(Xuân Canh Tý) - Lệ cung tiến phẩm vật địa phương về kinh thời Nguyễn được quy định chi tiết, từ hình thức, phẩm chất, màu sắc, kích cỡ, khối lượng đến phương thức cung tiến. Điều đó cho thấy rõ phẩm giá nổi bật của các thổ sản, sự quan tâm của thôn dân với triều đình và của nhà vua với bá tánh qua việc ban thưởng, chi trả hậu.
Trong điển chế triều Nguyễn, có lệ định vượt khỏi những phẩm vật đặc trưng vùng miền bởi cao cả hơn, chứa đựng một câu chuyện dài lịch sử và văn hóa, thấm nhuần đạo lý đền ơn từ lúc tao loạn khốn cùng của bậc chân mạng thiên tử, tiêu biểu là trường hợp trái lòn bon (sử ghi là lòn bon) xứ Quảng Nam.
Quả quý phương nam
Lòn bon - một loại quả rừng, trở thành Nam Trân (thức quý đất phương Nam) mang nhiều dấu ấn nhân văn trong hành trình bôn tẩu về Nam của vua tôi nhà Nguyễn vào cuối thế kỷ 18. Trên bước đường nguy khốn, họ gặp phải vô vàn khó khăn trước kẻ thù, thú dữ, trong đói rét, tưởng như “tận số” mà vẫn thoát nạn nhờ “lòng người, ý trời”. Buổi đầu bôn tẩu ở vùng núi Quảng Nam, lòn bon đã phần nào giúp họ qua cơn đói khát.
Sau ngày khải hoàn (1802), vua Gia Long giao Bộ Lễ rà soát những ghi chép đó để triều đình ghi ơn, lòn bon Quảng Nam chính thức trở thành sản vật độc đáo được cung tiến, đến thời Minh Mạng được ban mỹ tự Nam Trân.
Theo lệ cung tiến Nam Trân, từ đầu năm 1802, dinh thần Quảng Nam đã cho ngựa trạm dâng quả lên nhà vua ở hành cung tại Quảng Bình, vua ban chia cho các tướng sĩ. Năm 1805, triều đình lệnh cho Quảng Nam cứ đến tháng 9 thì cung tiến.
Lệ thời Minh Mạng cho biết nhân các lễ tiết, cung tiến 13 - 14 giỏ, do ngựa trạm đảm trách gây phiền hà sức dân nên vua cho hạn định mỗi kỳ chỉ cung tiến 6 giỏ. Cũng nhằm hỗ trợ dân chúng các tỉnh, triều đình quy định ngoài những thổ sản đặc biệt hay tấm lòng cung tiến của địa phương, còn lại chiếu giá hỗ trợ tiền: cứ 4 sọt lòn bon/một gánh là 3 quan (tương đương 1.000 quả xoài tượng, 1.000 quả vải; còn 10 quả dưa hấu 6 tiền...).
Theo lệ cung tiến phẩm vật, nhân lễ tế Nam Giao, Thái miếu, Thánh đản, ngày giỗ và Thánh thọ, tết Vạn thọ, tết Chính đán, Đoan dương, Trung thu, Trùng dương và tiến tân, quan lại địa phương phải chính tay lựa chọn những thứ ngon tốt, xếp vào sọt gánh, ngoài niêm phong đánh dấu, giao trạm đệ chuyển, trước hẹn 1 - 2 ngày đến kinh, chuyển giao thị vệ chiểu nhận, hội đồng dâng lên. Nếu gặp thời tiết, đến trễ, phải báo lên bộ trả lời để thực hiện.
Theo lệ định năm Minh Mạng 17 thì kỳ lão hương thân lòng thành, quỳ dâng phẩm vật ở ngoài Ngọ Môn, thị vệ tâu lên. Trước đó, tri huyện cho đóng hộp, dán giấy đỏ viết 4 chữ “Giải tỏ lòng thành”, phủ khăn, đem hai lọng đỏ, cho dân khiêng, quan huyện mũ áo, dẫn kỳ lão trong hạt, một người đủ ngũ đại; 4 - 5 người đủ áo khăn đi theo, đến trước Ngọ Môn, biền binh canh cửa chuyển báo thị vệ, đặt một hương án, hai tán vàng, đặt bàn sơn son bên nam hương án, để bày các hộp đựng gạo, lễ 5 lạy rồi lui ra, quan huyện đem dân phu khiêng hộp chuyển lên thị vệ, đợi phụng sắc cho thu nhận.
Sản vật Quảng Nam có chanh, lòn bon. Lễ cơm mới cung tiến lòn bon 2 - 3 lần, 4 sọt; Lễ Vạn Thọ 8 sọt; giỗ Hưng miếu (14.9), điện Long An (27.9) đều 4 sọt. Lệ năm Gia Long 11 cho Quảng Nam cứ tháng 9, hái chia làm 2 kỳ: 8.9 một kỳ 2.200 quả và phụ 4.400 quả, đệ nộp để giỗ Hưng miếu. Đến thời Minh Mạng, trừ các kỳ chiểu theo lệ định, đến ngày 27 - 28.9 vẫn còn chín thì cho dâng cúng. Thời Tự Đức chuẩn định Quảng Nam chọn mua phải đưa đến kinh đúng ngày 23.8.
Phục hồi lễ cung tiến Nam Trân
Nam Trân ghi lại trọn vẹn câu chuyện đẹp, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” dù chỉ với loài cây dại. Ngoài việc tiếp cận lòn bon từ giá trị dinh dưỡng, y học... thì phương thức thiêng hóa, tìm về cội nguồn lịch sử - văn hóa xứ Quảng sẽ gia tăng bội phần cốt tính của Nam Trân. Nhờ vai trò ý nghĩa độc đáo đó, nó có mặt trên Cửu Đỉnh - nơi hội tụ giang sơn cẩm tú, phẩm vật trân quý tiêu biểu cả nước, với khát vọng trường tồn, phồn vinh.
Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế đã đề nghị với tỉnh Quảng Nam, huyện Tiên Phước kịch bản tái hiện nghi lễ cung tiến Nam Trân vào Đại nội Huế, khẳng định nét đặc sắc của lòn bon gắn liền câu chuyện lịch sử độc đáo thời Nguyễn, được điển chế hóa thành nghi lễ đặc biệt.
Từ đây, thông điệp nhấn mạnh tính thiêng, đạo lý nhân văn, yếu tố cội nguồn của lòn bon sẽ tạo nên giá trị thương phẩm bằng lễ nghi - lễ hội “có một không hai”, gắn liền xứ Quảng - xứ Huế.
Việc chọn lựa những cây quý để có quy chế bảo vệ, chăm sóc đặc biệt, tạo sự khác biệt; chọn mẫu thiết kế, trang trí sọt sang trọng, điển chế (hình thức, kích cỡ, màu sắc, chất liệu), gắn liền ngành nghề thủ công nổi tiếng xứ Quảng (đúc đồng, mây tre đan, lụa...); thiêng hóa hoạt động chăm sóc, bảo vệ, thu hái, trưng bày, vận chuyển, với sự phối hợp của các cơ quan hữu quan ở Huế... sẽ định hình nên nghi lễ cung tiến Nam Trân độc đáo, thiêng liêng.