Chính quyền chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm từ hai tuần đến một tháng, còn người dân đã ý thức hơn trong việc di dời đến nơi ở an toàn mỗi khi mưa lớn dài ngày... Kết quả này từ những nỗ lực của huyện Phước Sơn trong công tác phòng chống thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở thương xuyên xảy ra.
Trời vừa chuyển mưa, ông Hồ Văn Hạnh ở thôn 3, xã Phước Lộc, đã thu dọn đồ đạc, di chuyển lên khu lán trại cách làng chừng 200m. Đây là khu trú mưa bão tạm thời mà người dân thôn 3 dựng lên gần một tháng qua.
Trước đó, do vị trí của thôn 3 có một ngọn núi sau lưng đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, dễ sạt lở khi mưa to. Xã Phước Lộc đã hỗ trợ tấm bạt, tôn, đinh, còn 58 hộ dân trong làng góp ngày công để dựng lán trại.
“Tại nơi trú ẩn này vừa có chỗ ở, vừa có nơi nấu ăn cho gần 200 nhân khẩu trong làng. Năm ngoái, chứng kiến nhiều vụ sạt lở làm chết người, bà con mình sợ lắm rồi. Giờ có mưa to, gió lớn là chúng tôi tự di chuyển đến nơi an toàn, không chủ quan nữa đâu” - ông Hạnh cho biết.
Tại xã Phước Lộc, hiện nay ngoài các khu tái định cư được làm mới ở thôn 1, thôn 2, thôn 3, địa phương cũng đã triển khai xây dựng hai nhà tránh bão cộng đồng, tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Một nhà được làm tại thôn 1 có sức chứa hơn 300 người. Nhà còn lại được xây dựng tại khuôn viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS xã Phước Lộc, có sức chứa 250 - 300 học sinh.
Thầy giáo Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm 2020, trường có 4 học sinh tiểu học không may thiệt mạng khi về nhà tránh mưa bão. Rút kinh nghiệm, trong năm học này, mỗi khi xảy ra mưa lũ là chúng tôi không cho học sinh về gia đình, mà đưa hết lên nhà chống bão. Nơi đây luôn đảm bảo an toàn cho các em cũng như giáo viên tại trường. Ngoài ra, đến thời điểm hiện nay, Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc cũng đã dự trữ gần 10 tấn gạo, đảm bảo lương thực cho học sinh trong những ngày mưa bão xảy ra”.
Hiện nay tại các xã trọng điểm sạt lở như Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc, việc dự trữ lương thực, thực phẩm đã được chuẩn bị khá chu đáo. Trong đó, huyện Phước Sơn đã vận chuyển gần 100 tấn gạo đến vùng cao. Các xã cũng đưa gạo đến tận thôn, khu dân cư, dự trữ tại nhà làng. Mỗi làng bình quân được cấp từ 2 đến 3 tấn gạo, sẵn sàng cấp cho người dân khi mưa lũ tắc đường xảy ra. Bên cạnh đó, các hộ tiểu thương buôn bán ở vùng cao cũng đã dự trữ một lượng lớn nhu yếu phẩm cần thiết.
Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết: “Toàn xã có gần 30 hộ tiểu thương kinh doanh, buôn bán, các hộ này dự trữ hơn 150 tấn lương thực, thực phẩm cần thiết và đều ký cam kết bán đúng giá cho người dân nếu xảy ra mưa lũ tắc đường, cô lập dài ngày”.
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn khẳng định, địa phương đã và đang vận hành hiệu quả kịch bản tổng thể để phòng tránh thiên tai, nhất là địa bàn 5 xã vùng cao. Ngoài phương châm 4 tại chỗ, Phước Sơn cũng đã phối hợp với lực lượng công an, quân đội sẵn sàng tham gia ứng cứu khi cần thiết.
“Ngoài ra, bãi đáp trực thăng tại xã Phước Thànhcũng đang gấp rút hoàn thành để tiếp tế hàng hóa, cứu hộ cho người dân vùng cao của huyện. Các doanh nghiệp xây dựng đã đưa thiết bị, tham gia thông tuyến, cứu hộ khi có tình huống sạt lở, ách tắt giao thông. Bên cạnh đó, ý thức về di chuyển đến nơi an toàn của người dân trước thiên tai, bão lũ đã thay đổi rất rõ nét. Đây thật sự là cơ sở để địa phương ứng phó với các tình huống xấu do mưa lũ, sạt lở đất gây ra” - ông Lê Quang Trung nói.