Nhiều cơ sở đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn) đã mạnh dạn đầu tư công nghệ nhằm cải tiến sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Đa dạng hóa sản phẩm Phước Kiều. Ảnh: T.N |
Đầu tư công nghệ
Cơ sở đúc đồng của các nghệ nhân Dương Ngọc Tiển, Dương Ngọc Thắng… là những cơ sở chịu khó tìm tòi, cải tiến công nghệ sản xuất ở làng Phước Kiều. Theo nghệ nhân Dương Ngọc Tiển, trước thị hiếu đa dạng và sự cạnh tranh của thị trường, làng nghề truyền thống có thời kỳ từng lâm vào cảnh lao đao, nếu không đổi mới, sáng tạo ứng dụng công nghệ cải tiến sản xuất mà chỉ giữ “rặt” truyền thống, làng nghề sẽ chết. Hơn nữa, khách hàng không phải ai cũng quay về với truyền thống, sản phẩm lạ, đa dạng, giá cả phải chăng sẽ được lựa chọn nhiều. Vậy nên, công nghệ đã trở thành vấn đề bức thiết tại Phước Kiều. Song, theo ông Tiển, quan trọng là phải giữ truyền thống, nếu chỉ rặt công nghệ không thôi thì tinh hoa làng nghề sẽ mất.
Hiện, làng nghề Phước Kiều đã cải tiến dây chuyền đúc đồng thủ công. Công nghệ cơ được ứng dụng vào khâu mài giũa đồng, làm nguội, tức chuyển từ công năng qua điện năng, hay trong kỹ thuật đúc, nếu trước dùng dây dừa để kéo sản phẩm, thì nay có thể dùng ti (tân) để kéo, sản phẩm sẽ không bị hư hại mà được giữ trong khuôn cố định. Về tạo mẫu, trước thợ Phước Kiều tạo mẫu theo kiểu truyền thống (khuôn đất), thì nay có thể áp dụng nhiều phương thức tạo mẫu khác như: mẫu chảy (khuôn sáp), khuôn cát hay mẫu composite - silicon. Công nghệ khuôn CNC - 3D - silicon cho phép người thợ dùng phương pháp lập trình phần mềm theo công nghệ 3D tạo mẫu hoa văn 3 chiều cho những sản phẩm có chi tiết, họa tiết phức tạp, tính thẩm mỹ cao… Nhiều nghệ nhân còn ứng dụng công nghệ 3D nhằm phối hợp công nghệ khuôn sáp và khuôn cát trên một số sản phẩm nhằm tạo được độ bóng mịn cho sản phẩm, vừa khắc họa nổi theo không gian 3 chiều…
Chia sẻ thêm về thành tựu của làng nghề, nghệ nhân Dương Ngọc Thắng cho hay, nhờ biết ứng dụng kỹ thuật làm khuôn với nhiều chất lượng đất, cát, sắt, composite, CNC-silicon-3D, đổi mới kỹ thuật nấu, đúc và biết ứng dụng công nghệ tạo màu… sản phẩm Phước Kiều dần lấy lại chỗ đứng trên thị trường. Nếu trước, ở công đoạn tạo màu, chỉ có thể làm theo kiểu thủ công, cha truyền con nối, tạo màu nhờ xông khói thì nay có thể pha chế hóa chất công nghiệp, xử lý theo kiểu công nghiệp. “Cơ sở chúng tôi đang cân nhắc có nên mua và ứng dụng công nghệ nano vào việc tạo màu cho sản phẩm hay không. Có thể đây cũng sẽ là một hướng cải tiến cho công đoạn tạo màu” - ông Thắng nói. Theo tính toán, nếu việc sử dụng khuôn đất như trước để nấu đồng sẽ chỉ có thể nấu được 50kg đồng/mẻ thì nay, việc ứng dụng khuôn sáp có thể nấu được 500kg đồng/mẻ mà lại ít tiêu tốn năng lượng so với trước. Bên cạnh những cải tiến trong sản xuất, chế tác đồng Phước Kiều, một vấn đề được đề cập là nhu cầu đầu tư công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề. “Trong khi công nghệ nấu đồng bằng điện đã được các làng nghề phía bắc ứng dụng thì Phước Kiều vẫn đang loay hoay bởi chi phí đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng. Nếu thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước, nghệ nhân sẽ không đủ năng lực tài chính để đầu tư” - ông Thắng đề nghị.
Đổi mới tư duy
Nhiều năm gần đây, cơ sở của ông Dương Ngọc Thắng hướng tới đa dạng hóa sản phẩm với nhiều chủng loại: dòng nhạc cụ dân tộc, sản phẩm nội thất thờ cúng, dòng nội thất dự án phục vụ các khu du lịch, resort… với doanh thu mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng. Hiện cơ sở của ông có thể chế tác trên 30 dòng sản phẩm các loại. Đặc biệt, gần đây, cơ sở của nghệ nhân Dương Ngọc Thắng được biết tới bởi một số sản phẩm đồng Phước Kiều đã được công nhận kỷ lục Việt Nam. Ví như “Nồi lư đồng” (nặng 1,5 tấn, đường kính 80cm, chiều dài 1,5m, cao 1,4m) được đúc bằng chất liệu đồng giả cổ. “Đồng hồ nước” được tạo tác từ những mảnh đồng được chế tác, lắp ghép lại với nhau với kiểu dáng, hoa văn, họa tiết hết sức độc đáo, hiện đang được trưng bày tại Bà Na Hill. Sản phẩm đạt kỷ lục với chiều cao 3,6m, nặng 900kg, dài 1m, rộng 1,2m. Cơ sở nghệ nhân Dương Ngọc Thắng còn “làm mới” mình khi hướng tới đúc tượng danh nhân như tượng cụ Hoàng Diệu (trưng bày tại nhà thờ cụ Hoàng Diệu ở Điện Bàn), tượng anh Trỗi (trưng bày tại Nhà lưu niệm Nguyễn Văn Trỗi)…
Đây cũng là hướng nghệ nhân Dương Ngọc Tiển hướng tới. Theo ông, để đúc tượng danh nhân, thợ đúc đồng phải có mẫu phác thảo để hậu duệ của danh nhân (nếu còn) xem xét, đánh giá; sau đó, trải qua khâu thẩm định, xét duyệt của Hội đồng nghệ thuật tỉnh hoặc trung ương. Sau đó, người thợ tiến hành làm khuôn, có thể lựa chọn nhiều hình thức: làm khuôn mẫu chảy, khuôn cát, truyền thống và khuôn composite-silicon, tùy theo mẫu phác thảo đơn giản hay phức tạp, cầu kỳ mà ứng dụng công nghệ hợp lý. “Quan trọng là phải tìm được hình thức làm khuôn và chọn chất liệu sao cho khi sản phẩm ra đời phải trung thành với mẫu ban đầu. Phải biết linh hoạt tận dụng công nghệ ở một số công đoạn để cải tiến sản xuất. Song, yếu tố quan trọng là phải giữ truyền thống” - ông Tiển sẻ chia.
TRIÊU NHAN