Phục hồi đa dạng sinh học biển

TRẦN NGUYỄN 02/08/2016 09:41

Vùng biển Quảng Nam đang được xây dựng chiến lược bảo tồn, khôi phục đa dạng sinh học biển dài hơi, nhất là một số loài động vật quý hiếm.   

Trong khi chất lượng vùng bờ biển ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ xấu đi, thì ở vùng biển Quảng Nam lo nhất là tác động của các hoạt động khai thác phá vỡ các sinh cảnh biển. Việc sử dụng lưới kéo đáy, sử dụng mìn phá vỡ rạn san hô khiến nhiều loài sinh vật không có nơi cư trú, từ đó làm giảm sút đa dạng sinh học hệ sinh thái rạn san hô. Tình trạng chuyển đổi đất rừng và các vùng đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng… có thể dẫn đến việc mất hay phá vỡ các hệ sinh thái. Nhiều loài hải sản có giá trị cao bị suy giảm nghiêm trọng như tôm hùm, bào ngư, hải sâm...

Cùng với hoạt động tăng cường giám sát đánh bắt gần bờ, lực lượng chức năng của tỉnh đang lập kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động có nguy cơ và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển. Đặc biệt là các khu đô thị, khu công nghiệp, cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản, các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch dọc theo bờ biển, trên các đảo; lập danh mục và kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển; tổ chức triển khai quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên và môi trường các khu vực biển Việt Nam theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thêm vào đó, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và trên các đảo bằng cách xây dựng mới, nâng cấp, bổ sung các trạm quan trắc khí tượng hải văn, các trạm quan trắc tài nguyên, môi trường biển. Riêng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã chọn khu vực Bãi Bấc, đảo Hòn Lao và các đảo Hòn Dài, Hòn Lá... với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển. Theo kế hoạch, sẽ thực hiện chuyển dời ít nhất 10 tổ trứng rùa trong 1 năm từ Vườn quốc gia Côn Đảo về tổ chức quản lý, ấp nở và thả rùa con về biển tại Cù Lao Chàm. Nhiệm vụ này thực hiện trong 3 năm, mỗi năm 1 đợt vào tháng 6 hoặc tháng 7 với tổng số trứng di dời khoảng 3.000 trứng. Chính quyền TP.Hội An đặt mục tiêu hướng đến xây dựng Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm trở thành một trung tâm bảo tồn rùa biển của miền Trung, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn rùa biển của Việt Nam từ nay đến năm 2020 cũng như các cam kết quốc tế về bảo tồn rùa biển mà Việt Nam là thành viên. Qua đó, tạo ra tiềm năng du lịch biển, thúc đẩy phát triển ngành du lịch dịch vụ Hội An, tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương phát triển kinh tế.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phục hồi đa dạng sinh học biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO