung du đang trong giai đoạn tăng tốc để phủ xanh đất trống đồi trọc cho kịp tiến độ. Chưa bao giờ không khí trồng cây gây rừng lại sôi động như năm nay.

Lợi ích kép

Người miền núi luôn hưởng lợi từ tài nguyên rừng. Họ có thể khai thác lâm sản phụ trong rừng, tận dụng diện tích đồi núi hoang trọc để trồng rừng, có thù lao nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng khi nhà nước giao... Các nghị quyết, chương trình hành động phát triển bền vững miền núi cũng lấy kinh tế rừng làm bước đột phá, mũi nhọn. Năm nay, người dân “thong thả” trồng rừng phân tán do ít bị áp lực từ các dự án, chương trình trồng rừng của nhà nước và các tổ chức khác. Vì thế, nhiều nơi chuẩn bị sớm các khâu chọn giống chất lượng, phát dọn thực bì, thuê nhân công...

Thu hoạch keo.Ảnh: H.PHÚC
Thu hoạch keo.Ảnh: H.PHÚC

Ở Tiên Phước, thời gian qua, đa số các xã hưởng lợi trồng rừng dự án 661, WB3, FAO, Jibic... Lần đầu tiên, đồng bào Co trên địa bàn xã Tiên Lập được tiếp cận mô hình trồng cây mây, tạo sinh kế lâu dài. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tiên Lập, Tiên An còn được Nhà nước cấp gạo trồng gần 40ha rừng trong chương trình trồng rừng thay thế nương rẫy. Nghề rừng đã giúp cho bộ phận lao động làm thuê khắp nơi phải quay về địa phương làm công việc phổ thông như trồng, phát dọn thực bì, vận chuyển cây... Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Tiên Phước cho biết, gần 2.000 hộ trên toàn huyện vào “biên chế” nghề trồng rừng và khai thác lâm nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, hạn chế tình trạng tác động vào rừng tự nhiên... Phó Chủ tịch UBND huyện – ông Lê Trí Hiệu khẳng định, mùa vụ này huyện phủ xanh 1.761ha, vượt gần 200ha kế hoạch năm, chủ yếu nhân dân trồng rừng phân tán. Trong khi nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác gặp khó khăn, thì kinh tế rừng vẫn đứng vững. Gỗ rừng trồng năm 2012 khai thác gần 158 nghìn tấn.

Trong kế hoạch bảo vệ và phát triển vốn rừng, đến nay toàn tỉnh quản lý 24.000ha, khoanh nuôi bảo vệ 14.619ha. Dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ trồng hơn 4.600ha, dự án phát triển ngành lâm nghiệp (WB3) trồng gần 6.000ha. Theo kế hoạch, mùa trồng rừng năm nay, toàn tỉnh trồng mới 4.333ha rừng sản xuất, 835ha rừng phòng hộ và 850ha cây cao su đại điền. Gieo ươm hơn 4 triệu cây con phục vụ kế hoạch trồng rừng năm 2012.

Ngược lên miền cao Bắc Trà My, Hiệp Đức, Đông Giang..., những ngày này thường thấy xuất hiện các loại xe tải nặng nhẹ chuyên vận chuyển cây giống phục vụ mùa trồng rừng và cả các “chợ di động” bày bán cây con. Cây giống len lỏi khắp bản làng xa xôi, thời điểm cuối năm trở thành mặt hàng bán “chạy” nhất ở miền núi. Trong những ngày đông, với thời tiết mát dịu, người dân “xứ vàng” Phước Sơn hối hả trồng rừng. Trên những đỉnh núi cao chót vót ở vùng thấp của huyện như xã Phước Hiệp, Phước Năng, Phước Xuân..., các khoảnh rừng vừa thu hoạch xong là người dân triển khai phát dọn thực bì, giúp gốc tái sinh và đào lỗ đặt cây giống xuống. Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp – Trần Thị Bích Xinh phấn khởi: “Khác hẳn với trước đây chính quyền phải đi thuyết phục, vận động nhân dân nhận đất trồng rừng... thì bây giờ chính họ lại xin thuê đất trồng cây. Bao quả đồi cao ngất, không ai dám bén mảng đến thì nay đã được che phủ”.

Chú trọng chất lượng

Gần đây, các dự án trồng rừng từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhanh chóng do nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Cơ chế quản lý và các chính sách liên quan đến phát triển vốn rừng đã từng bước đổi mới, phù hợp hơn với chủ trương xã hội hóa về lâm nghiệp. Mặc dầu đẩy mạnh phong trào trồng rừng là hướng đi phù hợp của miền núi hiện nay nhưng không vì thế mà phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch. Nếu không có cảnh báo, dự báo về tiềm năng lẫn rủi ro của thị trường, thì hậu quả sẽ rất khó lường. Thực tế, có một thời gian cây keo nguyên liệu bị ép giá, nhiều nơi cây keo và cao su trồng “chồng lấn”.

Nhiều nơi tích cực dồn điền đổi thửa để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Người dân bắt đầu mùa vụ trồng rừng.

Phải thừa nhận rằng, hệ lụy của kiểu mạnh ai nấy làm, quản lý lỏng lẻo của cơ quan nhà nước khiến chất lượng vườn ươm cây giống phục vụ mùa trồng rừng năm 2012 không đạt như mong muốn. Ngành lâm nghiệp thống kê, trong số hơn 4 triệu cây giống (keo tai tượng, sao đen, keo lưỡi liềm, keo lai hom), chỉ có hơn 2,2 triệu cây được chứng nhận nguồn gốc rõ ràng (đạt gần 55%). Trong khi đó, các dự án trồng rừng thực hiện với tỷ lệ rất thấp (chiếm 50%) ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển rừng năm 2012. Tiến độ trồng rừng thay thế nương rẫy với đồng bào các dân tộc thiểu số triển khai chậm. Những khoảnh rừng được đầu tư trồng theo tiêu chuẩn quốc tế, cấp “chứng chỉ rừng” ở Quảng Nam đến nay chỉ mới dừng lại ở mô hình thí điểm. Thêm nữa, ngành công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa gắn kết với vùng nguyên liệu, sản phẩm làm ra (chủ yếu là xuất thô) dẫn đến giá cả bấp bênh, thiếu ổn định. Ngoài ra, đường vận chuyển tiêu thụ sản phẩm xa làm cho giá đầu vào sản phẩm cao nên chưa thu hút các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư trồng rừng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho biết, tỉnh chỉ đạo hình thành vùng nguyên liệu tập trung để phát triển bền vững miền núi. Quy hoạch đã rõ vùng nào thì ưu tiên trồng cây gì, có cân nhắc hài hòa lợi ích kinh tế và tác động xã hội của từng loại cây, từng vùng miền; chẳng hạn cây cao su có giá trị cao nhưng không phải địa phương nào cũng trồng được. Cũng theo ông Quang, trồng có trọng điểm, trọng tâm và có lộ trình phù hợp, dự đoán được thị trường cũng là “chìa khóa” nâng cao giá trị rừng trồng. Do vậy, các địa phương tuyệt đối không được phá vỡ quy hoạch, khẩn trương rà soát 3 loại rừng để đầu tư hiệu quả, khoa học.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phủ xanh rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO