Phục hồi rừng Trường Sơn

BÍCH HẠNH 01/11/2013 14:07

Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WWF) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng người dân xã Tà Lu (huyện Đông Giang) vừa khởi động chương trình trồng rừng ở dãy Trung Trường Sơn, khu vực sát biên giới Lào - Việt Nam.

Người dân miền núi triển khai trồng cây phủ xanh đồi trọc. Ảnh: B.H
Người dân miền núi triển khai trồng cây phủ xanh đồi trọc. Ảnh: B.H

Nguy cơ xâm hại

Những cánh rừng nguyên sinh ở dãy Trung Trường Sơn luôn bị lâm tặc lăm le xâm hại và tác động dữ dội bởi hệ lụy chuyển đổi mục đích sử dụng, quy hoạch đất rừng thiếu khoa học. “Ngôi nhà rừng xanh” là nơi chở che, bảo vệ và sinh tồn cho nhiều loài động vật quý hiếm, một khi đã không còn vững chắc sẽ làm nghèo nàn hệ sinh thái và hậu quả là sự biến mất của nhiều loài động vật. Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, từ năm 2006 đến nay, các dự án chuyển đổi đất rừng sang mục đích đất khác đã thu hẹp vùng sinh cảnh hơn 33.146ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang thực hiện các dự án thủy điện (nhà máy thủy điện, khu tái định cư thủy điện, đường dây điện...) hơn 8.596ha. Đặc biệt, 44 dự án thủy điện đã quy hoạch với tổng công suất 1.584MW đã làm mất đi hàng nghìn héc ta rừng. Chưa kể diện tích đánh đổi rừng lấy các dự án khai khoáng, mở đường giao thông, chuyển đổi quy hoạch cơ cấu cây trồng cho phù hợp.

Dự án CarBi, thuộc WWF là một dự án xuyên biên giới đầu tiên được thực hiện với nhiệm vụ gắn kết bảo tồn với kinh tế, bảo vệ và tái tạo hơn 200.000ha rừng của một trong những khu vực “nóng” đa dạng sinh học của thế giới – dãy núi Trung Trường Sơn, nơi tiếp giáp giữa Lào và Việt Nam. Dự án CarBi được KfW, Ngân hàng Phát triển của Chính phủ Đức hỗ trợ tài chính. Hợp phần phục hồi rừng là một trong 4 hợp phần của dự án CarBi với mục tiêu giao rừng cho cộng đồng 3.000ha; khoán quản lý, bảo vệ rừng 3.000ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 3.400ha và trồng mới 450ha.

Rừng Trung Trường Sơn đa dạng sinh học vào bậc cao trong khu vực với sự tồn tại của nhiều loài thú quý hiếm như sao la, voọc chân xám, mang Trường Sơn, mang lớn và thỏ vằn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, hiện trạng rừng đang bị phân mảnh do tác động của con người, đặc biệt là khai thác gỗ trái phép, săn bắn thú rừng, các phương pháp phát triển lâm nghiệp thiếu bền vững. Vùng sinh cảnh bị chia cắt rời rạc là một trong những nguyên nhân chính đe dọa hành lang sinh học tự nhiên, hạn chế các loài di chuyển và phối giống. Tại dãy rừng Trường Sơn qua địa bàn huyện Nông Sơn, gần đây người dân ít thấy xuất hiện bầy voi; thậm chí một số loài thú đang bị đẩy đến bờ tuyệt chủng. Nếu không có những giải pháp tái tạo rừng kịp thời, hệ sinh thái khu vực sẽ khó có thể phục hồi.

Giải nguy

Chưa bao giờ phong trào trồng rừng, bảo vệ đa dạng sinh học lại thu hút sự quan tâm của người dân và chính quyền sở tại. Tại xã Tà Lu (huyện Đông Giang), cuối tháng 10 này, hàng trăm người dân đã sẵn sàng gác chuyện lên rẫy để hưởng ứng phong trào trồng rừng dự án. Chương trình phục hồi rừng Trung Trường Sơn sẽ thực hiện đồng loạt tại 20 xã trên địa bàn Quảng Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là hoạt động của dự án “Dự trữ các-bon và bảo tồn đa dạng sinh học” (CarBi) do WWF khởi xướng. Đợt trồng rừng này, các cây bản địa như sao đen, keo sẽ được trồng mới hơn 200ha và hơn 430ha được xúc tiến tái sinh. Theo kế hoạch, năm 2014 sẽ tiếp tục phủ xanh 250ha và bổ sung tái sinh gần 3.000ha rừng Trung Trường Sơn. Theo TS.Lê Thủy Anh, quản lý chương trình Trung Trường Sơn của WWF – Việt Nam, vùng sinh cảnh chia cắt là nguyên nhân khiến nhiều loài động vật phải “ra đi”. Do vậy, việc trồng các cây bản địa sẽ khớp nối hành lang, tạo ra hệ sinh thái điệp trùng, đảm bảo sự di chuyển an toàn cho loài sao la.

Khi dự án CarBi hỗ trợ, sẽ vạch ra chiến lược bảo vệ và phát triển rừng dựa vào cộng đồng rất hiệu quả. Những hộ dân tham gia chương trình này sẽ hợp tác cùng cán bộ dự án, xác định khu vực trồng, khoanh nuôi tái sinh rừng cũng như cùng ra quyết định loài cây trồng phù hợp và quản lý quá trình phục hồi rừng. Khi trồng rừng, người dân sẽ được cung cấp cây giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật, quy chuẩn trồng. Còn các cán bộ của dự án CarBi sẽ giám sát và hướng dẫn người dân thực hiện. Dự án sẽ tạo thêm việc làm, ổn định sinh kế lâu dài cho những người dân sống phụ thuộc phần lớn vào rừng. Ông Phan Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dự án một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của đa dạng sinh học dãy rừng Trường Sơn đối với sự sinh tồn của động vật hoang dã, cũng như cải thiện đáng kể sinh kế cho người dân thông qua việc khai thác các lâm sản phụ trong rừng.

BÍCH HẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phục hồi rừng Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO