Với Quảng Nam, lựa chọn loại hình thích hợp để vực dậy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh sau đại dịch Covid-19 là một vấn đề đáng quan tâm.
Du lịch nông nghiệp - hướng đi mới
Với hai di sản văn hóa thế giới được công nhận bởi UNESCO vào năm 1999 là Hội An và Mỹ Sơn, trong hơn 20 năm qua, du lịch Quảng Nam đã lựa chọn loại hình du lịch văn hóa làm hướng phát triển và khai thác chính. Tiếp đến, nhờ vào điều kiện tự nhiên có bờ biển dài và quần đảo Cù Lao Chàm ở gần bờ, là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, nên du lịch biển cũng là thế mạnh của ngành du lịch Quảng Nam.
Tuy nhiên, cả hai loại hình du lịch nói trên đang dần bão hòa, bởi nhiều nguyên nhân: di sản văn hóa bị khai thác quá mức nên xuống cấp, lượng khách tập trung đông trong cùng một thời điểm khiến việc bảo vệ, quản lý các di tích lịch sử, di sản văn hóa gặp khó khăn; các điểm đến dần quen thuộc nên tính hấp dẫn bị giảm bớt; du lịch biển mang tính mùa vụ không thể hoạt động quanh năm; dịch vụ nghỉ dưỡng đắt đỏ, ít phù hợp với túi tiền phần lớn du khách nội địa… Mặt khác, để duy trì các sản phẩm du lịch này cần nguồn lực tài chính lớn cho công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các di tích, di sản văn hóa; cho việc kiến tạo các khu nghỉ dưỡng ven biển và cung cấp dịch vụ bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…
Trong khi đó, có một loại hình du lịch có thể khắc phục được hai vấn nạn trên. Đó là du lịch nông nghiệp (DLNN).
DLNN được định nghĩa là “một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp” (Dẫn theo: ThS. Bùi Thị Lan Hương, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn).
Tài nguyên của DLNN là những gì phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ tư liệu sản xuất, đất đai, con người, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác và sản phẩm làm ra…, đến những yếu tố tự nhiên có liên quan đến sản xuất nông nghiệp như thời tiết, khí hậu, canh tác… Không gian tổ chức các hoạt động DLNN là trang trại, đồng ruộng, vườn cây, rừng trồng đến cả những ao nuôi, cơ sở thuần dưỡng động, thực vật hoang dã… Chủ thể tham gia tổ chức DLNN có thể là chủ hộ, nhà vườn, chủ rừng, chủ trang trại, chủ cơ sở, hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, chủ doanh nghiệp nông nghiệp..., có thể gọi chung là nông dân.
Về lợi ích, du khách khi lựa chọn loại hình DLNN sẽ được tham gia gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch… trên đồng ruộng/trang trại cùng nông dân. Đó là dịp để du khách thư giãn, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống của nhà nông. Còn người nông dân thì thông qua DLNN cũng được dịp quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình và tất nhiên một phần thu nhập từ nông nghiệp của họ cũng tăng lên từ du lịch.
Ở Việt Nam, loại hình DLNN đã được nhiều địa phương chú trọng phát triển, có khi là DLNN đơn thuần; có lúc kết hợp DLNN với những loại hình du lịch khác như: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng… Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Tổng cục Du lịch vạch ra, DLNN được xác định là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Nhiều tỉnh thành trong nước đã xây dựng được những sản phẩm DLNN có thương hiệu như: du lịch miệt vườn ở Bình Dương và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; du lịch làng hoa ở Lâm Đồng; tham quan đồi chè ở Thái Nguyên, tham quan trang trại bò sữa ở Sơn La; thưởng ngoạn ruộng bậc thang mùa đổ nước và mùa lúa chín ở Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai; làng rau Trà Quế (Quảng Nam); du lịch trải nghiệm vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng); du lịch sinh thái dọc sông Sài Gòn; du lịch làng nghề ở An Giang; tour tham quan, nghỉ dưỡng tại các vườn nho, vườn táo, trang trại dê, cừu ở Ninh Thuận; tour đi thăm nơi nuôi cấy ngọc trai trong vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh…
Ít vốn, dễ làm, dễ lan tỏa
Trên thực tế, DLNN đã được áp dụng ở Quảng Nam từ 10 năm qua với sản phẩm “điển hình” là tour Một ngày làm nông dân ở làng rau Trà Quế (Hội An). Về sau, loại hình du lịch này đã lan tỏa ra nhiều địa phương trong tỉnh, với các điểm đến tiêu biểu như: làng rau Thanh Đông (Hội An), làng cây trái Đại Bình (Nông Sơn)… Ngoài ra, trên địa bàn Quảng Nam cũng có những địa phương kết hợp DLNN với du lịch cộng đồng như ở Thanh Hà (Hội An), Lộc Yên (Tiên Phước), Tam Thanh (Tam Kỳ)…, hay kết hợp với du lịch văn hóa bản địa ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: làng du lịch Pơning (Tây Giang), làng du lịch Bhơ Hồng (Đông Giang), làng du lịch cộng đồng Cơ Tu (Nam Giang)...
Sau đại dịch, du khách quốc tế chưa trở lại Việt Nam, du khách trong nước trở thành nguồn khách duy nhất cho thị trường du lịch nội địa, nhưng do các hoạt động kinh tế - xã hội chưa được khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, do đại dịch nên năm học 2019 - 2020 kết thúc muộn hơn 2 tháng so với mọi năm, vì thế khách du lịch nội địa hiện tại chưa có học sinh, sinh viên, công chức, giáo chức…, nghĩa là người trong độ tuổi học tập và lao động chưa thể tham gia du lịch vào thời điểm này, mà chỉ những người lớn tuổi, hưu dưỡng. Điều này tác động khá lớn đến việc lựa chọn điểm đến, loại hình du lịch, mức chi tiêu… của du khách, nên những loại hình du lịch trẻ trung, sôi động, mạo hiểm và tốn kém ít được lựa chọn hơn. Đối với nông dân, chủ thể của DLNN thì việc đầu tư để tạo ra các sản phẩm du lịch ở ngay trong khu vườn, trên cánh đồng, trong trang trại… của mình thì quen thuộc, dễ làm và ít tốn kém hơn so với đầu tư cho các sản phẩm du lịch khác, vốn cần nhiều tiền của, công sức và thời gian hơn.
Đặc trưng quan trọng nhất của DLNN là tính thời vụ và sự liên kết. Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lúc nào cũng có thể khai thác DLNN, bởi đây là vùng đất quanh năm có hoa thơm quả ngọt, “mùa nào thức nấy”. Trong khi thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở xứ Quảng nói riêng, ở miền Trung nói chung, không thuận lợi cho cây trái “đơm hoa kết quả” quanh năm để phục vụ du khách. Vì thế, cần phải có sự liên kết giữa các hộ tham gia làm DLNN trên cùng một địa bàn như: mỗi hộ cung cấp một loại sản phẩm (làm đồng, trồng rau, ngắm hoa, hái quả, bắt cá, chăm sóc vật nuôi…); mỗi hộ chỉ phụ trách một món ăn để phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách (mỳ Quảng, bún mắm, cao lầu, gà lên mâm, rau củ…). Và cần có sự phân công chặt chẽ trong giữa các hộ/thành viên tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ cho du khách DLNN như: nơi lưu trú, nơi ăn uống, điểm tham quan cộng đồng, điểm thưởng lãm văn hóa - nghệ thuật - hoạt động thể thao trong hành trình tham quan… Ngoài ra, các điểm DLNN không nên quá cách xa nhau, mà nên chú trọng phát triển thành từng cụm, với nhiều sản phẩm đặc trưng, để dễ dàng kết nối, thuận tiện cho việc di chuyển và tiếp cận địa điểm du lịch và nhu cầu thưởng ngoạn đa dạng của du khách.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi DLNN phát triển mạnh trong nhiều năm qua, đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc tổ chức, quản lý, kết nối và xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Vì thế, ngay sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, nhiều địa phương ở Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang đã chọn DLNN làm sản phẩm mũi nhọn để tái đầu tư, hồi sinh hoạt động du lịch trên địa bàn. Nhờ vậy, hoạt động du lịch ở những địa phương này đã nhộn nhịp trở lại, nhất là khi nơi đây đang vào mùa thu hoạch của nhiều loại trái cây đặc sản.
Hy vọng tỉnh Quảng Nam, địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển DLNN, sẽ có những nghiên cứu, đầu tư đúng hướng, kết hợp với tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các địa phương mạnh về DLNN ở trong nước, lựa chọn loại hình du lịch này để phục hồi hoạt động du lịch thời hậu dịch, tạo đà cho việc đa đạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn và phát triển du lịch bền vững trong tương lai.