Phước Ninh vượt khó xây dựng nông thôn mới

VĂN SỰ - VINH ANH 30/05/2022 06:12

Là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn nhưng nhờ tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía và đặc biệt là tập trung phát huy tối đa nội lực, những năm qua xã Phước Ninh (Nông Sơn) thực hiện khá thành công mô hình nông thôn mới.

Thời gian qua, Phước Ninh ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: S.A
Thời gian qua, Phước Ninh ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: S.A

Nông thôn khởi sắc

Cuối tháng 5, về thăm lại Phước Ninh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay vùng quê vốn dĩ nghèo khó này. Những con đường nhỏ hẹp và lầy lội ngày trước giờ đã được nâng cấp, mở rộng, đổ bê tông phẳng lỳ. Nhiều nhà dân, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa... được xây dựng kiên cố, khang trang.

Ông Trương Ngọc Vũ – Chủ tịch UBND xã nói, sở dĩ Phước Ninh có sự khởi sắc như hôm nay là nhờ 10 năm qua cán bộ và nhân dân địa phương nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM).

Theo ông Vũ, giai đoạn 2011 – 2021, Phước Ninh đầu tư hơn 87,6 tỷ đồng thực hiện chương trình NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp gần 51 tỷ đồng, vốn vay tín dụng hơn 32,6 tỷ đồng, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư hơn 3,4 tỷ đồng và vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác là 524 triệu đồng. Địa phương ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh và hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế nông – lâm nghiệp.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của Phước Ninh đạt 42,05 triệu đồng, tăng 38,85 triệu đồng so với năm 2011. Nếu năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chiếm 31,72% thì đến cuối năm 2021 giảm xuống còn 8,46%, trong đó hộ nghèo theo chuẩn NTM là 2,45%.

Ông Trần Duy – cán bộ chuyên trách NTM của xã Phước Ninh cho biết, chỉ tính riêng từ năm 2011 – 2021, địa phương chi ít nhất 11,5 tỷ đồng bê tông hóa 13,2km đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm. Cạnh đó, kiên cố hóa 1,5km kênh mương; sửa chữa, nâng cấp 2 công trình thủy lợi là đập Bình Yên và đập Dùi Chiêng.

Ngoài ra, xây mới 3 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, 2 điểm trường, một số hạng mục của Trường Tiểu học & THCS Huỳnh Thúc Kháng, 1 khu thể thao xã, 3 khu thể thao thôn...

Đáng ghi nhận, trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhân dân trên địa bàn xã tự nguyện hiến 5,5ha đất các loại, chặt phá nhiều cây cối, hoa màu và đóng góp hơn 4.000 ngày công lao động.

Ông Trương Ngọc Vũ chia sẻ: “Khi bắt tay xây dựng mô hình NTM, Phước Ninh có xuất phát điểm rất thấp. Năm 2011 xã chỉ đạt 2/19 tiêu chí NTM. Nhờ nỗ lực triển khai nhiều phần việc, đến cuối năm 2021 địa phương thực hiện hoàn thành toàn bộ 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM, sớm hơn 1 năm so với lộ trình đặt ra”.

Mô hình trồng rừng nguyên liệu theo phương thức hàng hóa giúp nhiều hộ dân ở xã Phước Ninh có nguồn thu nhập khá. Ảnh: S.A
Mô hình trồng rừng nguyên liệu theo phương thức hàng hóa giúp nhiều hộ dân ở xã Phước Ninh có nguồn thu nhập khá. Ảnh: S.A

Kinh tế chuyển biến tích cực

Ông Phạm Văn An – Phó ban Nông nghiệp xã Phước Ninh cho hay, mỗi vụ nông dân địa phương sản xuất 85ha lúa. Những năm qua, nhờ ngành liên quan và chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, phương pháp canh tác tiên tiến nên năng suất liên tục tăng. Năm 2021 năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 58 tạ/ha, tăng 10 – 12 tạ/ha so với năm 2011.

Ngoài số diện tích lúa trên, hiện nay Phước Ninh cũng có 60ha đất màu ven sông, nông dân chủ yếu canh tác 2 loại cây trồng cạn chủ lực là bắp và đậu phụng. Bình quân mỗi vụ, 1ha bắp cho giá trị khoảng 35 – 40 triệu đồng và 1ha đậu phụng cho thu nhập 60 triệu đồng.

Theo ông An, với lợi thế đất lâm nghiệp tương đối lớn, thời gian qua người dân Phước Ninh huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mô hình trồng rừng kinh tế. Tính đến cuối tháng 5.2022, trên địa bàn xã có hơn 700ha rừng keo nguyên liệu. Bình quân hằng năm, nhân dân khai thác bán ra thị trường gần 200ha với mức giá dao động từ 60 – 80 triệu đồng/ha.

Hiện nay, ngoài 167ha cao su đại điền của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, người dân Phước Ninh cũng đã trồng được 44ha cao su tiểu điền. Số lao động được giải quyết công ăn việc làm thường xuyên trên lĩnh vực cao su là gần 200 người.

Những năm gần đây, nông dân Phước Ninh tập trung đầu tư cải tạo nhiều khu đất vườn để trồng các loại cây ăn quả theo phương thức chuyên canh nhằm tăng thêm nguồn thu nhập.

Ông Trương Ngọc Vũ cho biết, tính đến thời điểm này người dân địa phương đã hình thành được hơn 350 mô hình trồng bưởi trụ Đại Bình, bưởi da xanh, ổi, sầu riêng, xoài, nhãn lồng... với tổng diện tích 30ha đất. Trung bình mỗi năm, 1 mô hình cho giá trị 70 – 120 triệu đồng.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, người dân Phước Ninh chọn mô hình nuôi bò nái lai sinh sản và bò thịt thương phẩm chất lượng cao làm hướng chủ lực. Hiện nay, tổng đàn bò của địa phương là 650 con, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm hơn 80%.

Tính đến thời điểm này, toàn xã có khoảng 80 – 100 mô hình nuôi bò thâm canh và bán thâm canh với số lượng từ 5 con trở lên. Bình quân mỗi năm, 1 con bò cho mức lãi ròng 9 – 11 triệu đồng...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phước Ninh vượt khó xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO