(QNO) - Thời gian gần đây, một số người dân huyện Phước Sơn đã di thực cây rau lủi ở khu vực rừng núi về trồng trong vườn nhà và mang lại thu nhập ổn định.
Một vườn rau lủi tại thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn). Ảnh: THANH THẮNG |
Trước đây, Hội Nông dân huyện Phước Sơn tổ chức trồng thử nghiệm rau lủi tại khu vực rừng 48 (xã Phước Năng) với nhiều hộ dân tham gia. Rau lủi phát triển tốt, đem lại thu nhập cao nên nhiều gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo.
Sau khi thành công với sản phẩm rau lủi trồng, thông qua Hội Nông dân huyện Phước Sơn, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã chủ động liên kết, bao tiêu sản phẩm của bà con. Tuy nhiên, vì cây rau lủi được trồng ở rừng nên phải mất hơn 30 phút mới đến được địa điểm để hái.
Sau nhiều quá trình nghiên cứu, tham khảo, Hội Nông dân huyện đưa ra phương pháp di thực cây rau lủi ở các khu vực đồi núi về trồng tại vườn nhà. Qua đó góp phần tạo hướng đi mới, ổn định hơn cho người dân.
Là thành viên của Tổ hợp tác trồng rau lủi ở thôn Nước Lang (xã Phước Xuân), sau khi trồng thành công rau lủi ở vườn cho thu nhập cao, anh Hồ Văn Thừa (SN 1994, trú thị trấn Khâm Đức) tiếp tục thuê mảnh vườn 1.000m2 tại khối 1 (thị trấn Khâm Đức) và đầu tư hệ thống tưới nước để trồng. Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Hội Nông dân huyện, khu vực trồng rau quy mô này của anh Thừa từng bước dần hoàn thiện.
“Phương pháp trồng rau lủi tại vườn áp dụng kỹ thuật chăm sóc hiện đại sẽ giúp cây rau phát triển tốt hơn; đồng thời sẽ từng bước nâng cao chất lượng đầu ra của sản phẩm” - anh Thừa nói.
So với rau lủi trồng ở rừng, rau lủi trồng tại vườn nhà nhanh phát triển hơn. Ảnh: THANH THẮNG |
Cũng là một trong những hộ đưa cây rau lủi về trồng thành công trong vườn nhà, chị Hồ Thị Túy (SN 1992, trú khối 1, thị trấn Khâm Đức) cho hay, cây rau lủi trồng tại vườn phát triển tốt, năng suất cao, dễ chăm sóc hơn, không tốn thời gian đi lại nhiều.
“Ban đầu cứ nghĩ mang về trồng thử nghiệm, nhưng sau đó thấy cây rau phát triển to hơn ở rừng, trồng khoảng 1 - 1,5 tháng có thể thu hoạch. Hiện nay thương lái thu mua khoảng 10 nghìn đồng/kg và thu mua tập trung” - chị Túy tâm sự.
Theo ông Vũ Đình Cuối - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Sơn, toàn huyện hiện có hơn 7ha trồng cây rau lủi. “Sản phẩm rau lủi đang rất được ưa chuộng và có nhiều cơ sở, nhà hàng liên kết bao tiêu sản phẩm. Trong thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tham mưu nhân rộng mô hình trồng rau lủi, rau sạch tại vườn nhà, góp phần tạo thu nhập cho người dân” - ông Cuối nói.
THANH THẮNG