Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với chính sách hỗ trợ sản xuất đã tạo “đòn bẩy” cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phước Sơn vươn lên thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, công cuộc giảm nghèo ở đây vẫn chưa thực sự bền vững.
Hỗ trợ sản xuất
Tại Phước Sơn, nguồn vốn đầu tư vào sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đã đem lại hiệu quả trước mắt lẫn lâu dài. Năm xã vùng cao Phước Lộc, Phước Kim, Phước Chánh, Phước Thành và Phước Công đều được hỗ trợ con vật nuôi từ dự án giảm nghèo. Tại thôn 1 xã Phước Chánh, có 11 hộ được hỗ trợ bò lai sinh sản. Ông Hồ Văn Khoanh, người dân thôn 1 chia sẻ: “Gia đình tôi là hộ nghèo nhiều năm của thôn. Sau khi dự án giao bò nuôi, tôi xây chuồng trại, biết cách phòng bệnh cho bò nên hiện nay con vật chóng lớn và chuẩn bị cho lứa đầu. Hy vọng việc chăn nuôi suôn sẻ để gia đình tôi ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ông Khoanh, cũng như nhiều hộ nghèo khác của thôn 1 ngoài được hỗ trợ giống bò lai, còn được dự án hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ, thức ăn bổ sung, thuốc thú y, phòng dịch bệnh cho bò với tổng kinh phí cho mỗi hộ 35 triệu đồng. Theo đánh giá bước đầu của các xã vùng cao thì phần lớn hộ thoát nghèo bền vững đều nhờ nuôi bò sinh sản, kết hợp với một số mô hình nông lâm kết hợp.
Thiếu đất sản xuất là nguyên nhân khiến thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở Phước Sơn chưa bền vững.Ảnh:T.HỮU |
Thống kê của UBND huyện Phước Sơn, cho thấy giai đoạn 2011-2015, có 8.893 hộ được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ con giống gia súc, gia cầm. Trong đó, gần 900 con bò sinh sản, 1.967 con heo, 84 con trâu đến tay trực tiếp người nghèo. Để tìm hiểu chính xác nguyên nhân nghèo của đồng bào, cán bộ thôn, xã và dự án trực tiếp về cơ sở khảo sát và có hình thức hỗ trợ sản xuất thiết thực. Từ năm 2014, ngành nông nghiệp ban hành quy định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020 đối với tiêu chuẩn con giống gia súc, gia cầm.
Ở các xã vùng thấp, chính quyền các địa phương chủ trương phát triển mạnh mô hình nông lâm kết hợp, khai thác lợi thế kinh tế bản địa. Ông Nguyễn Chí Sâm - Chủ tịch UBND xã Phước Xuân cho rằng, Nhà nước hỗ trợ phương tiện, công cụ sản xuất là cần thiết nhưng cũng nên dành nguồn lực khai hoang phục hóa đất canh tác. Đến nay 3 thôn Nước Lang, Lao Đu, Măng Lùng chỉ khai hoang được hơn 35ha diện tích chuyên trồng lúa nước, 85ha lúa rẫy trong khi nhu cầu về tư liệu sản xuất trong nhân dân rất lớn.
Thiếu bền vững
Giảm nghèo trên địa bàn huyện Phước Sơn chưa thực sự bền vững. Các xã Phước Thành, Phước Lộc, Phước Công có tỷ lệ hộ nghèo hơn 70%. |
Gần đây, một số xã vùng thấp Phước Năng, Phước Đức mở rộng diện tích trồng cây bời lời đỏ. Đây là loại cây được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao sau 4 năm trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào. Thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, hiện diện tích bời lời có thể lên đến 400ha. Từ năm 2011 đến nay, Nghị quyết 30a hỗ trợ hơn 1,1 triệu cây giống bời lời đỏ cho bà con. Vỏ bời lời là nguyên liệu dùng để sản xuất các loại sơn và keo dán công nghiệp luôn là sản phẩm mà thị trường trong nước rất cần. Hiện tại, người trồng không phải lo đầu ra. Theo chính quyền xã Phước Thành, cùng với khuyến cáo bà con chăn nuôi phải có chuồng trại, địa phương tập trung phát triển cây quế bản địa và bời lời đỏ theo chủ trương của huyện. Tiếp tục trồng rừng, triển khai chính sách khai hoang phục hóa mở rộng diện tích đất nông nghiệp, gieo cấy lúa nước để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Phòng NN&PTNT huyện Phước Sơn cho biết, bình quân mỗi năm địa phương trồng mới 500ha, khai thác khoảng 30 nghìn mét khối gỗ rừng trồng. Các chính sách giao khoán rừng theo Nghị quyết 30a, Nghị định 99 của Chính phủ về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm hộ tại địa phương và nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. Thêm vào đó, nhân dân khai thác có hiệu quả các nguồn lâm sản phụ như hạt ươi, mây, đót, mật ong… giá trị ước tính mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Ông Võ Văn Ba - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phước Sơn thông tin, năm 2015 có 68 hộ trên địa bàn huyện đăng ký thoát nghèo và phần lớn đều thực hiện hoàn thành. Giai đoạn 2011-2015, huyện Phước Sơn không đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mức bình quân của tỉnh. “Nhiều chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, xã nghèo được giao cho các ngành khác nhau thực hiện nên lồng ghép, triển khai thực hiện các chính sách gặp khó khăn. Năng lực cán bộ giảm nghèo cấp xã hạn chế. Người dân vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn hỗ trợ, chứ chưa nhân rộng đầu tư thêm” - ông Ba phân tích. Đề cập hạn chế trong chính sách giảm nghèo, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Mạnh Hà thừa nhận, đầu tư phát triển nhân rộng mô hình sản xuất gặp cản lực do nguồn vốn hỗ trợ hạn chế. Hỗ trợ một lần giống cây trồng, con vật nuôi theo Nghị quyết 30a còn trùng lặp. Thực hiện lộ trình giảm nghèo có chuyển biến nhưng chưa bền vững.
TRẦN HỮU