Trong kịch bản hồi sinh nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, các quốc gia chú trọng chiến lược phát triển bền vững hơn.
Phục hồi xanh không chỉ giúp hồi sinh nền kinh tế, tạo việc làm bền vững, cải thiện đời sống xã hội mà góp phần giải quyết các vấn đề môi trường, ứng phó với dịch bệnh. Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đến nay vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm vượt mốc 9 triệu người, một loạt quốc gia quyết định mở cửa lại nền kinh tế để tháo gỡ khó khăn, chủ yếu mở theo từng giai đoạn để tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Như tại Mỹ, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch Covid-19 công bố kế hoạch 3 giai đoạn mở cửa trở lại nền kinh tế.
Theo một nghiên cứu của Đại học Oxford (Mỹ), cách hiệu quả nhất để hồi sinh các nền kinh tế hậu Covid-19 và giải quyết biến đổi khí hậu là đầu tư vào các sáng kiến, chính sách thân thiện môi trường như đầu tư xanh khi xây dựng các gói phản ứng dịch bệnh. Nghiên cứu cũng đề xuất cải thiện hiệu quả trong công tác giáo dục và đào tạo, khôi phục hoặc bảo tồn hệ sinh thái và ứng dụng công nghệ sạch, ứng phó biến đổi khí hậu. Tại nhiều quốc gia, hỗ trợ cho nông dân đầu tư vào nông nghiệp thân thiện với khí hậu, ứng dụng công nghệ để gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, góp phần sản xuất bền vững, cải thiện đời sống người dân đang được chú trọng.
Mới đây, các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) thành lập một liên minh phục hồi kinh tế xanh hậu Covid-19 với mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế thân thiện với môi trường, tăng cường năng lượng tái tạo và nhiên liệu hydro sạch, bảo đảm đa dạng sinh học, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống, vượt qua khủng hoảng Covid-19. Nhờ đó, châu Âu được kỳ vọng sẽ xây dựng xã hội bền vững hơn.
Giám đốc điều hành Cơ quan phong điện châu Âu WindEurope - ông Giles Dickson nói, các chính phủ trên khắp châu Âu cần gắn kết gói kích thích kinh tế và với tầm nhìn dài hạn về thỏa thuận xanh EU. Đây là thỏa thuận được công bố vào cuối năm ngoái với mục tiêu vào năm 2050 trở thành lục địa đầu tiên trung hòa về carbon và giảm lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tạo ra một châu Âu sạch hơn, khỏe mạnh hơn và kiên cường hơn.
Các thành phố trên khắp thế giới cũng lên kế hoạch cho cuộc sống “bình thường mới” với một loạt các sáng kiến bảo vệ môi trường bền vững, chống biến đổi khí hậu khi các chính phủ tung các gói cứu trợ khổng lồ để hồi sinh nền kinh tế.
Thị trưởng Milan (Italia) Beppe Sala cho biết: “Ưu tiên trước mắt của chúng tôi là bảo vệ sức khỏe của cư dân và vượt qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hướng tới cách chúng ta sẽ giữ an toàn cho người dân trong tương lai cũng như cách phục hồi xanh sẽ định hình tương lai của các thành phố”.
Còn theo bà Liming Qiao - Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Điện gió toàn cầu nói, tác động lâu dài của Covid-19 và tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào các hành động của tất cả chúng ta. Đây là thời điểm quan trọng để các chính phủ ở châu Á và toàn cầu tận dụng tiềm năng của ngành công nghiệp gió, điện mặt trời để tạo năng lượng sạch, tạo việc làm, mang lại lợi ích cộng đồng. Cơ sở hạ tầng cũng nằm ở mấu chốt của việc cân bằng bền vững kinh tế, xã hội và môi trường, có thể giúp chúng ta xây dựng khả năng phục hồi trước cú sốc hoặc khủng hoảng lớn có thể xảy ra.
Phục hồi xanh từ cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng là lời kêu gọi khẩn thiết của giới y tế toàn cầu vừa gửi lên các nhà lãnh đạo thế giới để đầu tư vào cả chăm sóc sức khỏe và môi trường để tránh tái diễn những đại dịch tương tự.