Việc áp dụng máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc, bảo vệ sức khỏe nông dân và giảm ô nhiễm môi trường.
Áp dụng kỹ thuật mới
Xã Tam Xuân 2 là vùng lúa trọng điểm của huyện Núi Thành. Nhiều năm qua, chính quyền và các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp ở đây nỗ lực đưa cơ giới hóa và các loại giống lúa mới vào sản xuất, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn. Trong năm 2021, UBND xã Tam Xuân 2 và HTX Dịch vụ nông nghiệp An Phú liên kết với Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) chọn cánh đồng thôn Phú Nam để phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái trong vụ lúa đông xuân 2020 - 2021.
Ông Bùi Văn Côi - Trưởng thôn Phú Nam, cho hay: “Chúng tôi chọn cánh đồng lúa Cồn Tiên và Cây Găng để Tập đoàn Lộc Trời thực hiện kỹ thuật phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Theo đó, nông dân chỉ trả 40 nghìn đồng/sào (so với giá thực tế 48 nghìn đồng/sào). Đây là lần đầu tiên triển khai phương pháp phun thuốc này và được nông dân hưởng ứng tích cực”.
Còn ông Nguyễn Như Trưởng (nông dân thôn Phú Nam), chia sẻ: “Qua chứng kiến và tìm hiểu, tôi thấy kỹ thuật phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái rất tiện lợi và hiện đại. Tôi sẽ đăng ký thực hiện phương pháp phun mới này”.
Vào đầu tháng 3 vừa qua, trước sự chứng kiến của đại diện Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành và lãnh đạo xã Tam Xuân 2, HTX Dịch vụ nông nghiệp An Phú cùng hơn 100 nông dân, các kỹ thuật viên Công ty Lộc Trời đã tiến hành phun thuốc trừ bệnh đạo ôn lá cho 5ha lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 giống PC6 tại cánh đồng Cồn Tiên và Cây Găng.
Qua thực tế cho thấy, thời gian phun thuốc bằng máy bay không người lái giảm so với cách phun truyền thống bằng bình phun tay từ 50 giờ phun xuống còn 1,5 giờ phun cho 5ha lúa; tổng lượng thuốc sử dụng là 0,5kg, giảm so với phun thuốc truyền thống bằng bình phun tay là 0,5kg, đồng thời không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân. Đặc biệt, toàn bộ vỏ chai thuốc qua sử dụng được thu gom và bỏ vào nơi quy định để xử lý, không xả thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Tấn Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết: “Cánh đồng lúa Phú Nam là cánh đồng đầu tiên được thực hiện kỹ thuật phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái của xã Tam Xuân 2 và cả huyện Núi Thành. Việc áp dụng kỹ thuật này góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân, giảm ô nhiễm môi trường cũng như chi phí sản xuất và được nông dân hưởng ứng tích cực”.
Lợi ích kép
Tại huyện Thăng Bình, Tập đoàn Lộc Trời cũng phối hợp triển khai phương pháp phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái. Ông Lâm Thanh Hương (ở thôn Vân Tiên, xã Bình Đào) cho biết: “Bình quân một sào, tính hết các khâu tôi mất thời gian gần một tiếng đồng hồ để phun thuốc trừ sâu bệnh. Khi áp dụng kỹ thuật phun bằng máy bay không người lái, một héc ta chỉ mất khoảng 15 phút”.
Ông Phạm Quốc Cường - Tổ trưởng kỹ thuật Tập đoàn Lộc Trời tại Quảng Nam cho biết, khi ứng dụng kỹ thuật này, sức khỏe người dân sẽ được đảm bảo vì không trực tiếp tiếp xúc với thuốc, đồng thời nâng cao khả năng phòng trừ sâu bệnh, bởi các giọt bắn đầu vòi nhỏ hơn nhiều lần so với máy phun tay, do đó sẽ tăng tỷ lệ tiếp xúc giữa thuốc và cây trồng. Không chỉ giảm công, mà cách phun này còn giúp giảm 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, việc thu gom vỏ thuốc sau khi sử dụng cũng được tập trung, hạn chế ô nhiễm môi trường.
HTX Nông nghiệp Bình Đào hiện có hơn 80ha đất tích tụ tập trung, không chỉ đa dạng hóa sản phẩm cây trồng mà ngày càng hướng đến việc thay đổi tư duy sản xuất người dân, hướng đến sản xuất quy mô và chuyên nghiệp.
Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết: “Vụ đông xuân 2020 - 2021, HTX tiếp tục cải tạo, tập trung một số chân ruộng sình lầy để trồng sen. Với diện tích tập trung ruộng đất tương đối lớn, HTX sẽ tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời để áp dụng kỹ thuật phun thuốc này vào sản xuất nhằm giảm chi phí cũng như nâng cao khả năng phòng trừ sâu bệnh”.
Còn ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Nam, cho hay: “Vụ đông xuân 2020 - 2021, chúng tôi sản xuất 14ha lúa giống, 6ha sen. Qua theo dõi, mặc dù giảm lượng thuốc, ít thời gian phun thuốc hơn nhưng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh khá cao. Hơn nữa, bình quân 1 sào khi sử dụng thiết bị nêu trên chỉ chi trả 22 nghìn đồng tiền công, giảm một nửa so với phun thủ công như trước kia”.