(QNO) - Dự kiến cuối tháng 6 này, đoàn chuyên gia Ấn Độ gồm 5 người đến Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) đo vẽ nền móng, lập hồ sơ phục vụ công tác tu bổ, phục dựng di tích trong khoảng thời gian 1 tháng.
Trước đó ngày 26/4/2023, đoàn chuyên gia Viện Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đến khảo sát và đánh giá ban đầu về thực trạng, định hướng công tác bảo tồn, phục dựng Phật viện Đồng Dương, kể cả xem xét đến các yếu tố phát triển du lịch địa phương.
Đoàn khảo sát đã thống nhất nội dung bảo tồn, tôn tạo Phật viện Đồng Dương theo hướng tu bổ và phục dựng hệ thống cổng và tường thành hai bên (bao gồm 1 cổng chính và 2 cổng phụ), góp phần phục hồi diện mạo và quy mô khu di tích (những vị trí này không ảnh hưởng đến việc khai quật khảo cổ học và tu bổ tháp Sáng).
Theo thiết kế ban đầu, cổng chính nằm ngay lối vào Phật viện Đồng Dương là một phức hợp kiến trúc có khối lượng xây lắp, tu bổ lớn (tương đương bằng 4 tháp Chăm thông thường), đây sẽ là điểm nhấn của toàn bộ khu Phật viện, được xem là biểu tượng tiêu biểu của giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ, đồng thời cũng là dấu ấn của Phật giáo Champa và khu vực Đông Nam Á thời trung đại.
Hai cổng phụ có quy mô nhỏ hơn, nằm bên trong khu di tích, có vai trò giới hạn giữa các khu chức năng như khu tăng xá (nơi ở của tăng sinh), khu giảng đường và khu chánh điện (nơi thờ cúng).
Dự kiến, sau khi đo vẽ, khảo sát hiện trạng di tích, các chuyên gia ASI sẽ lập hồ sơ thiết kế tu bổ Phật viện Đồng Dương. Nếu mọi việc suôn sẻ, dự án bảo tồn, phục dựng di tích Phật viện Đồng Dương sẽ triển khai thi công trong năm 2024.
Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại làng Đồng Dương, Phật viện Đồng Dương được vua Indravarman II (Vương quốc Champa) xây dựng vào năm 875 để thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra - Lokesvara.
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, các nhà khoa học Pháp đã khai quật được hàng trăm tác phẩm điêu khắc quý giá, phần lớn đang được trưng bày ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Nổi bật nhất là bức tượng Phật bằng đồng cao hơn 1m, đây được xem là một kiệt tác nghệ thuật hoàn hảo và đẹp vào loại bậc nhất trong điêu khắc Champa khu vực Đông Nam Á.
Năm 1902, nhà nghiên cứu H.Parmentier đã tiến hành khai quật Phật viện Đồng Dương. Theo khảo tả của H.Pramentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ tây sang đông, dài khoảng 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, xung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật.
Ngoài phần chánh điện được phát hiện còn có hệ thống nền gạch của một khu tăng xá, giảng đường nối nhau trên một chu vi rộng lớn. Quá trình khảo cổ cũng phát hiện những viên ngói lợp nằm rải rác, chứng minh đây là Phật viện khép kín đào tạo tăng ni có quy mô to lớn.
Trải qua hàng trăm năm bị xâm thực, tàn phá của thời gian, thiên nhiên và chiến tranh đã khiến hầu hết chi tiết kiến trúc trên mặt đất Phật viện Đồng Dương không còn nguyên vẹn. Dấu vết di tích còn lại ngày nay chỉ là một mảng tường gạch duy nhất của tháp Sáng, hiện được chống đỡ bởi những trụ sắt kiên cố để tránh nguy cơ bị đổ sập.
Tháng 12/2019, Phật viện Đồng Dương được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.