Phục hồi ngành chế biến gỗ

TRẦN HỮU 23/03/2015 13:36

Vượt qua một thời gian dài loay hoay tìm thị trường tiêu thụ, ngành công nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh đã phục hồi trở lại, tăng trưởng giá trị xuất khẩu và mở rộng đối tác mới.

Tăng trưởng xuất khẩu gỗ

Phần lớn các huyện miền núi, trung du của tỉnh đều quy hoạch vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Ngoài gỗ keo phục vụ cho chế biến giấy, ván ép, gỗ vườn gia công dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ…, một số địa phương còn có gỗ cao su. Các huyện Núi Thành, Tiên Phước, Phú Ninh, Quế Sơn, Đại Lộc… đều có nhà máy chế biến dăm gỗ. Mỗi năm bình quân tỉnh khai thác 10.000ha rừng sản xuất, riêng năm 2014 các địa phương khai thác được 620.390m3 gỗ nguyên liệu, đạt giá trị 428 tỷ đồng. Các nhà máy chế biến dăm gỗ ồ ạt đầu tư khiến nguồn nguyên liệu đầu vào có thời điểm chưa thể đáp ứng nhu cầu, nên từ năm 2013 tỉnh cân nhắc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực này vì xác xuất rủi ro khá lớn. Vì vậy, năm 2014 từ việc chế biến gỗ thô, bán rẻ nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có xu hướng chuyển sang đầu tư chế biến sâu lâm sản. Năm 2014, Quảng Nam xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ đạt 11,4 triệu USD (năm 2013 là 8,5 triệu USD).

Sản xuất các bàn ghế, đồ dùng gia dụng từ gỗ tại Công ty CP Minh Dương, thuộc Khu công nghiệp Bắc Chu Lai.Ảnh: TRẦN HỮU
Sản xuất các bàn ghế, đồ dùng gia dụng từ gỗ tại Công ty CP Minh Dương, thuộc Khu công nghiệp Bắc Chu Lai.Ảnh: TRẦN HỮU

Theo Cục Hải quan tỉnh, trong tháng 1.2015, Công ty CP Cẩm Hà (TP.Hội An) xuất khẩu hơn 1,6 triệu USD, Công ty CP Lâm đặc sản Quảng Nam xuất khẩu hơn 450 nghìn USD các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ thủ công từ gỗ. Còn Công ty CP Lâm sản Pisico Quảng Nam (trụ sở đóng tại Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xã Tam Nghĩa, Núi Thành), xuất khẩu qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc 11.576 tấn dăm gỗ, đạt giá trị gần 1,6 triệu USD. Công ty CP Minh Dương (đóng ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai) xuất khẩu đồ gỗ gia dụng năm 2014 là 126 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2013 (giá trị chỉ có 43 tỷ đồng). Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), ngành công nghiệp sản xuất chế biến gỗ đã phục hồi mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Các “ông lớn” xuất khẩu gỗ trong tỉnh đều ký các đơn hàng dài hạn với đối tác nước ngoài, thị trường gỗ đã sôi động trở lại từ năm 2014 đến nay.

Chiến lược cho ngành gỗ

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, để ngành gỗ vươn ra “biển lớn”, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần ngồi lại bàn tính hướng đi, đặc biệt lưu ý đến xu hướng “môi trường hóa” thương mại đồ gỗ. Ba xu hướng cần lưu tâm, đó là gỗ nhân tạo, gỗ đạt chứng chỉ FSC và gỗ tái chế. Do đó, các tiêu chuẩn về môi trường sẽ được thị trường đặt ra ngày càng nhiều cho thương mại đồ gỗ, kể cả việc xác định tính hợp pháp và khả năng tái sinh của khu vực khai thác. Hiện nay, ngành lâm nghiệp tỉnh đang xây dựng các tiêu chí quản lý rừng bền vững.

Tại huyện Quế Sơn, nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu Hoàng Anh Khôi đi vào hoạt động nhiều năm qua, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhà máy này tiêu thụ hàng nghìn héc ta rừng keo nguyên liệu tại địa bàn và huyện Nông Sơn. Theo UBND huyện Quế Sơn, giá trị chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ của địa phương năm 2014 tăng hơn 9% so với năm 2013. Mới đây, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF Quảng Nam tại Hiệp Đức với quy mô hơn 11ha. Nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre, gỗ với công suất 200.000m3 sản phẩm/năm. Ngoài hơn 15 nhà máy chế biến gỗ, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm xưởng cưa, xưởng mộc gia dụng và ít nhất 5 doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Để nâng cao chất lượng gỗ, thời gian qua, ngành nông nghiệp Quảng Nam hỗ trợ đắc lực cho địa phương và một số doanh nghiệp nỗ lực mở rộng diện tích rừng trồng đạt chứng chỉ rừng tiêu chuẩn quốc tế (FSC).

Thực tế ở các địa phương miền núi, phần lớn gỗ rừng trồng đều sử dụng cho sản xuất dăm gỗ nên dễ gây lãng phí tài nguyên, giảm giá trị nguyên liệu gỗ, thu nhập của người trồng rừng thấp, giảm tính bền vững của rừng trồng. Phân bố các doanh nghiệp chưa gắn với vùng nguyên liệu nên chi phí vận chuyển nguyên liệu và hiệu quả sử dụng gỗ bị hạn chế. Có thời điểm, các nhà máy thiếu nguồn nguyên liệu nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, các địa phương có thế mạnh về rừng (trong đó có Quảng Nam), cần khuyến khích xây dựng các chính sách ưu đãi về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ đầu tư sản xuất tại các vùng sâu, vùng xa; tổ chức lại trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tinh chế, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chính quyền các địa phương miền núi đề nghị, tỉnh cần có chính sách khuyến khích người dân đầu tư trồng rừng đạt FSC, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu về lâm sản; chính sách phát triển công nghiệp chế biến gỗ từ rừng trồng, ưu đãi về thuế sử dụng đất với người trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và xây dựng thương hiệu với sản phẩm xuất khẩu.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phục hồi ngành chế biến gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO