Dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn do Ban quản lý dự án ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Núi Thành làm chủ đầu tư được thực hiện từ đầu tháng 6.2014 và hoàn thành vào cuối tháng 8.2015. Dự án do Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam thực hiện với tổng diện tích trồng phục hồi rừng ngập mặn là 27,45ha, trong đó trồng rừng 23,90ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 3,55ha. Với mật độ mỗi hécta trồng 6.666 cây đước (một trong 10 loài cây có tác dụng chắn sóng), dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn Tam Giang trải dài trên địa bàn 4 thôn: Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ.
Khu vực trồng cây phục hồi rừng ngập mặn Tam Giang. Ảnh: V.PHIN |
Mục tiêu của dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn Tam Giang là nhằm bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven sông, bảo vệ các bờ đê, bờ kè khỏi bị xói lở bởi gió bão, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bước đầu với việc lựa chọn cây giống phù hợp, thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc và xây dựng hàng rào bảo vệ nên vùng đước trồng trong dự án phát triển tốt, có khả năng trở thành “lá chắn xanh” cho vùng ngập mặn huyện Núi Thành, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy vậy, để dự án thực sự phát huy hiệu quả thì vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết rốt ráo. Ông Nguyễn Văn Liền – ở thôn Đông Bình (xã Tam Giang) bày tỏ: “Là người dân vùng ngập mặn Tam Giang, chúng tôi rất vui mừng khi dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn được thực hiện tại địa phương, chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng trồng. Tuy nhiên, để cây đước mới trồng phát triển cần phải tiếp tục bảo vệ trong thời gian dài và người dân ở địa phương cũng đề nghị nhà nước có hỗ trợ về kinh phí để thực hiện”.
Với tổng mức đầu tư hơn 3,1 tỷ đồng, dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn Tam Giang được thực hiện nhằm trồng mới trên diện tích đất trống ven sông, đầm, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung đối với diện tích rừng mật độ còn thưa để đảm bảo chức năng phòng hộ và khoanh nuôi quản lý, bảo vệ những diện tích rừng ngập mặn hiện có. Mức kinh phí trên chỉ đủ để thực hiện xong dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn trong giai đoạn đầu còn vấn đề chăm sóc để cây đước mới cao chừng vài tấc phát triển, trở thành rừng ngập mặn là cả một thời gian dài. Ông Cao Anh Tuấn – cán bộ kỹ thuật Chi cục Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam lo lắng: “Trồng rừng phải theo quy trình “một năm trồng, 3 năm chăm sóc”, do vậy, để dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn Tam Giang thực sự phát huy tác dụng ứng phó với biến đổi khí hậu thì phải có nguồn kinh phí để chăm sóc, trồng dặm... ít nhất là 3 năm tiếp theo. Ban quản lý dự án ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Núi Thành có thể xin nguồn kinh phí bổ sung chăm sóc rừng hàng năm của tỉnh để trang trải...”.
Những năm qua, cùng với phong trào toàn dân bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện có, dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn Tam Giang đã góp phần để hình thành “lá chắn xanh” trong tương lai cho các xã vùng ven sông, ven biển huyện Núi Thành. Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy – Trưởng ban Quản lý dự án ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Núi Thành cho biết: “Đây sẽ là dự án có hiệu quả thiết thực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và dự án này phải được xem như là tài sản của nhân dân, nhân dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc. Huyện sẽ có kế hoạch xin hỗ trợ kinh phí để dự án thực sự có hiệu quả là “lá chắn xanh” ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai trên địa bàn huyện Núi Thành”.
VĂN PHIN